Một phụ nữ được cứu sống nhờ đeo Apple Watch

Apple Watch tiếp tục gây tiếng vang khi giúp một phụ nữ 29 tuổi thoát khỏi tử thần với tính năng thông minh của nó.

Sự kiện: Apple Watch

Theo PhoneArena, đồng hồ thông minh Apple Watch đã lập được một thành tích đáng ngưỡng mộ tại thành phố Cincinnati (thuộc bang Ohio, Mỹ). Theo đó, một phụ nữ 29 tuổi có tên Kimmie Watkins đã nhận được cảnh báo từ Apple Watch khi cô đang ngủ, thiết bị đã cho biết rằng sức khỏe của nữ chủ nhân đang có vấn đề nghiêm trọng.

Trong ngày hôm đó, Kimmie cảm thấy không được khỏe và cảm thấy cơ thể lâng lâng, chóng mặt và choáng váng. Nhưng do đang trong chế độ ăn kiêng, nên cô chỉ nghĩ đây đơn giản chỉ là triệu chứng của việc không ăn đủ bữa.

Sau đó, Kimmie chợp mắt vì mệt và nhận được thông báo từ Apple Watch của cô. Cô cho biết: “Tôi đã ngủ khoảng một tiếng rưỡi trước khi đồng hồ đánh thức tôi với lời cảnh báo, thiết bị cho biết nhịp tim của tôi đã quá cao trong một thời gian dài, khoảng hơn 10 phút, nó thực sự quá cao”.

Nói chính xác hơn, nhịp tim của Kimmie đạt mức cao nhất đến 178 nhịp mỗi phút, đây là nhịp độ thường chỉ thấy ở các vận động viên khi thi đấu.

Một phụ nữ được cứu sống nhờ đeo Apple Watch - 1

Apple Watch đã phát hiện nhịp tim của nữ chủ nhân quá cao và đưa ra lời cảnh báo.

Tại bệnh viện, cô được chẩn đoán mắc chứng thuyên tắc phổi hình yên ngựa (cục máu đông chèn ở vị trí phân chia động mạch phổi phải và trái). Theo Tiến sĩ Richard Becker, bác sĩ tim mạch tại Đại học Y khoa Đại học Cincinnati, đây là một tình trạng rất nghiêm trọng. Tiến sĩ Becker cho biết tỷ lệ sống sót của một người mắc bệnh này chỉ là 50%.

Đáng chú ý, tiến sĩ cũng là một thành viên trong nhóm nghiên cứu quốc gia, với những nghiên cứu về khả năng đồng hồ thông minh phát hiện tình trạng rung nhĩ (A-fib) tốt như thế nào. Đây là tình trạng khi một người bị rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến đột quỵ và suy tim.

Nói về A-fib, tiến sĩ cho biết hầu hết mọi người không biết rằng họ mắc bệnh này nên thường không được điều trị. Người dùng Apple Watch có thể phát hiện ra họ có A-fib thông qua tính năng Irregular Rhythm Notification Feature (IRNF) và ứng dụng ECG.

Về phần Kimmie, cô cảm thấy bản thân đã lựa chọn đúng khi đeo Apple Watch và hy vọng rằng trải nghiệm của mình sẽ giúp nhiều người khác thực hiện theo để bảo vệ sức khỏe. Nhờ đó, cô cũng phát hiện ra rằng bản thân có vấn đề về đông máu và đang dùng thuốc làm loãng máu để dần lấy lại sức khỏe.

Chia sẻ
Theo Thanh Phong (Arttimes)

Bạn đang xem: Một phụ nữ được cứu sống nhờ đeo Apple Watch

Chuyên mục: Review sản phẩm

Chia sẻ bài viết