Ngao ngán vì loạt sạn trong 'Đất rừng phương Nam': Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo 'giả trân' như phim hoạt hình
Những thay đổi theo hướng hành động giải trí của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khiến 'Đất rừng phương Nam' có không ít tình tiết phi lý.
Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có khá nhiều cải biên so với phiên bản truyền hình năm 1997 và tiểu thuyết gốc. Bộ phim cũng chuyến hướng sang thể loại hành động để có thể tiếp cận nhiều khán giả trẻ hơn. Song, đa phần các chi tiết này lại không mang đến hiệu quả bởi quá mâu thuẫn, phi lý.
Lời thoại đậm chất Gen Z
Dù đầu tư bối cảnh miền Nam Bộ hoành tráng nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dường như quên mất các nhân vật trong phim cũng là người miền Tây. Những từ ngữ, cách phát âm đặc trưng của vùng đất này hoàn toàn bị ngó lơ. Không những thế, những cuộc hội thoại của Út Lục Lâm (Tuấn Trần) và An (Hạo Khang) lại đậm chất Gen Z.
Các nhân vật thường xuyên dùng những từ như “dính”, “thân ai nấy lo”, “chị đẹp”, "sang lên"… vô cùng hiện đại. Đạo diễn cho biết khi viết kịch bản, ê kíp cân nhắc về việc sử dụng những từ thuần địa phương, Hán Việt để hợp bối cảnh đầu thế kỷ 20. Ở các phân cảnh gây cười, ê kíp muốn các từ gần gũi khán giả trẻ vì sau cùng, phim cần đạt mục tiêu thương mại. Dù rằng một bộ phim thương mại cần sự tươi mới nhưng việc lạm dụng quá nhiều từ ngữ trẻ trung, trái ngược hẳn với bối cảnh sẽ gây phản cảm cho khán giả.
Kỹ xảo tệ hại
Một chi tiết tệ hại khác của Đất rừng phương Nam chính là phần kỹ xảo. Ngay từ đầu phim, người xem sẽ được chiêu đãi một màn “cò bay thẳng cánh” dọc theo con sông. Điều đáng nói ở đây là con cò hệt như phim hoạt hình được lồng ghép một cách cẩu thả vào khung hình. Đợi một chú cò thật bay khó đến thế sao?
Phần kỹ xảo giả trân này tiếp tục xuất hiện ở giữa phim khi những con đom đóm xếp thành hình mẹ An. Tại sao không cho An mơ thấy mẹ do Hồng Ánh thủ vai như bản truyền hình? Khi phim sắp kết thúc, khán giả một lần nữa thất vọng trước hình ảnh con cá sấu tệ hại bằng CGI. Phải chăng kinh phí đổ hết vào bối cảnh rồi chăng?
Thân phận cha An đã lộ dữ chưa?
Đầu phim, vì thân phận làm Cách mạng của Hai Thành (Huỳnh Đông) bị lộ khiến An cùng mẹ bỏ trốn lính Pháp và xuống miền Tây tìm cha. Nhưng không hiểu sao khi Võ Tòng (Mai Tài Phến) bị bắt, Hai Thành vẫn xuất hiện trong vỏ bọc thương nhân hồ tiêu rồi gây ra vụ cướp pháp trường. Vậy là thân phận của Hai Thành đã lộ dữ chưa?
Nếu đã bại lộ thì tại sao đến lúc anh cướp pháp trường thì mới bị Pháp dán lệnh truy nã? Còn nếu vẫn chưa bại lộ, tại sao An và mẹ phải trốn lính Pháp đến tận miền Tây tìm cha? Trong bản truyền hình, cha An (cố diễn viên Nguyễn Hậu) sau khi lộ thân phận thì hoạt động rất bí mật và chỉ dám âm thầm kết nối với bà con qua những buổi họp kín thay vì đóng vai anh hùng như Hai Thành.
Út Lục Lâm hay Ethan Hunt trong Mission: Impossible?
Út Lục Lâm trong phiên bản điện ảnh Đất rừng phương Nam được nâng thành nhân vật chính, thậm chí còn lấn át cả An. Anh này được cho khá nhiều đất diễn và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình tiết phim. Từ một tay trộm vặt, Út Lục Lâm nay còn có tài cải trang, đọc tâm lý người khác khi đóng vai Bạch Công Tử đi ăn “chùa”.
Sau đó, nhân vật còn lẻn vào nhà của chỉ huy Pháp như chỗ không người và biết được thân phận thật của Tư Mắm (Băng Di). Thậm chí, Út Lục Lâm còn cải trang luôn thành phu nhân của chỉ huy Pháp để giải cứu ông Tiều (Tiến Luật). Nhân vật giả vờ đi vệ sinh ngay ngoài đường để đuổi lính canh đi một cách phi lý. Người xem không rõ liệu đây là Út Lục Lâm hay bậc thầy điệp viên Ethan Hunt trong Mission: Impossible nữa.
An trộm… được cả lựu đạn trong lúc say?
Cũng trong cảnh cướp pháp trường, An say cơm rượu và lẻn vào trong rồi trộm được cả lựu đạn. Từ đây mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn giúp ông Tiều cứu Võ Tòng. Đây là một chi tiết được thêm vào để chọc cười nhưng lại làm mất đi tính nghiêm túc của cả phân đoạn. Bởi lẽ trước đó, lính Pháp đã bàn với nhau sẽ rất cẩn trọng vì đây là cái bẫy để bắt Hai Thành. Song, họ lại dễ dàng để một đứa trẻ đang say xỉn lẻn vào vào một cách dễ dàng.
Người dân nổi dậy vì… nghe bác Ba Phi nói đạo lý?
Trong bản truyền hình, hình ảnh người dân Nam Bộ bị đàn áp đến mất nhà mất cửa, phải tự sát hay bị giết hại giữa thanh thiên bạch nhật vô cùng bi thương. Từ đây mà việc An thức tỉnh để đi theo Cách mạng hay dẫn đến sự kiện Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám rất hợp lý. Nhưng ở bản điện ảnh thì không hề có những chi tiết này.
Thậm chí, một nhân vật còn trách vì Võ Tòng nổi loạn khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng. Do đó mà đến cuối phim, khi lính Pháp ập vào đoàn hát thì người dân bỗng bất mãn một cách khó hiểu. Lúc này, bác Ba Phi bất ngờ lên nói những câu đạo lý về tình yêu nước nhưng lại vô cùng lạc quẻ so với bối cảnh. Rốt cuộc, Đất rừng phương Nam mang đến cảm giác rằng người dân chỉ bất mãn vì nghe bác Ba Phi giảng giải đạo lý.
Nhìn chung, Đất rừng phương Nam chỉ là một phiên bản chuyển thể hời hợt, nhắm vào giải trí là chính thay vì truyền tải tinh thần, giá trị của tiểu thuyết lẫn loạt phim kinh điển năm 1997.
Bạn đang xem: Ngao ngán vì loạt sạn trong 'Đất rừng phương Nam': Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo 'giả trân' như phim hoạt hình
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Sao nam bị chỉ trích vì khen Đất Rừng Phương Nam: 'Ai xem phim thấy uổng tiền thì nhắn tôi, tôi trả lại gấp đôi'
- Băng Di: Anh Trấn Thành và đạo diễn Quang Dũng là những người sinh ra để làm nên những tác phẩm đỉnh cao
- 'Đất rừng phương Nam': Đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan!
- Nhà sản xuất cam đoan sửa 3 điểm trong phim 'Đất rừng phương Nam'
- Cục Điện ảnh: Đất Rừng Phương Nam đã sửa xong lời thoại gây hiểu lầm
- Cục Điện ảnh thẩm định lại 'Đất rừng phương Nam' giữa lúc phim đang chiếu