Nguồn gốc xuất xứ, lịch sử ra đời và phát triển của nồi cơm điện

Cơm là món ăn chính của rất nhiều nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc nấu cơm ngày nay rất đơn giản, bạn chỉ cần vo gạo, thêm đủ nước, đặt vào nồi bấm nút rồi đợi cơm chín thôi. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn có thắc mắc về lịch sử ra đời và phát triển của nồi cơm điện như thế nào chưa? Để giải đáp các câu hỏi trên, hãy cùngngược dòng thời gian đi tìm nguồn gốc của nồi cơm điện trong bài viết sau nhé!

Cơm là món ăn chính không thể thiếu trong bữa ăn của rất nhiều nước ở Châu Á từ xưa cho tới nay.

Ai phát minh ra nồi cơm điện?

Nồi cơm điện là thiết bị gia dụng tự động có xuất xứ từ Nhật Bản, ra đời vào giữa thế kỷ 20, tên gốc là “Suihanki” và được thiết kế để nấu cơm bằng phương pháp hấp hơi gạo. Cấu tạo của một chiếc nồi cơm điện gồm nguồn nhiệt, nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt - có chức năng đo nhiệt độ của nồi nấu và kiểm soát nhiệt lượng. Nồi cơm điện càng phức tạp thì càng cần nhiều cảm biến và bộ phận hơn, chức năng cũng đa dạng, giúp việc nấu nướng trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian hơn. Vậy ai là người phát minh ra nồi cơm điện?

“Suihanki” - thiết bị gia dụng tự động có xuất xứ từ Nhật Bản

“Suihanki” -  thiết bị gia dụng tự động có xuất xứ từ Nhật Bản

Có thể nói tiền thân của nồi cơm điện hiện đại ra đời từ tay một kỹ sư sửa vô tuyến có tên Masaru Ibuka sau chiến tranh thế giới thứ 2. Chiếc nồi cơm điện này không được ứng dụng vào thực tế do nhiều lần thực nghiệm thất bại với những nhược điểm chí mạng, nghiên cứu cũng bị bỏ dở trong tiếc nuối. 

Cho đến năm 1956, cặp vợ chồng Yoshitada Minami, Fumiko đã nghiên cứu và cho ra đời chiếc nồi cơm điện có tính ứng dụng đầu tiên dưới thương hiệu Toshiba, mở ra cuộc đua sản xuất nồi cơm điện hết sức khốc liệt cho đến tận ngày nay.

Chân dung cặp vợ chồng Yoshitada Minami và Fumiko

Chân dung cặp vợ chồng Yoshitada Minami và Fumiko

Việc xác định ai là người phát minh ra nồi cơm điện tưởng như dễ hơn các đồ điện tử khác bởi đây là một thiết bị rất đơn giản. Nhưng trên thực tế, để có được sản phẩm như chúng ta đang sử dụng hiện nay là cả quá trình nghiên cứu và phát triển lâu dài, với sự đóng góp của nhiều nhà phát minh, cũng trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại. Cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử nồi cơm điện nhé!

Lịch sử ra đời và phát triển của nồi cơm điện

Lịch sử ra đời của nồi cơm điện

Trước khi nồi cơm điện xuất hiện, hầu hết phụ nữ Châu Á đều nấu cơm theo cách truyền thống bằng nồi gang hoặc nồi đất. 

Ở Việt Nam, để nấu ra được nồi cơm thơm ngon, vừa chín tới bằng củi, rơm là cực kì khó, đòi hỏi nhiều công sức và “tay nghề” thao túng lượng nước và độ lửa.  

Còn ở Nhật Bản, phụ nữ sử dụng nồi sắt để nấu cơm, đi kèm với nó là chiếc bếp có tên Kamado dạng kín hình hộp chữ Nhật. Họ phải dạy từ rất sớm để chuẩn bị gạo, tự mình bê nồi sắt nặng nề đặt lên bếp, sau đó cần liên tục trông coi, tăng giảm lượng nước và nhiệt độ sao cho cơm không bị nhão, khô hay cháy khét.

Bếp Kamado truyền thống ở Nhật Bản

Bếp Kamado truyền thống ở Nhật Bản

Mỗi ngày chỉ 3 lần nấu cơm đã khiến cuộc sống của người phụ nữ thời đó chỉ quanh quẩn với bếp núc và dọn dẹp nhà cửa. Chưa kể, khói bụi từ bếp lò có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp. Mong muốn về một thiết bị nấu cơm đơn giản, tiết kiệm thời gian, công sức trở nên rất bức thiết. 

Phiên bản đầu tiên của nồi cơm điện do công ty Mitsubishi Electric sáng tạo ra, nó có dạng hình hộp nối với 2 điện cực trực tiếp của dòng điện, được quân đội Hoàng Gia Nhật Bản mang ra chiến trường và sử dụng như một chiếc nồi đa năng. Tuy nhiên ý tưởng này nhanh chóng thất bại, bởi gạo không được bảo quản tốt, cơm cho ra không ngon, thiết kế dẫn điện trực tiếp rất nguy hiểm, sử dụng trên chiến trường lại càng nguy hiểm hơn.

Mãi đến năm 1945, khi Nhật Bản bước vào thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, Masaru Ibuka kết hợp với Akio Morita sáng lập Tổng công ty kỹ thuật viễn thông Tokyo (tiền thân của tập đoàn Sony sau này) đã cho ra ý tưởng sáng tạo chiếc nồi cơm điện đầu tiên bởi lương của các kỹ sư vô tuyến lúc đó được trả bằng gạo. Chiếc nồi này có dạng hình trụ như bồn tắm gỗ, phía dưới đáy lót bằng sợi nhôm. Ý tưởng thì rất hay nhưng kết quả thực tế lại không khả quan hơn chiếc nồi của quân đội Nhật Bản trước đó là bao, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng gạo (gạo xấu nên khả năng hấp thụ lượng nước không đều nhau, lúc thì khô tơi ra từng hạt, khi thì nhão như cháo), quan trọng hơn là người nấu vẫn cần canh chừng liên tục. Sau nhiều lần thất bại, Masaru Ibuka đã từ bỏ nghiên cứu này, Sony cũng toàn lực tập trung nghiên cứu các đồ dùng điện tử khác. 

Nồi cơm điện của Masaru Ibuka

Nồi cơm điện của Masaru Ibuka

Sau thất bại của Sony và Masaru Ibuka, rất nhiều công ty trong ngành điện tử Nhật Bản vẫn tiếp tục theo đuổi ý tưởng làm nồi cơm điện. Một lượng lớn sản phẩm được tạo ra nhưng đều rơi vào khuyết điểm chí mạng là không thể tự động, cần phải có người theo dõi và bật/tắt công tắc điều chỉnh điện trong quá trình nấu. 

Năm 1950, một nhân viên kinh doanh của Toshiba tên là Shogo Yamada đã đi khắp Nhật Bản với mục đích ban đầu là quảng cáo máy giặt điện của hãng này. Sau khi tiếp xúc với nhiều bà nội trợ và phát hiện khó khăn nhất của họ khi làm việc nhà không phải giặt quần áo, mà là việc nấu cơm ba bữa một ngày với bếp Kamado, ông một lần nữa khởi động dự án về nồi cơm điện tự động.

Toshiba thấy được thất bại của các hãng khác nên không quá coi trọng dự án này, các kỹ sư thời đó đều cho rằng nồi cơm điện sẽ không được đón nhận. Họ không thấy được ý tưởng về nồi cơm điện từ trước đến nay đều xuất phát từ đàn ông - những người ít khi vào bếp và không thực sự biết nấu cơm mới dẫn đến thất bại. 

Dự án gần như đi vào bế tắc cho đến khi Yamada chuyển giao nó cho nhà phát minh Yoshitada Minami và vợ của ông, cô Fumiko. Minami có kỹ năng về thiết bị máy móc, còn Fumiko thì thực sự biết nấu cơm, họ đã phát hiện ra nguyên nhân thất bại của các nồi cơm trước đó là do không điều chỉnh được nhiệt độ nồi sau khi cơm sôi. Khi nước trong nồi được gạo hấp thu hoặc bay hơi hết thì nhiệt độ hộp đựng sẽ tăng nhanh chóng gây ra tình trạng cháy khét hoặc cơm chưa đủ chín.

Hai người đã tạo ra một công tắc uốn công để tự động tắt nồi cơm điện khi nhiệt độ trong nồi vượt quá 100 độ C. Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ, làm sao để giữ cho nồi không bị mất nhiệt khi công tắc đã tắt trở thành thách thức lớn hơn. Sau nhiều lần nghiên cứu, Minami và Fumiko liên tưởng đến nồi nấu cơm của những người dân ở bang Hokkaido rồi tạo ra nồi cơm điện tự động gồm 2 lớp, bên trong là nồi nấu, bên ngoài là nồi chứa nước với phương pháp “nấu hai lần gián tiếp”. Chiếc nồi cơm điện có tính ứng dụng thực tế đầu tiên ấy chính thức ra đời năm 1956. 

Nồi cơm điện Toshiba do Yoshitada Minami và Fumiko tạo ra

Nồi cơm điện Toshiba do Yoshitada Minami và Fumiko tạo ra

Tuy có giá thành khá đắt và tốn nhiều điện năng, nhưng Toshiba đã đẩy mạnh quảng cáo rằng chiếc nồi cơm điện này không chỉ có thể nấu cơm bình thường mà còn làm được cả món cơm Takikomi Gohan tẩm ướp cùng nước tương nên đã tạo ra cơn sốt trong giới nội trợ Nhật Bản. Trong năm đầu tiên sau đó, Toshiba đã sản xuất tới 200.000 sản phẩm mỗi tháng. 

Toshiba không phải đơn vị chuyên sản xuất đồ gia dụng nhưng lại thành công tạo được nồi cơm điện, sự kiện này ví như một “cú tát” vào các hãng sản xuất điện tử cùng thời. Ngay sau đó, hàng loại “ông lớn” đã nhảy vào đường đua sản xuất nồi cơm điện. 

