Nhiều người Hà Nội phải đi tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại

Sau thời gian dài điều trị tại BV Đa khoa Phú Thọ, theo nguyện vọng của gia đình, cháu Đ. được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 trường hợp phải tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại do bị chó mèo cắn. Hầu hết những người đến tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại là do không theo dõi được con chó, mèo sau khi cắn.

Tại Khu vực tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (số 131 Lò Đúc), bà Nguyễn Thị T. (73 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) vừa được thử huyết thanh phòng bệnh dại, đang chờ đánh giá kết quả để tiêm chủng.

Bà cho biết, sáng ngày 17/5 khi đi thể dục thì bị một con chó không rõ của gia đình nào cắn vào chân rồi chạy mất. Ngay sau đó, gia đình đưa bà đến cơ sở y tế địa phương để tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, các bác sĩ tư vấn nếu không theo dõi được tình trạng sức khỏe con chó sau khi cắn thì phải tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại. Đơn vị chỉ có vắc xin phòng dại, còn huyết thanh thì phải tiêm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vì thế, dù cách nhà khá xa, gia đình vẫn phải đưa bà đến đây để tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại.

Nhiều người Hà Nội phải đi tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại-1
Người dân tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Tương tự, anh N.M.K. (trú tại quận Hà Đông) cho biết, ngày 16/5 đã bị chó cắn. Do không xác được chó của gia đình nào để theo dõi nên anh quyết định đi tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, sau khi nghe bác sĩ tư vấn anh đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại. Ngày đầu tiên, anh được tiêm 1 mũi vắc xin dại và huyết thanh (tính theo cân nặng) với chi phí gần 2 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn phải tiêm thêm 4 mũi vắc xin phòng dại (380.000 đồng/mũi) theo lịch.

Một bác sĩ tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thời gian gần đây nhờ công tác truyền thông tốt nên người dân sau khi bị chó mèo cắn thường đến cơ sở y tế để tiêm vắc - xin phòng dại. Thông thường, sau khi bị chó mèo cắn, nếu theo dõi được sức khỏe của con vật thì người dân chỉ cần tiêm vắc xin phòng dại. Trường hợp không theo dõi được sức khỏe của chó, mèo thì bác sĩ sẽ tư vấn tiêm huyết thanh. “Mỗi ngày, chúng tôi tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh cho khoảng 50 trường hợp”, vị bác sĩ này thông tin.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra với tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người mắc bệnh bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp).

“Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày. Trong đó, nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương”, Cục Y tế Dự phòng thông tin.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, có nhiều nguyên nhân gây tử vong do dại trên người. Trong đó, có nguyên nhân người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Theo các bác sĩ, hơn 90% trường hợp bệnh dại xảy ra là từ chó nhà. Do đó, để phòng bệnh dại phải tiêm vắc xin ngừa bệnh dại cho thú cưng (chó, mèo). Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại cho người dân. Ngoài ra, người dân khi bị chó mèo cắn phải được xử trí vết thương và tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh theo sự tư vấn của nhân viên y tế.

 

Bạn đang xem: Nhiều người Hà Nội phải đi tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết