Nâng cấp đèn ô tô từ bản tiêu chuẩn lên bản cao cấp để an toàn hơn, vì sao bị cấm?

Nhiều chủ xe thắc mắc họ muốn nâng cấp đèn ô tô dạng halogen của bản giá rẻ lên Bi-xenon hoặc Bi-Led nhưng không được đăng kiểm chấp nhận, trong khi nhà sản xuất đều đang bán song song 2 trang bị kiểu này.

Tôi đã đọc rất kỹ bài viết "Cục Đăng kiểm: Xe dán decal, thay mặt ca-lăng vẫn được kiểm định bình thường", đăng tải trên báo VietNamNet, và nhận thấy có những điểm chưa rõ ràng và không phù hợp với thực tế.

Cụ thể, tại mục liệt kê thứ 5 liên quan đến đèn chiếu sáng phía trước, có nêu: "Đèn chiếu sáng thay mới đảm bảo cùng hình dạng, kích thước, loại bóng đèn (sợi đốt, halogen, Led, Bixenon) và không làm thay đổi kết cấu hệ thống điện của xe. Đèn sương mù, đèn gầm lắp đặt ở vị trí thấp hơn đèn chiếu sáng, có ánh sáng màu vàng hoặc trắng, có chùm sáng luôn hướng xuống".

Hướng dẫn trên của Cục Đăng kiểm Việt Nam không thực tế ở chỗ, những xe ô tô bản thiếu thì nhà sản xuất đã tiết kiệm chi phí (hoặc sử dụng linh kiện còn tồn kho - cụ thể là bóng đèn Halogen) nên họ lắp bóng Halogen bên trong mặt đèn chiếu sáng. Trong khi bản đủ thì được lắp bóng Bi-Led với giá bán cao hơn bản thiếu cả trăm triệu, đơn cử như hai phiên bản Toyota Vios MT và Vios CVT. Tất nhiên đèn chỉ là một yếu tố chênh tiền, ngoài ra còn hộp số và trang bị an toàn, tiện nghi.

Tuy nhiên, việc lấy ví dụ ở trên để thấy rằng thực tế, đèn Bi-Led có kém an toàn hơn Halogen hay không? Vì sao Cục Đăng kiểm không cởi mở vấn đề thay bóng Halogen bằng Bi-Led, có cùng chân xoáy như Halogen, không đục khoét choá, mà giữ nguyên mặt đèn chiếu sáng.

Nang cap den o to tu ban tieu chuan len ban cao cap de an toan hon, vi sao bi cam?
Đèn chiếu sáng trước dạng LED của Toyota Vios 2022 bản cao cấp và đèn Halogen trên bản tiêu chuẩn, số sàn.

Tôi cho rằng Cục Đăng kiểm là cơ quan chức năng kiểm soát tính an toàn và bảo vệ môi trường của xe ô tô chứ không phải là cơ quan giám sát, cần căn cứ vào tiêu chuẩn của nhà sản xuất mà kiểm định.

Khi nhà sản xuất bán ô tô bán bản thiếu với đèn chiếu sáng tối thiểu không đáp ứng độ sáng bám đường cao tốc và không hiệu quả (ánh sáng yếu, nhiệt độ cao, dễ gây biến dạng, rạn mặt đèn) thì người dân mới có nhu cầu thay thế bằng đèn Bi-Led (chân xoáy như đèn halogen, ánh sáng có mặt cắt, toả nhiệt thấp không gây rạn mặt đèn).

Cùng một loại xe, cùng năm sản xuất, chỉ khác nhau mỗi đèn. Thế nhưng xe tự nâng cấp bản tiêu chuẩn để giống bản cao cấp lại không được chấp nhận đăng kiểm.

Tôi muốn đặt câu hỏi là đăng kiểm, kiểm định để an toàn hay kiểm định theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất? Đèn sợi đốt và Bi-Led, cái nào hiệu quả, an toàn hơn?

Tại sao phải chăm chăm soi lỗi đèn chiếu sáng không theo nguyên bản thay vì theo tiêu chuẩn an toàn của nhà sản xuất? Nhất là khi nhà sản xuất ra có cả hai loại đèn cùng tồn tại song song.

Tôi rất mong quý báo quan tâm ý kiến của mình và kính nhờ quý báo chuyển thắc mắc tới cơ quan chức năng tìm hiểu và giải thích cho người tiêu dùng biết rõ hơn. Tôi xin cảm ơn!

Độc giả Lý Chí Trung (Tp.HCM)

Theo Độc giả Lý Chí Trung (Tp.HCM)/Vietnamnet

Bạn đang xem: Nâng cấp đèn ô tô từ bản tiêu chuẩn lên bản cao cấp để an toàn hơn, vì sao bị cấm?

Chuyên mục: Xe

Chia sẻ bài viết