Rau muống thanh nhiệt, giảm béo nhưng cần lưu ý cách ăn
Rau muống chứa nhiều vitamin bổ dưỡng nhưng ăn nhiều không tốt cho thận.
Thời tiết mùa hè nóng bức, bát canh rau muống vắt chanh hay đĩa rau muống xào tỏi thơm lừng giúp đưa cơm hơn. Không chỉ khiến bạn có cảm giác ngon miệng, rau muống còn đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, rau muống là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Đây là loại rau rất ít calo (19 calo/100mg) và chất béo trong khi lại chứa nhiều vitamin. Trong 100g rau có 6.600 IU vitamin A (gấp đôi nhu cầu hằng ngày), 55mg vitamin C (92% nhu cầu hằng ngày).
Rau muống có thể chế biến nhiều món ngon nhưng bạn cần tránh ăn
rau sống. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Zhang Yuqin, Bệnh viện Đa khoa Cathay Hsinchu (Đài Loan), chia sẻ rau muống vốn có nhiều vào mùa hè là món phổ biến của các gia đình. Loại rau này mang lại những lợi ích sau cho sức khỏe:
Thanh nhiệt, giảm nóng: Rau muống có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu.
Loại bỏ phù nề: Kali trong rau muống thúc đẩy thận bài tiết nước dư thừa và chất thải trong qua trình trao đổi chất, có tác dụng lợi tiểu, từ đó góp phần loại bỏ phù nề.
Kiểm soát cholesterol: Rau muống chứa chất xơ hòa tan, có thể hỗ trợ kiểm soát mức cholesterol, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngăn ngừa thiếu máu: Rau muống giàu axit folic (vitamin B9), ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi và thiếu máu, thích hợp cho phụ nữ mang thai. Loại vitamin này còn góp phần nâng cao thể lực, tăng cường trí nhớ, giúp cơ thể sản xuất, bảo vệ các tế bào mới, ngăn ngừa sự thay đổi ADN dẫn tới nguy cơ ung thư. Thành phần của rau muống chứa nhiều sắt (21% nhu cầu mỗi ngày) rất có lợi cho người thiếu máu.
Tốt cho xương: Cứ 100g rau muống cung cấp khoảng 100mg canxi. Đây là khoáng chất rất cần cho sự phát triển xương và răng của trẻ cũng như bảo vệ bà bầu khỏi chứng loãng xương sau khi sinh.
Hỗ trợ tiêu hóa: Lượng chất xơ trong rau muống nhiều gấp đôi bắp cải, có tác dụng hỗ trợ nhu động đường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, góp phần điều trị những vấn đề về rối loạn tiêu hóa.
Theo Hội đồng Dinh dưỡng Quốc gia Philippines, lượng chất dinh dưỡng trong rau muống gần ngang bằng với sữa, chuối và cam.
Rau muống chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Ảnh: Fosacha
Mặc dù rau muống có những lợi ích nêu trên nhưng bác sĩ Zhang Yuqin khuyến cáo người dân không ăn quá nhiều, đặc biệt là những người mắc bệnh thận. Rau muống giàu kali và chứa oxalate, có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận khi ăn nhiều.
Ngoài ra, người dân không ăn rau muống sống do một số lượng lớn rau được trồng tại ao hồ - môi trường chứa nhiều loại ký sinh trùng có thể gây đau bụng, khó tiêu, ngộ độc. Một số người trồng rau sử dụng hóa chất để ngăn ngừa sâu bệnh, kích thích cây phát triển xanh non. Bởi vậy, rau cần được rửa sạch nhiều lần, có thể ngâm nước muối trước khi nấu. Cần luộc chín, xào kỹ rau trước khi ăn.
Theo kinh nghiệm dân gian, những người có vết thương ngoài da, mới phẫu thuật không ăn rau muống để tránh nguy cơ sẹo lồi.
Bạn đang xem: Rau muống thanh nhiệt, giảm béo nhưng cần lưu ý cách ăn
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe