Một tuần tăng hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 2 người tử vong
Theo Bộ Y tế, đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đến thời điểm này đã có 39 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Số ca tử vong tăng lên 2 trường hợp so với tuần trước đó.
Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
(Ảnh minh họa).
Bộ Y tế đề nghi các địa phương vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh mắc sốt xuất huyết tới ngay cơ sở y tế:
- Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo).
- Nôn liên tục.
- Đau bụng dữ dội.
- Lơ mơ.
- Rối loạn ý thức hoặc co giật.
- Xanh tím, tay và chân lạnh.
- Khó thở.
Hiện nay, một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nhập viện muộn dẫn đến tử vong. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm và đến viện điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Để phòng bệnh, người dân cần:
- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hằng tuần, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hằng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng, ví dụ như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Khi bị sốt, người dân đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Bạn không tự ý điều trị tại nhà.
- Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.
- Với trẻ em, cha mẹ không cho bé chơi ở những nơi ẩm thấp và tối, cây cối rậm rạp.
Bạn đang xem: Một tuần tăng hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 2 người tử vong
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Sốt xuất huyết biến chứng vào tim
- Trẻ nào mắc sốt xuất huyết có nguy cơ cao tử vong?
- TP. Hồ Chí Minh thêm 2 ca tử vong sốt xuất huyết
- Những đối tượng mắc sốt xuất huyết dễ bị trở nặng
- Sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng nhanh, đã có 16 người tử vong
- Căn bệnh nguy hiểm, dễ nhầm với sốt xuất huyết: Cách phân biệt ai cũng cần biết