Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy ngày Tết
Bánh chưng, bánh giầy là những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Không chỉ là món ăn dân dã mang đậm đặc trưng của người Việt, bánh chưng, bánh giầy còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... của người Việt cổ. Hãy cùng META tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy ngày Tết qua bài viết này nhé!
Bánh chưng, bánh giầy là những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Không chỉ là món ăn dân dã mang đậm đặc trưng của người Việt, bánh chưng, bánh giầy còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... của người Việt cổ.
>>> Xem thêm: Các phong tục ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền 3 miền Bắc, Trung, Nam
Nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy ngày Tết
Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt Nam ta thường mong ngóng đến ngày sum họp cùng người thân, gia đình, cùng nhau gói bánh chưng, giã bánh giầy, tạo thành những món ăn truyền thống thơm ngon dâng lên bàn thờ Tổ tiên. Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc của phong tục đặc biệt này.
Truyền thuyết xưa kể lại rằng, khi vua Hùng Vương thứ sáu đã tuổi cao sức yếu, vua muốn tìm một kế vị nối được chí của mình nhưng lại có tới 20 người con trai. Vua bèn hạ lệnh, trong lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý mình vua sẽ truyền ngôi cho.
Các lang ai nấy đều tất bật sai người tìm của ngon vật lạ để dâng vua, chỉ có Lang Liêu là buồn nhất. Chàng là người con thứ mười tám, xưa nay chỉ quen với việc trồng trọt, trong nhà chẳng có gì ngoài lúa gạo, ngô khoai nên không biết tìm đâu ra những sản vật quý giá dâng lên vua cha trong ngày lễ Tiên Vương.
Sau một đêm nằm mộng được thần mách bảo, chàng đã chọn ra thứ gạo nếp ngon nhất trong nhà để làm ra hai thứ bánh, một loại có hình vuông và một loại có hình tròn. Khi ngày lễ Tiên Vương đến, vua cha rất hài lòng với những lễ vật của Lang Liêu, ngài bèn đặt tên bánh hình vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh tròn là bánh giầy (bánh dày) tượng trưng cho trời. Vua dùng bánh của Lang Liêu để tế lễ trời, đất và Tiên Vương sau đó truyền ngôi lại cho Lang Liêu.
Và kể từ đó trở đi, cứ đến ngày Tết, vua lệnh cho dân chúng làm hai loại bánh này để dâng lên Tổ tiên cầu mong Tổ tiên phù hộ mang đến vụ mùa thuận lợi cho một năm mới. Dần dần, làm bánh chưng, bánh giầy ngày Tết đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong dịp Tết Cổ truyền của người Việt Nam.
>>> Xem thêm: Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Ý nghĩa truyền thuyết bánh chưng bánh giầy
Bánh chưng, bánh giầy không chỉ là những món ăn đặc trưng cho ngày Tết Cổ truyền mà trong đó còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cả một nền văn minh lúa nước thời cổ đại. Theo quan niệm của Tổ tiên người Việt, bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”.
Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh nhuyễn, thịt lợn, hành... đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của người Việt. Tất cả được gói lại bằng những phiến lá dong xanh mướt có thể được hái ngay trong vườn nhà. Bánh giầy được làm từ gạo nếp đồ chín lên rồi giã tay cho nhuyễn mịn sau đó mới nặn cho thành hình.
Bánh chưng, bánh giầy xuất hiện vào ngày Tết Nguyên Đán không chỉ là cách mà người nông dân Việt Nam thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người mà nó còn thể hiện được đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thể hiện chữ hiếu của người con với cha mẹ. Phong tục dùng bánh chưng, bánh giầy làm quà biếu dâng lên cha mẹ ngày Tết cũng từ đó mà trở thành nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích.
Hy vọng rằng, bài viết trên đây của chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục gói bánh chưng, giã bánh giầy ngày Tết, qua đó góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết và xin hẹn gặp lại trong những bài viết sau.
Bạn đang xem: Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy ngày Tết
Chuyên mục: Quà tặng & Lời chúc
Các bài liên quan
- Nồi nấu bánh chưng, bánh tét nào luộc bánh chín nhanh, đều, rền, ngon?
- Tranh tô màu bánh chưng, bánh tét ngày Tết đẹp, đơn giản cho bé
- Nguồn gốc tục lệ cúng ông Táo và ý nghĩa ngày ông Công ông Táo
- Cách khắc dưa hấu Tết đơn giản, cầu tài lộc cho cả năm
- Cách cắm hoa lan hồ điệp đẹp, ý nghĩa, đón may mắn, tài lộc Tết 2021
- Các phong tục ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền 3 miền Bắc, Trung, Nam