Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng

Các bác sĩ nhắc nhở bạn nên thận trọng khi nặn mụn ở khu vực này trên khuôn mặt nếu không muốn gặp tình trạng tương tự.

Theo truyền thông Trung Quốc, Đông Đông, một cậu bé 13 tuổi đến từ Tương Đàm, Hồ Nam, đã nhận thấy một nốt mụn trên mũi của mình cách đây nửa tháng. Sau khi nặn nó ra, vài ngày trước, lúc tỉnh dậy, cậu thấy mí mắt dưới bên trái và vùng da xung quanh hơi đỏ nhưng cũng không để ý lắm, chỉ nghĩ hai ngày nữa sẽ đỡ. Tuy nhiên, vùng da quanh mắt của cậu không những không cải thiện theo thời gian mà ngày càng đỏ hơn, thậm chí toàn bộ mắt trái sưng tấy, chảy nhiều dịch vàng.

Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng-1
Mắt trái và vùng da xung quanh của Đông Đông sưng to, đỏ sau khi nặn mụn ở mũi (Ảnh: Sky Post)

Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng-2
(Ảnh: Sky Post)

Đông Đông bị sốt cao đến 39,7 độ C, thậm chí còn bị đau đầu, sau khi nhìn thấy điều này, mẹ cậu bé đã ngay lập tức đưa cậu đến bệnh viện địa phương. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện Đông Đông bị viêm mô tế bào và viêm màng não mủ do nặn mụn ở vùng "tam giác chết” (trên khuôn mặt). 

Sau đó, cậu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Nam để điều trị. Bác sĩ Chen Bo, Trưởng khoa Thần kinh của bệnh viện cho biết, khi Đông Đông nhập viện, chỉ số nhiễm trùng rất cao, mặt sưng phù rõ ràng, trong máu được tìm thấy tụ cầu vàng. May mắn thay, sau quá trình điều trị, cơn sốt cao của Đông Đông đã được kiểm soát, tình trạng sưng phù mặt cũng dần thuyên giảm và tình trạng bệnh đang được cải thiện. 

Trường hợp của Đông Đông không phải là duy nhất. Trước đó, tháng 9/2020, Tiểu Dương, một cô gái 19 tuổi, sống ở Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) cũng phải nhập viện trong tình trạng vùng da quanh mắt phải sưng tấy và đau nhức sau khi nặn một nốt mụn ở sống mũi. Lúc đó, cô gái cũng bị sốt cao tới 39,7 độ C, mắt phải không mở được. Các bác sĩ chẩn đoán Tiểu Dương bị viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, một bệnh nhiễm trùng nội sọ nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. 

Sau đó Tiểu Dương được điều trị tích cực chống nhiễm trùng, tình trạng đã dần ổn định, thân nhiệt trở lại bình thường, đã có thể cử động mắt và phản xạ ánh sáng được hồi phục.

Nặn mụn vùng "tam giác chết" nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Chen giải thích rằng "tam giác chết" là để chỉ một vùng hình tam giác được hình thành từ khóe miệng ở hai bên khuôn mặt đến gốc mũi. Các tĩnh mạch bề mặt ở vùng này, bao gồm "tĩnh mạch mặt trước" và "động mạch thái dương bề ngoài" (động mạch thái dương nông), kết nối với xoang hang nội sọ. 

Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng-3
Vùng "tam giác chết" trên khuôn mặt (Ảnh: Kknews)

Van tĩnh mạch hoạt động như "van" một chiều đảm bảo lưu lượng máu trong tĩnh mạch về tim. Mặt khác, các van của "tĩnh mạch trán" kém phát triển, ít và yếu, đồng thời không đóng hoàn toàn. Do đó, thông thường dưới sự co cơ, máu có thể được chuyển ngược trở lại.

Khi xảy ra tình trạng viêm nhiễm ở "tam giác chết" sẽ dễ trào ngược lên tĩnh mạch nhãn cầu trên. Một khi các biến chứng xảy ra, các triệu chứng như phù nề mí mắt hoặc nghẹt cổ họng, mắt lồi bất thường, sụp mí mắt và thậm chí rối loạn thị giác thường xảy ra. 

Tình trạng viêm nhiễm còn có thể lan sang mắt và các mô xung quanh, gây ớn lạnh, sốt, nhức đầu… Trong trường hợp nặng có thể nhiễm trùng huyết, nhiễm độc máu, xâm nhập vào các xoang tĩnh mạch trên não, gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang nặng hoặc áp xe não nghiêm trọng, gây nguy hiểm tới tính mạng.

Mụn mọc ở vùng "tam giác chết", cách xử lý thế nào?

Bác sĩ Chen nhắc nhở, thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì có lượng hormone tương đối cao, vùng "tam giác chết" có nhiều tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi, dễ bị tắc nghẽn nang lông, viêm nhiễm, nổi mụn hoặc nhọt. Khi xuất hiện mụn nhọt, bạn nhớ không được nặn, giữ vệ sinh vùng đó, điều trị và chăm sóc dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế chuyên nghiệp nếu cần thiết.

Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng-4
(Ảnh: Freepik)

Trên tờ Tin tức buổi tối Ninh Ba (Trung Quốc), bác sĩ Jiang Yafen, Phó Khoa Thần kinh, Bệnh viện Ninh Ba thuộc Đại học Khoa học Trung Quốc (Bệnh viện Ninh Ba II, tỉnh Chiết Giang) nhắc nhở nếu bạn bị mụn không nghiêm trọng thì có thể giữ vệ sinh da mặt và đợi tự nhiên nốt mụn sẽ lặn đi và lành lại. Trong trường hợp mụn nghiêm trọng thì tốt nhất bạn nên đến khoa da liễu của các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện uy tín để khám chữa bệnh hoặc lấy nhân mụn.

Tất nhiên, cách tốt nhất vẫn là ngăn ngừa sự xuất hiện của mụn trước khi nó xảy ra.

Ngoài ra, bạn nên tăng cường vận động hợp lý, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, ăn ít chất béo, đường, cay, rửa mặt sạch sẽ, xây dựng thói quen vệ sinh, ngủ đủ giấc, tinh thần vui vẻ. Như vậy sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị mụn trứng cá hiệu quả.

Bạn đang xem: Nặn mụn ở mũi, thiếu niên bị viêm màng não do nhiễm trùng

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết