Phát hiện sán lá gan 'khủng' trong ống mật cô gái trẻ
Ngày 17/11, BS Nguyễn Đình Tùng, Phó khoa Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị sán lá gan chui vào ống mật chủ.
Bệnh nhân là chị H.N.X. (29 tuổi, ngụ tại Tây Ninh). Theo bệnh sử, nhiều ngày trước khi nhập viện, chị X. có biểu hiện bị đau bụng. Cơn đau tập trung ở vùng hạ sườn phải, diễn tiến ngày càng nặng với từng cơn quặn thắt.
Sán lá gan được phát hiện trên hình ảnh camera nội soi
Qua thăm khám, kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị giãn đường mật ngoài gan, có nốt tăng tỷ trọng nhẹ ở đoạn cuối ống mật chủ. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng kiểm tra.
BS Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Trong quá trình nội soi mật tụy ngược dòng, quan sát dưới màn hình C-Arm nhận thấy ống mật chủ của bệnh nhân giãn khoảng 10mm, đoạn cuối có bóng nhỏ không ngấm thuốc. Sau đó, các bác sĩ tiến hành cắt nhú vater, dùng bóng kéo ra được con sán lá gan kích thước khoảng 20mm ra khỏi cơ thể người bệnh. Mẫu sán được xét nghiệm định danh là sán lá gan lớn”.
Sau thủ thuật, bệnh nhân được tiếp tục điều trị chống nhiễm trùng và sử dụng thuốc đặc hiệu diệt sán lá gan. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định sức khoẻ.
Bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) các bác sĩ
đã bắt được con sán lớn ra khỏi cơ thể người bệnh
Theo phân tích chuyên môn của BS Đình Tùng, bệnh sán lá gan lớn do loài sán lá lớn (Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica) gây nên. Sán này sống ký sinh chủ yếu ở các động vật ăn cỏ như bò, trâu. Khi vào cơ thể người, sán lá gan thường ký sinh trong đường mật. Một số ít trường hợp có thể ký sinh trong cơ bắp, dưới da, phúc mạc.
Sán lá gan lớn khi ký sinh trong đường mật sẽ phá huỷ tổ chức gan, tạo ra những ổ tổn thương trong gan. Đặc biệt, bệnh sán lá gan nếu không được phát hiện và điều trị triệt để có thể gây áp xe gan, viêm gan đường mật, ứ mật, thậm chí có thể dẫn đến ung thư đường mật.
Người bị nhiễm sán lá gan thường có biểu hiện đau âm ỉ ở bụng (vị trí gan), cơn đau lan ra lưng hoặc vùng thượng vị; đầy bụng, buồn nôn; rối loạn tiêu hoá; da xanh xao, vàng da, nổi mề đay; có dịch trong bụng; mệt mỏi, chán ăn, sụt cân…
Để phòng bệnh sán lá gan và ký sinh trùng nói chung, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín uống chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Đặc biệt, người dân ở những vùng có nguy cơ cao (vùng sông nước, người làm việc trong môi trường chăn nuôi, nông nghiệp) nên khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ký sinh trùng để phòng tránh cũng như phát hiện kịp thời sán lá gan và các loại ký sinh trùng khác.
Bạn đang xem: Phát hiện sán lá gan 'khủng' trong ống mật cô gái trẻ
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe