Một huyện thuộc Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết

Song song với số ca mắc, nhiều ổ dịch tại huyện Đan Phượng cũng diễn biến phức tạp.

Một huyện thuộc Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết-1
Muỗi sinh sán khiến tình hình dịch sốt xuất huyết phức tạp. Ảnh: MyDr.

Thông qua báo cáo hàng tuần của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, thời gian qua, Đan Phượng là một trong những địa phương có tình hình dịch sốt xuất huyết phức tạp nhất với số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh. Tuy nhiên, dịch đang được kiểm soát với kết quả tích cực.

Hơn 1.000 ca mắc từ đầu năm

Theo ông Nguyễn Gia Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng, tính đến tuần 43, địa phương này đã ghi nhận 1.039 ca mắc sốt xuất huyết. Các bệnh nhân được phát hiện toàn bộ 16/16 xã, thị trấn.

Các ca mắc tập trung chủ yếu ở thị trấn Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập… Mặt khác, địa phương này ghi nhận tổng cộng 37 ổ dịch từ đầu năm tới nay, trong đó có 26 ổ dịch đã kết thúc, 11 ổ dịch vẫn còn hoạt động.

Hiện nay, xã Tân Lập là một trong 4 xã trọng điểm về sốt xuất huyết với số ca mắc và ổ dịch đứng đầu trên toàn huyện. Cụ thể, tính đến nay, trên địa bàn xã Tân Lập đã ghi nhận tổng cộng 325 ca mắc cùng 7 ổ dịch sốt xuất huyết.

Lý giải về vấn đề này, ông Phúc nói: “Nguyên nhân chủ yếu là đặc điểm về dân cư đông nhất trong các xã, thị trấn của huyện. Bên cạnh đó, nhiều khu vực có người thuê trọ đến từ các nơi, phong tục tập quán của người dân khiến vẫn còn tình trạng các bể chứa nước nổi, không có nắp đậy, dụng cụ phế thải, phế liệu còn tồn đọng nhiều… tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và gây dịch bệnh”.

Phòng dịch từ mỗi người dân

Về các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Gia Phúc cho hay Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng đã tham mưu UBND huyện để ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Đồng thời, TTYT đã phối hợp với UBND xã Tân Lập thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lây lan tại cộng đồng.

Về công tác truyền thông, TTYT đã tổ chức tập huấn cho các cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát của xã, thị trấn tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Song song với đó là tổ chức các lớp truyền thông trực tiếp cho người dân trên địa bàn xã, hướng dẫn cách phòng, chống sốt xuất huyết để người dân chủ động và nhận biết khi có các triệu chứng mắc, nghi mắc, từ đó đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời; treo băng rôn, panô tuyên truyền tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn các xã.

Riêng với xã Tân Lập, TTYT huyện Đan Phượng đã điều tra, giám sát các ca bệnh, ổ dịch, đánh giá những khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết để có biện pháp xử lý kịp thời; giám sát chỉ số BI thường xuyên, từ đó đánh giá và báo cáo với chính quyền.

Một huyện thuộc Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết-2
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lập hướng dẫn người dân lật úp, che đậy các dụng cụ chứa nước không cho muối sinh sản và phát triển để phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: DT.

Cùng với đó, TTYT đã phối hợp với địa phương để vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết. Đội xung kích của TTYT đã xuống địa bàn để hỗ trợ tham gia vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.

Ngoài ra, thứ 7 hàng tuần, toàn xã sẽ triển khai vệ sinh môi trường. Đến nay, TTYT huyện Đan Phượng đã triển khai 4 chiến dịch vệ sinh môi trường của thành phố trên địa bàn xã; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao.

Trong thời gian tới, TTYT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, qua đó kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Ngành y tế địa phương này cũng được yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng. Trong khi đó, các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra, xử lý ca bệnh.

TTYT huyện Đan Phượng cũng có kế hoạch tiếp tục điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, từ đó hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ ổ dịch lan rộng.

Song song với đó, địa phương này sẽ tăng cường giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ.

Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch hiệu quả và triệt để trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch. Trong đó, huyện cũng cần huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể.

“Chúng tôi cũng dự định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống bệnh để người dân chủ động thực hiện”, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Gia Phúc nói.

Theo vị lãnh đạo này, để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc phòng bệnh như:

- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
- Phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bạn đang xem: Một huyện thuộc Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết