Khi chảy máu mũi là dấu hiệu của ung thư
Trên thực tế, việc chảy máu mũi đến từ rất nhiều nguyên nhân gồm cả từ bản thân người bệnh cũng như yếu tố môi trường, thuốc uống,...
Thông qua các bộ phim truyền hình dài tập từ những năm 2000, chúng ta đã quá quen với hình ảnh nhân vật chính bỗng nhiên chảy máu mũi và phát hiện mình mắc bệnh ung thư không thể cứu chữa. Trên thực tế, điều này là có thể xảy ra nhưng không phải tất cả.
Chúng ta chảy máu mũi khi nào?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hảo, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, mũi đảm nhận nhiều chức năng sinh lý rất quan trọng như hô hấp (làm ấm, làm ẩm và làm sạch không khí trước khi hít vào phổi), bảo vệ, ngửi và phát âm. Vì vậy, bộ phận này được cấp rất nhiều máu từ cả hệ thống động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài.
“Chảy máu mũi là tình trạng máu chảy ra từ hốc mũi và các xoang cạnh mũi. Đây là một trong những tình trạng cấp cứu về Tai Mũi Họng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ 1/200 lượt khám cấp cứu”, bác sĩ Hảo thông tin.
Ước tính, khoảng 60% dân số có ít nhất một lần chảy máu mũi trong đời. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em 2-10 tuổi và người già 50-80 tuổi. Tuy nhiên, chảy máu mũi không phải bệnh. Đây là biểu hiện của nhiều rối loạn khác nhau.
Bên cạnh các khối u, chảy máu mũi còn đến từ nhiều nguyên nhân
khác nhau. Ảnh minh họa: velizar_ivanov,
Bác sĩ Hảo liệt kê một số nguyên nhân gây chảy máu mũi gồm:
- Nguyên nhân tại chỗ:
Viêm: Viêm mũi cấp, viêm mũi xoang
cấp, viêm loét ở mũi.
Khối u: U lành tính (u máu, polyp chảy máu, u xơ mạch vòm mũi
họng), u ác tính (ung thư mũi, ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi
họng). Đây cũng chính là cơ sở để các bộ phim tạo ra bi kịch cho
các nhân vật.
Chấn thương: Rách niêm mạc mũi do ngoáy, gãy xương chính mũi, chấn
thương tầng trên, tầng giữa sọ mặt.
Dị vật: Nguyên nhân này khá đặc thù, thường gặp ở trẻ em. Nhiều
trường hợp thậm chí có thể gắp ra dị vật sống.
Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi mũi xoang, phẫu thuật chỉnh hình
vách ngăn, chỉnh hình cuốn, các phẫu thuật hàm mặt,...
- Nguyên nhân toàn thân:
Bệnh về máu: Bệnh bạch cầu cấp, mạn
tính, bệnh giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu, suy tủy, rối loạn các
yếu tố đông máu.
Bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
Một số bệnh khác như thương hàn, sốt xuất huyết, suy gan, suy thận
mạn tính,...
- Yếu tố môi trường: Không khí khô, lạnh.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tăng nguy cơ chảy máu mũi như thuốc chống đông. Đáng chú ý, việc sử dụng quá nhiều nhân sâm, vitamin E làm kéo dài thời gian đông máu cũng tăng nguy cơ chảy máu mũi.
“Bên cạnh các nguyên nhân nói trên, có tới 70% trường hợp chảy máu mũi không rõ nguyên nhân, còn gọi là chảy máu mũi vô căn”, bác sĩ Hảo cho biết.
Cần làm gì khi chảy máu mũi?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo thông tin thêm chảy máu mũi thường được phân loại theo mức độ và vị trí. Từ đây, người bệnh và nhân viên y tế có thể đưa ra hướng xử trí phù hợp.
Cụ thể, theo mức độ, chảy máu mũi được chia thành 3 mốc là nhẹ, vừa và nặng.
Người chảy máu mũi nhẹ thường chảy nhỏ giọt và có xu hướng tự cầm. Toàn trạng cơ thể tốt. Trong khi đó, người chảy máu mũi vừa thường chảy máu thành dòng đỏ tươi, tràn ra mũi trước hay xuống họng và có xu hướng kéo dài. Toàn thân ít bị ảnh hưởng.
Với người chảy máu mũi nặng, nguyên nhân thường đến từ tình trạng vỡ các mạch máu lớn, mức độ mất máu nhiều, chảy kéo dài và tái diễn nhiều lần. Lúc này, toàn trạng người bệnh bị ảnh hưởng thấy rõ như mạch nhanh, hạ huyết áp, vã mồ hôi, mặt tái nhợt.
Theo vị trí, chúng ta có thể chảy máu mũi trước hoặc sau. Chảy máu mũi trước chiếm tỷ lệ tới 80-90% và gặp khá nhiều ở người trẻ, dễ kiểm soát.
Ngược lại, tỷ lệ chảy máu mũi sau thấp hơn (10-20%). Lúc này, máu không chảy ra ngoài khi ở tư thế ngồi mà vào cửa mũi sau xuống họng. Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân cao huyết áp lớn tuổi, mắc u xơ vòm mũi họng, ung thư vòm họng,...
Tình trạng chảy máu mũi cần được sơ cứu đúng cách và thăm khám
để phát hiện bệnh kịp thời. Ảnh minh họa: CCHE.
Trong các trường hợp nói trên, bác sĩ Hảo khuyến cáo chúng ta nên nhanh chóng thực hiện việc sơ cứu. Cụ thể, người bệnh nên ngồi và cúi về phía trước nếu sức khỏe cho phép. Việc làm này sẽ hạn chế tình trạng máu chảy xuống họng và dạ dày.
Sau đó, chúng ta có thể xì nhẹ mũi vào khăn hoặc giấy ăn để đẩy cục máu đông trong mũi (nếu có) ra ngoài. Tiếp theo, dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt 2 cánh mũi, dù chỉ chảy máu một bên, trong khoảng 10-15 phút. Lúc này, chúng ta có thể thở qua miệng.
“Sau khi thực hiện những bước trên, nếu máu vẫn chảy, mọi người có thể lặp lại trong khoảng 15 phút”, bác sĩ Hảo hướng dẫn.
Trong trường hợp máu mũi chảy nhiều, kéo dài, gây khó thở, nôn do nuốt lượng lớn máu hoặc chấn thương nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến khám cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo người dân nên đi khám cấp cứu khi chảy máu mũi do đây là triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau.
Việc cầm máu, phát hiện sớm nguyên nhân sẽ giúp bệnh nhân được điều trị triệt để, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý mọi người cần hạn chế ngoáy mũi. Nhất là trẻ em cần được cắt ngắn móng tay. Mặt khác, việc hạn chế uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào cũng có thể giảm nguy cơ chảy máu mũi.
Bạn đang xem: Khi chảy máu mũi là dấu hiệu của ung thư
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 7 bệnh ung thư nguy hiểm: Dấu hiệu cảnh báo sớm bạn cần nhớ
- Mắc ung thư vì sở thích 8.000 đồng mỗi ngày
- Ngủ dậy thấy có dấu hiệu này, bạn cần đi khám ngay
- Công nghệ vaccine COVID-19 được sử dụng để điều trị ung thư
- Mầm mống ung thư từ sự rò rỉ khí gas trong gia đình
- Ngày 7/7: Có 913 ca COVID-19 mới, F0 nặng tăng lên 35 trường hợp