Mắc ung thư vì sở thích 8.000 đồng mỗi ngày
Vợ nam bệnh nhân cho biết hàng ngày, ông đều uống 300 ml rượu. Thậm chí, nếu nhà có công việc, ông còn uống nhiều hơn.
Đang điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội, ông T.V.N. (66 tuổi, Nam Định) chia sẻ phát hiện căn bệnh ung thư thực quản cách đây không lâu. Thời gian đầu, ông chỉ nghĩ ho, viêm họng bình thường nhưng uống thuốc mãi không đỡ.
Hơn một tháng sau, ông thấy nuốt nghẹn, chán ăn nên đi khám. Bác sĩ tuyến tỉnh nghi ngờ ung thư nên giới thiệu ông N. lên Bệnh viện K kiểm tra lần nữa.
Kết quả nội soi và giải phẫu bệnh của Bệnh viện K, ông K. bị ung thư thực quản. Khối u đã xâm lấn choán hết lòng thực quản khiến bệnh nhân đau, khó nuốt. Tại phòng bệnh, ông K. cho biết có nhiều bệnh nhân giống mình chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng...
Ông Đ.P.S. (56 tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) vừa phát hiện ung thư thực quản giai đoạn 3. Ông S. kể hai tháng nay, ông liên tục đi điều trị bệnh viêm họng.
Ông S. luôn thấy đau ở cổ, khó nuốt. Cả tháng, ông ăn cháo xay vì không nhai được cơm. Vợ con ông S. cũng đi mua nhiều thuốc bổ, giảm đau.
Ai cũng nghĩ ông viêm họng nhưng kết quả thật bất ngờ, bác sĩ nội soi họng thấy u ở thực quản trên. Sinh thiết tế bào chẩn đoán K thực quản giai đoạn 3.
Cả ông N. và S. đều có tiền sử uống rượu nhiều năm. Vợ ông S. kể hàng ngày, ông đều uống 300 ml rượu giá 8.000 đồng. Thậm chí, nếu nhà có công việc, ông còn uống nhiều hơn.
Những trường hợp có nguy cơ mắc ung thư thực quản là người lạm
dụng rượu, bia và thuốc lá.
PGS Nguyễn Thị Hoài An, chuyên gia tai mũi họng, cho biết bà gặp rất nhiều trường hợp như hai bệnh nhân trên. Họ đều có thời gian điều trị viêm họng kéo dài mà không ai nghĩ đến ung thư.
Theo PGS An, ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60. Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh này là người lạm dụng rượu, bia và thuốc lá. Nhiều nghiên cứu chỉ ra người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8-10 lần so với người bình thường.
Thời gian hút thuốc càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu, họ sẽ càng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. Những người thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường.
Bác sĩ An cho biết người bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình như thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai. Bệnh nhân có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu, thường xuyên cảm thấy buồn nôn.
Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng... Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác.
Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư, tổ chức dẫn đến ung thư hoặc tổn thương khác.
Cách phòng ung thư thực quản là không hút thuốc lá. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Lý do là trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản.
Người dân cần hạn chế lạm dụng bia rượu. Uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày. Đa số người bệnh ung thư thực quản đều có tiền sử uống rượu bia nhiều.
Ngoài ra, ung thư thực quản cũng liên quan tới chế độ ăn uống. Để phòng bệnh tốt, bạn nên có chế độ ăn khoa học, ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…
Bên cạnh đó, bạn cần tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng… Việc này cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.
Để phát hiện sớm bệnh, người dân nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.
Bạn đang xem: Mắc ung thư vì sở thích 8.000 đồng mỗi ngày
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Thực hư bài thuốc chữa ung thư từ lá đu đủ
- Người phụ nữ mắc ung thư da sau khi xuất hiện nốt sần dưới cánh mũi
- Công nghệ vaccine COVID-19 được sử dụng để điều trị ung thư
- Mầm mống ung thư từ sự rò rỉ khí gas trong gia đình
- Dấu hiệu chuẩn xác của ung thư thực quản
- Khi chảy máu mũi là dấu hiệu của ung thư