Nguyên liệu quen thuộc trên mâm cỗ Việt giảm giá vẫn “ế”, dân buôn ôm hàng “méo mặt”
Măng khô năm nay bỗng rớt giá mạnh, điều đáng chú ý là nhu cầu người dân giảm khiến những dân buôn ôm hàng “méo mặt”.
Măng khô được biết đến là một trong những loại thực phẩm khô truyền thống thường được các bà nội trợ sử dụng trong thực đơn vào các dịp lễ, tiệc. Cụ thể, dịp Tết cổ truyền hay cỗ cưới, hỏi… đều sử dụng măng khô để chế biến các món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng.
Cũng vì lẽ đó, mặt hàng này hầu như năm nào cũng bán rất chạy. Thông thường, vào khoảng thời gian này, nhiều dân buôn đã tích trữ được kha khá măng khô để chuẩn bị bán cho dịp Tết Nguyên đán.
“Như mọi năm, lượng người mua trong thời điểm này rất nhiều nhưng năm nay thị trường ảm đạm hơn. Lượng người mua giảm sút, nhiều người ôm hàng tích trữ còn đang lo lắng mất ăn mất ngủ”, anh Bảo – đầu mối bán măng khô ở Điện Biên, chia sẻ.
Giá măng khô giảm vài chục nghìn đồng/kg so với đầu mùa khiến dân buôn "méo mặt".
Theo anh, giá măng khô năm nay giảm rất nhiều so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái, măng nứa khô – loại măng được nhiều người đặt mua, được bán giá đến 250.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 190.000 đồng/kg. So với đầu vụ, mức giá này cũng giảm 70.000 đồng/kg. Còn các loại măng tre, măng củ cũng giảm giá đáng kể.
Mức giá giảm này khiến nhiều dân buôn “ôm” hàng từ đầu vụ đều “méo mặt”. Đến thời điểm này, không ít người vẫn cố giữ hàng đợi lên giá. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ măng khô năm nay giảm rất nhiều.
Anh cho biết có một số nguyên nhân khiến măng khô giảm giá, lượng tiêu thụ chậm, đó là hiện tại măng đang vào mùa thu hoạch. “Măng nứa đang bước vào mùa thu hoạch, đúng vụ kéo dài khoảng 3 tháng, kể từ tháng 7 đến khoảng tháng 10 hàng năm. Số lượng măng thu hoạch được mùa này rất nhiều nên khiến giá măng giảm”, anh nói.
Nhiều dân buôn mong chờ khoảng 2 tháng nữa xem giá có lên không để đẩy hàng tồn.
Một lý do khác là tháng này là tháng cô hồn, ít có cỗ bàn nên lượng tiêu thụ cũng giảm, giá cũng xuống dốc. Anh dự đoán khoảng 2 tháng nữa, có thể giá sẽ tăng vì nhiều người mua về chuẩn bị bán cho dịp Tết Nguyên đán.
Mặt khác, năm nay kinh tế suy thoái, nhiều lao động mất việc, không có thu nhập nên họ cũng cắt giảm chi tiêu. Nắm bắt được điều đó, những dân buôn như anh cũng không dám ôm hàng nhiều để bán khiến lượng măng khô dân làm ra khó tiêu thụ.
“Như mọi năm, khoảng tháng 7 này, những dân buôn ở miền xuôi thu mua rất nhiều măng khô để trữ lại bán cho dịp Tết nhưng năm nay họ không mua mấy nên hàng của chúng tôi cũng ùn ứ lại. Hiện, nhà tôi còn rất nhiều măng khô chưa tiêu thụ được”, anh nói.
Chị Thanh – một đầu mối bán măng khô ở Hà Nội, cho biết năm nay lượng người mua mặt hàng này giảm mạnh khiến chị không dám ôm hàng nhiều. “Vì hàng măng khô do người dân làm không có chất bảo quản nên bảo quản không được lâu. Thường thì chỉ bảo quản đến vài tháng là nhiều, nếu để qua Tết măng thường sẽ lên phấn, xuống màu và giảm chất lượng nhiều”, chị nói.
Cũng vì thế, chị năm nay chỉ dám nhập cầm chừng vì sợ ôm hàng nhiều, sau không bán được thì lỗ vốn. Chị cho biết thị trường thời điểm này chưa nói lên được điều gì, khoảng 2 tháng nữa, thời tiết mát mẻ, nhiều gia đình tổ chức tiệc có thể mặt hàng măng khô sẽ bán chạy hơn.
Bạn đang xem: Nguyên liệu quen thuộc trên mâm cỗ Việt giảm giá vẫn “ế”, dân buôn ôm hàng “méo mặt”
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Cà rốt tí hon có gì đặc biệt mà giá bán gấp 3 lần loại thường vẫn đắt hàng?
- Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom giun đất khô: Dược liệu chữa bệnh gì?
- Nhãn Hưng Yên giá chỉ từ 4.000 đồng/kg, thương lái 'không buồn' thu mua
- Thứ vứt đi bất ngờ được thương lái tìm mua, có bao nhiêu cũng lấy hết
- Giá sầu riêng “lao dốc”, thương lái “méo” mặt, bỏ cọc hàng trăm triệu đồng
- Thương lái ráo riết gom hàng đưa sang Trung Quốc, giá sầu riêng cao kỷ lục