Những trường hợp có nguy cơ mắc ung thư gan
Những người có tiền sử viêm gan C, chưa tiêm phòng viêm gan B hay bị béo phì, tiểu đường nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên vì họ có nguy cơ cao mắc ung thư gan.
Các triệu chứng ung thư gan thường không biểu hiện cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Vì vậy, việc tầm soát thường xuyên có thể là chìa khóa tăng tỷ lệ sống sót nếu mắc căn bệnh này.
Đặc biệt, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, việc khám sàng lọc có thể hữu ích cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan như người bị xơ gan (sẹo do tổn thương gan), nhiễm trùng viêm gan B, C, bệnh huyết sắc tố di truyền. Việc kiểm tra có thể bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm 6 tháng một lần.
Triệu chứng bất thường
Theo Reader’s Digest, tiến sĩ Ghassan Abou-Alfa, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), cho biết: "Nếu người nào đó đi khám sàng lọc thường xuyên và có vẻ mắc ung thư, chúng tôi có thể chữa khỏi cho họ. Còn khi họ có những triệu chứng cụ thể, căn bệnh tiến triển đã lan ra ngoài gan".
Bụng sưng và đau bất thường
Hầu hết người bị ung thư gan đều bị đau và sưng ở phía trên bên phải của bụng. "Khi khám cho một bệnh nhân không có triệu chứng, tôi ấn vào vị trí gan của họ, họ nói rằng nó rất đau", tiến sĩ Abou-Alfa nói.
Đau ở khu vực đó không nhất thiết là dấu hiệu của ung thư gan - nó cũng có thể là do nhiễm trùng viêm gan hoặc các vấn đề về túi mật hoặc tuyến tụy.
Bụng sưng đau bất thường ở phía trên bên phải bụng là một trong
những triệu chứng phổ biến cảnh báo ung thư gan. Ảnh:
Simplewell.
Sụt cân đột ngột
Giảm cân và chán ăn là triệu chứng phổ biến của những người mắc nhiều bệnh khác nhau, bao gồm một số bệnh ung thư và nhiễm virus. Sụt cân có thể không phải là ung thư, nhưng bạn hãy nói với bác sĩ nếu có thêm các triệu chứng khác liên quan đến ung thư gan.
Cảm thấy no nhanh
Tiến sĩ Abou-Alfa cho biết chất lỏng dư thừa trong bụng có thể khiến bạn cảm thấy no nhanh hơn bình thường. Ung thư luôn khiến bạn chán ăn. Các vấn đề khó tiêu bao gồm ợ hơi và buồn nôn cũng rất phổ biến, nhưng đây cũng là triệu chứng của nhiều tình trạng không phải ung thư khác.
Mắt hoặc da vàng
Ngứa và vàng da có thể là dấu hiệu của ung thư gan, đồng thời cũng là triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tụy và túi mật. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra do các tình trạng không phải ung thư như nhiễm virus (chẳng hạn viêm gan A), sử dụng rượu hoặc rối loạn khác.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan
Một số đặc điểm có thể khiến bạn có nguy cơ bị ung thư gan. Tiến sĩ Abou-Alfa cho biết những người có tiền sử nhiễm virus viêm gan C (HCV) có thể phát triển ung thư gan đến 10 năm sau khi được chẩn đoán.
Nhiễm virus viêm gan B (HBV) hay chưa tiêm phòng viêm gan B cũng có thể tăng nguy cơ ung thư. Tiến sĩ Abou-Alfa cho biết bất kỳ ai bị viêm gan nên được theo dõi cẩn thận. Bạn nên đi siêu âm ít nhất mỗi năm một lần để tầm soát ung thư nếu bạn đã nhiễm virus. Xét nghiệm protein alpha-fetoprotein trong máu cũng có thể báo hiệu ung thư gan.
Những người bị nhiễm cả hai loại virus này có nguy cơ cao phát triển bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Nguy cơ thậm chí còn cao hơn nếu họ nghiện rượu nặng (ít nhất 6 ly rượu mỗi ngày). Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, nghiện rượu nặng có thể làm hỏng các tế bào gan, dẫn đến các mô sẹo, tăng nguy cơ ung thư gan.
HBV và HCV có thể lây lan từ người này sang người khác khi dùng chung kim tiêm bị nhiễm virus (chẳng hạn sử dụng ma túy), quan hệ tình dục không an toàn hoặc sinh con. Các virus này cũng có thể lây truyền khi truyền máu. Ở các nước đang phát triển, trẻ em đôi khi bị lây nhiễm viêm gan B do tiếp xúc lâu với các thành viên trong gia đình mắc bệnh.
Người nghiện rượu nặng, đặc biệt nhiễm virus viêm gan B hoặc C,
có nguy cơ mắc ung thư gan cao. Ảnh: Medicalnewstoday.
Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:
- Tuổi tác: Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao của ung thư. Điều này phần lớn là do tổn thương DNA của tế bào tích tụ theo thời gian. Ở Mỹ và châu Âu, tuổi trung bình được chẩn đoán ung thư gan là 65 tuổi.
- Hút thuốc: Nguy cơ ung thư gan ở những người hút thuốc cao hơn 66% so với người không hút thuốc.
- Thừa cân và béo phì: So với việc có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) bình thường, những người thừa cân và béo phì có nguy cơ ung thư gan cao hơn 21%.
- Tiền sử gia đình/yếu tố di truyền: Nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan cao hơn 155% ở những người có tiền sử gia đình bị ung thư gan.
- Bệnh tiểu đường type II có liên quan nguy cơ ung thư gan, thường gặp ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác như sử dụng rượu nặng hoặc nhiễm virus viêm gan mạn tính. Nguy cơ này cũng có thể tăng lên khi những người mắc bệnh tiểu đường type II có xu hướng thừa cân hoặc béo phì, do đó gây ra các vấn đề về gan.
Bạn đang xem: Những trường hợp có nguy cơ mắc ung thư gan
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 1 bộ phận cơ thể có mùi hôi là dấu hiệu nguy cơ ung thư gan, nhiều người không biết vẫn giấu
- Thầy giáo 31 tuổi bị ung thư gan do ăn loại thực phẩm nhiều người vẫn ăn mỗi sáng
- Trường hợp nên tầm soát ung thư gan sớm
- Dùng chảo chống dính sai cách, ung thư gan sẽ cao hơn gấp 4 lần, chuyên gia chỉ rõ cần điều chỉnh thói quen này!
- Những cách có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tụy
- Nghiên cứu ĐH Harvard: Uống loại thức uống này thường xuyên làm tăng 78% ung thư gan