'Mai' phá loạt kỷ lục phim Việt: Trấn Thành tham lấy nước mắt khán giả?
Mặc dù "Mai" xô đổ một số thành tích của "Nhà bà Nữ" nhưng giới chuyên môn, khán giả vẫn có nhiều tranh cãi trái chiều về chất lượng phim, "tay nghề" của Trấn Thành.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim.
"Mai" phá loạt kỷ lục của "Nhà bà Nữ"
Là đạo diễn đứng sau những kỷ lục về doanh thu phòng vé, từ Bố già đến Nhà bà Nữ, không khó hiểu khi Trấn Thành tiếp tục là cái tên gây chú ý nhất dịp Tết Giáp Thìn.
Trở lại màn ảnh rộng với Mai, nam nghệ sĩ tuyên bố đây là đứa con tinh thần đặc biệt, là bộ phim "thai nghén" lâu năm, được anh đầu tư và đạo diễn hoàn toàn.
Phương Anh Đào và Tuấn Trần đảm nhận vai chính trong phim (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Những ngày qua, Mai liên tục phá kỷ lục phòng vé. Ở ngày đầu công chiếu (10/2, tức mùng 1 Tết), phim có 225.000 vé bán ra, đạt doanh thu 23,3 tỷ đồng. Với con số này, Mai phá kỷ lục của Nhà bà Nữ, trở thành phim Việt có doanh thu ngày đầu công chiếu cao nhất từ trước tới nay.
Trước đó, với 40.000 lượt vé đặt trước, Mai cũng xác lập kỷ lục là phim có lượt vé đặt trước cao nhất từ trước đến nay, vượt qua thành tích của Nhà bà Nữ.
Ngày 13/2, phim xác lập kỷ lục doanh thu 100 tỷ đồng được bán ra nhanh nhất trong lịch sử (chỉ sau 3 ngày công chiếu), vượt qua thành tích trước đó của Nhà bà Nữ (đạt 100 tỷ đồng sau 3,5 ngày công chiếu).
Ngày 15/2, Mai cán mốc doanh thu 200 tỷ đồng, vượt qua kỷ lục trước đó của Nhà bà Nữ (đạt thành tích tương tự sau 7 ngày ra rạp). Trấn Thành cũng trở thành đạo diễn Việt đầu tiên có tổng doanh thu 3 phim đạt 1.000 tỷ đồng.
Nhiều phim ra mắt cùng thời điểm bị tụt lại một khoảng cách khá xa với Mai. Theo số liệu Box Office Vietnam, phim của Trấn Thành chiếm khoảng 70% doanh thu phòng vé mùa Tết Giáp Thìn.
Gặp lại chị bầu (Nhất Trung đạo diễn) - tác phẩm có sự tham gia diễn xuất của Diệu Nhi, Anh Tú - chỉ đạt 45 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu. Hiện tốc độ tăng doanh thu của Gặp lại chị bầu có dấu hiệu chững lại.
Đặc biệt, Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường đạo diễn) và Trà (Lê Hoàng đạo diễn) đều rút khỏi rạp sau vài ngày công chiếu và đạt doanh thu khiêm tốn. Các phim này thay đổi lịch chiếu, dời sang thời điểm khác để tránh đối đầu Trấn Thành.
Lý do Trấn Thành kéo khán giả "ùn ùn" ra rạp
Một số chuyên gia trong ngành nhận định, việc đường đua phim Tết năm nay vắng bóng nhiều phim chất lượng - từ phim Việt cho đến phim ngoại - là một trong những lý do giúp Mai của Trấn Thành có nhiều yếu tố thuận lợi về khung giờ chiếu, suất chiếu ở các cụm rạp, từ đó bùng nổ doanh thu.
Mai xoay quanh câu chuyện tình yêu lệch tuổi giữa Mai (Phương Anh Đào) và Dương (Tuấn Trần) (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng cục diện thị trường phim Tết năm nay khá "dễ đoán". Mai không có bất kỳ trở ngại nào về đối thủ, từ phim nước ngoài cho đến phim Việt.
"Trước khi rời rạp, Sáng đèn và Trà chỉ có vài trăm suất chiếu, xem như không có tác động nào đến thị trường phim Tết năm nay. Mai có sức mạnh vượt trội với phần còn lại, sẽ chiếm vị trí đầu, còn Gặp lại chị bầu đứng thứ 2.
Tuy gọi là "đường đua song mã" nhưng thực ra phim của Nhất Trung bị bỏ lại quá xa so với phim của Trấn Thành. Với tốc độ doanh thu của Mai, tôi nghĩ có khả năng phim sẽ được tăng thêm suất chiếu, còn Gặp lại chị bầu sẽ bị giảm", ông Nguyễn Phong Việt nói.
Ngoài ưu thế suất chiếu, nội dung dễ tiếp cận khán giả cũng là lý do giúp Mai tạo hiệu ứng tốt ở phòng vé. Trước đó, khi Trấn Thành giới thiệu về dự án, một số dự đoán cho rằng Mai sẽ kén khán giả vì không thuộc thể loại hài, nội dung u tối, nặng nề hơn Nhà bà Nữ, Bố già.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu ứng phòng vé bùng nổ, mức độ thảo luận về Mai trên mạng xã hội cho thấy tác phẩm ăn khách nhờ đề tài gần gũi, có nhiều câu thoại gây "sốt" về tình yêu, cuộc sống.
Giới chuyên gia cho rằng Trấn Thành
tiếp tục củng cố công thức làm phim
"trăm tỷ", khẳng định thế mạnh về thương hiệu riêng.
Nam nghệ sĩ khai thác những vấn đề thực tế của đời sống xã hội như tình yêu, tâm lý gia đình bằng góc nhìn cảm xúc, từ đó chạm được đến trái tim số đông khán giả.
Trong phim, bên cạnh câu chuyện tình yêu chênh lệch giàu - nghèo, tuổi tác, phim còn đề cập mâu thuẫn gia đình, lối sống soi mói, ghen tị nhau...
Nhiều tình tiết căng thẳng được xây dựng để nổi bật số phận nhiều bi kịch của nữ chính Mai (Phương Anh Đào đóng). Phim cũng được khen về hình ảnh đầu tư chỉn chu, nhiều góc máy nghệ thuật.
Trấn Thành cho biết nội dung của Mai không đơn thuần là câu chuyện được khai thác để "câu khách", bán vé, mà qua đó nam nghệ sĩ mong muốn khán giả thấy được chính mình, hoặc nhìn thấy câu chuyện quen thuộc xung quanh mình.
Chuyên gia Lê Hồng Lâm chia sẻ: "Mai là phim nặng về tình tiết và không hề hợp với không khí ngày Tết, nhưng liên tục phá vỡ các kỷ lục phòng vé. Điều đó cho thấy nếu một bộ phim "chạm" được vào khán giả đại chúng, thấu hiểu thị hiếu và tâm lý khán giả, thì sẽ thành công rực rỡ thế nào".
Trấn Thành bên 2 diễn viên chính (Ảnh: Bích Phương).
Trấn Thành tham lấy nước mắt khán giả?
Trấn Thành từng cho biết anh không đặt mục tiêu doanh thu Mai phải vượt Nhà bà Nữ, mà mong được công nhận về chuyên môn.
Ở thời điểm hiện tại, có những ý kiến khen ngợi Mai là tác phẩm tốt nhất của Trấn Thành, cho rằng nam nghệ sĩ biết tiết chế, có kinh nghiệm làm phim sau quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tích cực về Mai và hiệu ứng bộ phim mang lại cho thị trường phim Tết năm nay, vẫn có nhiều bình luận trái chiều. Nhiều quan điểm cho rằng Mai là bước thụt lùi về chuyên môn của Trấn Thành.
Cách khai thác đề tài, nhân vật trong phim gây tranh cãi (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Trên mạng xã hội, khán giả phân tích Mai có doanh thu bùng nổ nhờ đẩy mạnh truyền thông, nội dung vừa vặn với thị hiếu chung của khán giả, còn chất lượng phim không gây ấn tượng.
Theo đó, nhiều ý kiến nói đạo diễn đẩy nhân vật chính vào nhiều bi kịch dồn dập nhưng khai thác thiếu chiều sâu, ôm đồm nhiều tình tiết "drama", tham "lấy nước mắt khán giả"... Thay vì tập trung 1 chủ đề chính, Mai có quá nhiều thông điệp về nhiều vấn đề, khiến từng khía cạnh được đề cập hời hợt, mạch phim thiếu chặt chẽ.
Một số bình luận: "Thay vì tạo tình huống để diễn viên thể hiện năng lực diễn xuất, đạo diễn cài cắm sẵn bi kịch ở nhân vật, bắt khán giả công nhận điều đó mà chẳng có sức thuyết phục nào"; "Bi kịch của Mai nhiều đến mức lúc cao trào nhất không thể khiến người xem xúc động thêm nữa";
"Phim mất gần một nửa thời gian nói về quá trình tán tỉnh của hai nhân vật chính, nhưng không đem lại cảm xúc để cảm nhận vì sao đây là tình yêu sâu nặng giữa hai người"; "Tình yêu của Dương và Mai quá hời hợt. Đoạn kết khiến cả hành trình sôi sục sống chết trước đó gần như vô nghĩa"; "Điện ảnh là ngôn ngữ của hình ảnh, nhưng phim này vẫn mắc lỗi thoại nhiều"...
Trấn Thành trong buổi giao lưu quảng bá phim (Ảnh: Facebook nhân vật).
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt nhận xét Mai là tác phẩm ổn, nhưng vẫn có khoảng cách xa để trở thành bộ phim điện ảnh xuất sắc. Theo ông, Trấn Thành "hụt hơi" khi chuyển thể loại từ tâm lý, gia đình sang tâm lý, tình cảm.
"Thật ra Trấn Thành đã tạo dựng được thương hiệu và quy chuẩn, rằng khán giả xem phim của Trấn Thành sẽ không có cảm giác bị lừa, bị tiếc tiền và mất thời gian. Nhưng tôi cho rằng Mai đi ra khỏi thế mạnh của Trấn Thành - vốn về phim tình cảm gia đình. Ở Mai, tác phẩm có rất nhiều lỗi về logic", chuyên gia chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Phong Việt, một số nhân vật như Dương (Tuấn Trần đóng), Đào (Hồng Đào đóng) lẽ ra nên được khai thác có chiều sâu hơn, có câu chuyện dày dặn hơn trong phim.
"Nhân vật Đào chưa xây dựng đủ phông nền, khán giả không hiểu rõ về tình huống quá khứ, về lý do tạo nên tính cách, con người nhân vật. Mọi thứ chỉ được kể ra bằng 2 câu thoại mà Đào và con trai cãi nhau trong phòng, chấm hết!
Nhân vật của Tuấn Trần không có điểm nhấn gì đặc biệt, dùng thoại để chứng minh bản thân là chủ yếu. Một số nhân vật hàng xóm cũng tạo cảm giác sắp đặt, thoại "diễn kịch", thiếu chân thật", chuyên gia phân tích.
Theo ông Nguyễn Phong Việt, cảnh kết phim chưa được đạo diễn xử lý phù hợp, khiến nữ chính đi lệch khỏi cách xây dựng tính cách nhân vật ban đầu.
"Trong một cốt truyện như vậy, cách miêu tả, xây dựng nhân vật như vậy, giọt nước mắt tức tưởi của Mai theo tôi là không hợp lý, nó đã khiến tôi đánh mất cảm xúc với nhân vật.
Ở thời điểm sau 4 năm, Mai đã trưởng thành, thấu hiểu cuộc đời. Cô ấy không việc gì phải nuối tiếc, day dứt mà nên chúc phúc cho cuộc hôn nhân của Dương.
Nỗi đau không nhất thiết lúc nào cũng phải rơi nước mắt. Theo tôi, cảnh quay này Phương Anh Đào chỉ nên cười mỉm nhẹ nhàng, lăn một giọt nước mắt rất nhỏ nơi khóe mi, vậy là đủ", chuyên gia nói.
Bất chấp những tranh cãi, Mai vẫn đang hứa hẹn lập nhiều kỷ lục mới về doanh thu phim Việt. Chuyên gia Nguyễn Phong Việt dự đoán tác phẩm này có khả năng đạt trên 300 tỷ đồng. Song, việc lật đổ được kỷ lục của Nhà bà Nữ là điều rất khó.
"Tốc độ đạt các cột mốc doanh thu của Mai sẽ còn nhiều thay đổi, tuy nhiên Mai khó có khả năng vượt kỷ lục 475 tỷ đồng của Nhà bà Nữ", chuyên gia nhận định.
Bạn đang xem: 'Mai' phá loạt kỷ lục phim Việt: Trấn Thành tham lấy nước mắt khán giả?
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Nữ chính phim ‘Mai’ từng muốn bỏ nghề vì méo khung môi sau khi mắc bệnh nặng
- Mai cán mốc 400 tỷ, Trấn Thành lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt!
- Nữ chính phim Trấn Thành: Độc thân gợi cảm tuổi 32, quá khứ bán xôi phụ mẹ
- Nam diễn viên Châu Phi đang gây sốt trong 'Đào, phở và piano': Danh tính thật khiến dân mạng trầm trồ
- Canh từ nửa đêm, săn vé khốc liệt, khán giả đổ xô xem 'Đào, phở và piano'
- Cảnh báo mua vé xem phim 'Đào, phở và piano', cẩn thận kẻo mất tiền oan!