Cho đến hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu sản xuất nồi cơm điện hơn, nhưng dấu ấn về chiếc nồi cơm điện thực dụng đầu tiên của Toshiba vẫn vô cùng có sức hút, tạo nên địa vị khó thay thế của thương hiệu này trên thế giới. 

Sự phát triển của nồi cơm điện hiện nay 

Những năm 60, chiếc nồi cơm có thể giữ ấm cơm sau khi nấu đã ra đời, một số kiểu nồi còn tích hợp thêm chức năng hẹn giờ, chỉ cần chuẩn bị gạo, đặt hẹn giờ từ tối hôm trước, sau đó nồi sẽ giữ cơm nóng và dẻo ngon như mới nấu để người dùng có thể ăn trực tiếp vào bữa sáng ngày hôm sau. 

Sang năm 70, hãng Matsushita (tiền thân của Panasonic) đã cải tiến và tạo ra nồi cơm điện có thể nấu chung gạo và nước, đỡ tốn thời gian nấu và tiêu thụ ít điện năng hơn so với sản phẩm của hãng Toshiba. 

Nồi cơm điện của Matsushita sản xuất đầu những năm 1970

Nồi cơm điện của Matsushita sản xuất đầu những năm 1970

Đến khoảng những năm 90 của thế kỷ 20, nồi cơm điện đã được hoàn thiện các chức năng như tự ngắt, ủ ấm, giữ gạo… được phổ biến trên toàn thế giới. Tại Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện những chiếc nồi cơm điện đầu tiên của các thương hiệu nổi tiếng như Toshiba, Sony…

Theo dòng thời gian, nồi cơm điện ngày càng được hoàn thiện hơn, các tính năng mới liên tục ra mắt để thu hút sự chú ý và đáp ứng nhu cầu khắt khe của người dùng. 

Có thể kể đến một số loại nồi cơm điện được chú ý thời gian gần đây như:

Nồi cao tần Sharp

Nồi cao tần Sharp

Nồi cao tần: Sử dụng công nghệ cảm ứng từ nhằm thực hiện đun nấu trực tiếp - tức là nồi cơm điện cao tần sẽ làm nóng nồi cơm trực tiếp không qua mâm nhiệt, giúp bảo toàn dưỡng chất có trong gạo, cơm ngon, dẻo, thơm hơn. Bạn tham khảo thêm mẹo chọn mua nồi cơm điện cao tần bền, đẹp, nấu cơm ngon.

Nồi cơm điện tử

Nồi cơm điện tử

Nồi cơm điện tử: Nồi cơm điện tử là loại nồi được tích hợp màn hình điện tử giúp điều khiển các chế độ nấu khác nhau, hoạt động dựa trên bộ điều khiển tích hợp sẵn trong vi xử lý của nồi, có thể sử dụng nút ấn cơ hoặc nút cảm ứng để chọn các chế độ nấu. 

Nồi cơm áp suất điện tử

Nồi cơm áp suất điện tử

Nồi cơm áp suất điện tử: Dựa trên ý tưởng kết hợp giữa nồi áp suất và nồi cơm điện tử, mang đầy đủ các tính năng nổi bật của 2 dạng nồi trên. Có thể nấu cơm hệt như các nồi cơm điện khác nhưng sản phẩm này sẽ giữ kín, hạn chế lượng hơi nước thoát ra trong quá trình nấu, tăng áp suất bên trong nồi làm thức ăn chín mềm nhanh hơn. 

Nồi cơm điện tách đường

Nồi cơm điện tách đường

Nồi cơm điện tách đường: Nồi cơm điện tách đường là một loại nồi cơm điện điện tử thuộc hãng đồ gia dụng Grayns, có tác dụng loại bỏ một phần lượng đường trong gạo khi nấu chín, giữ lại tỷ lệ tinh bột hấp thụ chậm (Amylose) cao hơn tinh bột hấp thụ nhanh (Amylopectin). Đây là loại nồi giúp hạ đường huyết cho người tiểu đường, phòng ngừa các bệnh tim mạch, tai biến, béo phì… do tinh bột xấu có trong gạo gây ra.  

Mặc dù không thể hoàn toàn giải phóng người phụ nữ ra khỏi những công việc bếp núc nhưng nồi cơm điện ra đời đã phần nào giảm bớt sự vất vả, giúp họ có thời gian cho các công việc khác. Ngày nay, thị trường có rất nhiều mẫu mã nồi cơm điện giá rẻ đến sản cao cấp hơn để bạn lựa chọn với những chức năng tiện ích vượt trội, không chỉ nấu cơm mà còn có thể làm được rất nhiều món ăn khác như bánh ngọt, nấu súp, nấu cháo, hầm canh,... 

Bạn đang xem: Nguồn gốc xuất xứ, lịch sử ra đời và phát triển của nồi cơm điện

Chuyên mục: Máy thực phẩm

Chia sẻ bài viết