Mẹ bồn chồn dõi theo từng nhịp thở của con trai mắc tay chân miệng
Sau khoảng nửa ngày nhập viện với chẩn đoán tay chân miệng độ 2B, bé trai ở TP.HCM phải chuyển nằm phòng hồi sức tích cực vì bệnh tiến triển nặng nhanh.
Với tình hình số ca mắc tay chân miệng tại khu vực phía Nam
tăng nhanh chóng, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, phải dành riêng
10 phòng bệnh nội trú để tiếp nhận điều trị các trường hợp này.
Trong số 47 trẻ đang được điều trị, 3 ca bệnh độ 2B (mức độ có nguy
cơ chuyển nặng).
Khoa Hồi sức - Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), là nơi
điều trị cho nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ nặng. Một số bệnh nhi
nguy kịch phải lọc máu, thở máy và truyền kháng thể liên
tục.
Bé Hoàng Huy là bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng nhất đang được
điều trị tại khoa. Cậu bé 3 tuổi hiện liên tục giật mình, nôn ói,
yếu ớt. Chị Mỹ Thanh bàng hoàng nhớ lại thời điểm đưa con nhập
viện. Chỉ trong vòng chưa đến một ngày, bé Huy được chuyển từ bệnh
viện địa phương lên TP.HCM, sau đó vào thẳng phòng hồi sức tích
cực. “Khi ấy, tôi bàng hoàng, rối trí vì không ngờ bệnh con có thể
chuyển tệ nhanh như vậy. Ban đầu, con chỉ sốt nhẹ nhưng chuyển sang
tay chân miệng mức độ nặng và nặng nhất chỉ sau khoảng nửa ngày”,
chị Thanh nói.
Bé Min (2 tuổi) bắt đầu sốt, xuất hiện vết ban đỏ, vết loét
trong miệng sau chuyến du lịch cùng gia đình. “Thấy con sốt cao cả
ngày không hạ kèm giật mình chới với, tôi sợ bé bị biến chứng lên
não nên tức tốc đưa con lên TP.HCM. Nhận kết quả con bị tay chân
miệng độ 2B, tôi không khỏi lo lắng”, chị Bích Loan, mẹ bé Min,
chia sẻ.
Chỉ sau 3 ngày mắc bệnh tay chân miệng, bé Xu đã sụt đến 1,5 kg
vì không thể ăn uống nhiều. Mặc dù được cấp cứu kịp thời, bé vẫn
còn dấu hiệu bệnh ảnh hưởng não (rung tay nhiều). “Thời điểm nhập
viện, con sốt rất cao, loét miệng, không thể ăn uống”, chị Ngọc
Hạnh, mẹ bé Xu, nhớ lại.
Theo BSCK I Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, so
với tuần trước, số ca bệnh đã tăng 1,5 lần, đặc biệt đông vào 2
ngày cuối tuần. Khoảng 20% số trẻ đang được điều trị có dấu hiệu
bệnh gây biến chứng lên thần kinh (giật mình, rung chi), được theo
dõi sát.
Nhận xét về tình hình, bác sĩ Lưu cho hay năm nay tay chân
miệng gia tăng vào cuối tháng 5, muộn hơn so với các năm khác. Bệnh
cũng diễn biến phức tạp hơn so sự xuất hiện của chủng EV71. Ba bệnh
viện nhi trong thành phố cũng đang phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM
lấy mẫu xét nghiệm của trẻ mắc tay chân miệng độ nặng để tìm chủng
virus gây bệnh.
Bác sĩ Lưu khuyến cáo cha mẹ nên lưu tâm một số biểu hiện ở
trẻ, đặc biệt khi con có biểu hiện lừ đừ, ói nhiều, giật mình, sốt
cao không hạ. “Cha mẹ không nên chờ đến khi trẻ nổi hồng ban mới đi
khám vì một số trẻ không nổi hồng ban hoặc hồng ban chỉ xuất hiện ở
vị trí khuất vẫn có thể gặp biến chứng lên não”, bác sĩ lưu
ý.
Bạn đang xem: Mẹ bồn chồn dõi theo từng nhịp thở của con trai mắc tay chân miệng
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Vào 'điểm nóng' đang điều trị hàng trăm trẻ mắc tay chân miệng ở TPHCM
- 3 dấu hiệu cần cho trẻ nhập viện ngay khi mắc tay chân miệng
- Chủng virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng
- Gia tăng các bệnh truyền nhiễm, cách nào phòng bệnh cho trẻ?
- Tay chân miệng căng thẳng: Bác sĩ ám ảnh nhớ lại trận dịch 12 năm trước
- Cảnh giác với chủng virus tay chân miệng nguy hiểm đang gia tăng, nhiều trẻ không có biểu hiện rõ ràng, khó phát hiện