Phát hiện mới về nguồn gốc của Covid-19
Hai nghiên cứu mới được công bố nhấn mạnh bằng chứng về việc nCoV có nguồn gốc từ động vật và nhảy sang người vì buôn bán động vật hoang dã trong chợ hải sản ở Vũ Hán.
Vào tháng 6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tất cả giả thuyết về nguồn gốc của Covid-19, bao gồm khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Hai nghiên cứu mới được công bố với cách tiếp cận khác nhau đã cùng đi đến một kết luận. Đó chính là chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc, rất có thể là tâm chấn của SARS-CoV-2.
Theo CNN, hai nghiên cứu này được đăng dưới dạng bản in trực tuyến vào tháng 2 và đã được phản biện. Cả hai đều được công bố trên tạp chí Science ngày 27/7.
Có hai loại virus riêng
biệt đã nhảy từ động vật sang người
Trong báo cáo đầu tiên, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới
đã sử dụng công cụ lập bản đồ và báo cáo trên mạng xã hội để phân
tích không gian, môi trường. Họ cho rằng mặc dù "hoàn cảnh chính
xác vẫn còn mù mờ", SARS-CoV-2 có lẽ đã xuất hiện trong động vật
sống được bày bán ở chợ Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm
2019. Các con vật được nhốt gần nhau và có thể dễ dàng phát tán
virus qua lại. Tuy nhiên, nghiên cứu không xác định con vật nào có
thể bị bệnh.
Nhóm tác giả xác định những ca mắc Covid-19 sớm nhất tập trung ở khu vực bán động vật hoang dã sống. Họ đặc biệt cho rằng có hai loại virus riêng biệt ở những động vật này đã lây sang người.
Hành khách từ Italy nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Debrecen, Hungary, được đo nhiệt độ. Ảnh: Akos Stiller/Bloomberg.
"Tất cả 8 ca Covid-19 được phát hiện trước ngày 20/12/2019 đều từ phía tây của chợ, nơi bày bán các loài động vật có vú", nghiên cứu viết. Khoảng 5 gian hàng bán động vật sống hoặc động vật bị giết thịt gần đó là dự đoán cho các trường hợp mắc bệnh ở người.
Đồng tác giả nghiên cứu, GS Kristian Andersen, khoa Miễn dịch học và Vi sinh tại Scripps Research, cho biết: “Sự phân nhóm rất cụ thể”.
Trong khi đó, tiến sĩ Michael Worobey, Trưởng khoa Sinh thái học và Sinh học Tiến hóa tại Đại học Arizona, đồng tác giả, lưu ý mô hình "bất thường" xuất hiện từ việc lập bản đồ các trường hợp này là rất rõ ràng. Họ đã lập bản đồ những trường hợp sớm nhất không có mối liên hệ nào với chợ và những người sống gần đó hoặc làm việc gần chợ.
“Đây là dấu hiệu cho thấy virus bắt đầu lây lan ở những người làm việc ở chợ nhưng sau đó bắt đầu phát tán sang cộng đồng địa phương xung quanh khi người bán hàng đi vào các cửa hàng địa phương, người làm việc trong các cửa hàng đó bị nhiễm bệnh", TS Worobey giải thích.
Thời điểm con người đầu
tiên nhiễm nCoV từ động vật
Đây là câu trả lời mà nghiên cứu thứ hai đưa ra sau khi dùng phương
pháp tiếp cận phân tử. Họ xác định được thời điểm đầu tiên nCoV lây
nhiễm từ động vật sang người.
Theo nghiên cứu này, phiên bản đầu tiên của SARS-CoV-2 có thể ở các dạng khác nhau mà giới khoa học gọi là A và B. Hai dòng dõi này là kết quả của ít nhất hai sự kiện lây truyền giữa các loài sang con người.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự kiện lây lan nCoV đầu tiên từ động vật sang người có thể xảy ra vào ngày 18/11/2019. Cùng lúc đó, dòng dõi B của virus cũng bắt đầu phát tán. Đặc biệt, họ phát hiện dòng B chỉ ở những người có mối liên hệ trực tiếp với chợ Hoa Nam.
Nhóm chuyên gia kết luận dòng A nhảy từ động vật nào đó sang người trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài ngày kể từ khi lây nhiễm từ dòng B. Dòng A được tìm thấy trong các mẫu của người sống hoặc ở gần chợ.
"Những phát hiện này cho thấy không có khả năng SARS-CoV-2 đã lây lan rộng rãi ở người trước tháng 11/2019 và xác định khoảng cách hẹp giữa thời điểm SARS-CoV-2 lần đầu tiên xâm nhập vào người và khi các ca Covid-19 đầu tiên được báo cáo. Cũng như các virus corona khác, sự xuất hiện của SARS-CoV-2 có thể là do nhiều sự kiện lây truyền từ động vật sang người", đồng tác giả Joel Wertheim, PGS Y khoa tại Đại học California, San Diego, nói. Ông thừa nhận khả năng một loại virus như vậy xuất hiện từ hai sự kiện khác nhau là rất thấp.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng chợ Hoa Nam, Vũ Hán, Trung
Quốc, vào ngày 4/3/2020. Ảnh: Reuters.
Kết quả thuyết
phục
GS Kristian Andersen cho biết các nghiên cứu không bác bỏ hoàn toàn
lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm nhưng kết quả vừa công bố
rất thuyết phục, đến nỗi ông đã thay đổi suy nghĩ về nguồn gốc của
virus.
Ông nói: “Bản thân tôi khá tin về một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm cho đến khi chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét nó kỹ hơn. Dựa trên dữ liệu và phân tích mà tôi đã thực hiện trong thập kỷ qua về nhiều loại virus khác, dữ liệu thực sự hướng đến khu chợ này".
Tiến sĩ Michael Worobey cũng nghĩ rằng nguồn gốc từ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là có thể xảy ra, nhưng ưu thế dịch tễ học của các trường hợp liên quan chợ Hoa Nam rất chân thực.
Các kết quả này mang tới bằng chứng mạnh mẽ, đột phá nhất cho thấy nguồn gốc của đại dịch Covid-19 liên quan động vật hoặc khởi phát từ chính động vật. Ông gọi các phát hiện này “không thể hợp lý hơn” về nguồn gốc của nCoV.
“Khi bạn xem xét tất cả bằng chứng cùng nhau, đó là một bức tranh rõ ràng đưa đến kết luận đại dịch bắt đầu từ chợ hải sản Hoa Nam. Loại virus này được đưa vào theo bất kỳ cách nào khác ngoài việc buôn bán động vật hoang dã là rất vô lý", vị chuyên gia khẳng định.
Mẫu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm ở Viện Pasteur Paris.
Ảnh: AFP.
Để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng họ có thể xác định chính xác con vật nào bị nhiễm bệnh đầu tiên và làm thế nào. Nhà virus học Kristian Andersen cũng khẳng định điều quan trọng nhất là phải tìm ra những loài động vật có vú hoang dã đã được bán ở chợ Hoa Nam trong thời điểm tháng 11/2019 và tìm kiếm những bằng chứng của những đợt bùng phát trong quá khứ. Ông cho rằng có thể dân làng ở những nơi cung cấp động vật hoang dã đã mang kháng thể do tiếp xúc virus corona.
PGS Joel Wertheim cho biết: “Các tác nhân giúp virus truyền từ động vật sang người và gây thành đại dịch vẫn đang ẩn náu trong tự nhiên". Ông nhấn mạnh thế giới cần phải làm tốt hơn việc giám sát và theo dõi động vật cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn khác đối với sức khỏe con người.
Chúng ta không thể ngăn chặn sự bùng phát, nhưng sự hợp tác giữa các nhà khoa học trên thế giới có thể là chìa khóa tạo nên sự khác biệt giữa căn bệnh có tác động nhỏ và căn bệnh giết chết hàng triệu người.
"Câu hỏi lớn mà chúng ta cần tự hỏi là lần tiếp theo điều này xảy ra, làm thế nào để chúng ta phát hiện sớm ổ dịch đó và ngăn chặn sự bùng phát để nó không trở thành đại dịch", ông nói.
Bạn đang xem: Phát hiện mới về nguồn gốc của Covid-19
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ sau khi mắc COVID-19
- Biến chủng BA.4 và BA.5 xâm nhập nhiều tỉnh, thành phố
- Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại
- Đồng Nai ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể BA.5
- Đoàn phim Hàn Quốc mắc Covid-19 khi quay ở Đà Nẵng
- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kín giường hồi sức COVID-19, 50% thở máy