Lý do người Trung Quốc thích ăn đồ tái sống
Tại một số vùng ở Trung Quốc, người dân có quan niệm thực phẩm sống sẽ tươi ngon và bổ dưỡng hơn.
Người sống ở phía Nam Trung Quốc thuộc các tỉnh như Giang Tô,
Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Châu, Phúc Kiến... thường ưa chuộng
món thủy hải sản tươi sống ăn theo kiểu sashimi hay muối sống với
rượu trắng.
Ở một vùng thuộc phía Nam, cá, rắn, ếch và các hải sản sống còn được xem là đặc sản địa phương. Điển hình như Thuận Đức (Quảng Đông) nổi tiếng với món gỏi cá sống Yusheng và thịt rắn tươi. Hay khu vực Triều Châu (Quảng Đông) có món cá, tôm, cua và các loại hải sản hoặc rau củ quả muốn sống với rượu, gừng, tỏi và các loại gia vị khác, sau đó cho vào tủ lạnh hoặc đông lạnh rồi mang ra thưởng thức.
Tuy nhiên, ăn cá, rắn và các loại hải sản tươi sống đang bị xem là sở thích ăn uống nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm liên quan đến ký sinh trùng tại Trung Quốc.
Những ca cấp cứu "rợn người"
Ông Khổng đến từ Chiết Giang (Trung Quốc) bị sốt 3 lần trong một tháng. Sau hàng loạt các kiểm tra, bệnh nhân được phát hiện bị nhiễm hai loại ký sinh trùng là Sparganum mansoni (ấu trùng sán nhái) và sán lá gan.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từng ăn món đặc sản gỏi cá sống Yusheng và thịt rắn tươi khi đến Thuận Đức, Quảng Đông (Trung Quốc) công tác vào tháng 11/2023.
Một người phụ nữ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng từng chia sẻ câu chuyện gia đình bạn trai cô đã nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn món gỏi cá sống Yusheng tại Thuận Đức (Quảng Đông, Trung Quốc).
Ba tháng sau khi thưởng thức món ăn này, cô gái cho biết bạn trai cô cùng nhiều thành viên khác trong gia đình gặp vấn đề sức khỏe với lượng bạch cầu ái toan trong máu cao bất thường. Trong đó lượng bạch cầu ái toan của bạn trai cô cao gấp 50 lần người bình thường, sốt cao liên tục không hạ.
Kết quả chẩn đoán cho thấy bạn trai người phụ nữ bị nhiễm sán lá gan do ăn sashimi. Theo người phụ nữ, quá trình điều trị của bạn trai cô kéo dài hơn 4 tháng mới có tiến triển khả quan.
Một người phụ nữ ở Chiết Giang (Trung Quốc) được khuyên nuốt nòng nọc sống để chữa bệnh đau răng kinh niên. Tin vào bài thuốc dân gian này, người phụ nữ đã ăn 2-3 nòng nọc sống liên tục trong 4 ngày.
Sau đó, bà bị đau ngực, thậm chí cảm thấy có những con sâu nhỏ đang di chuyển khắp người. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bà được phát hiện nhiễm Sparganum mansoni (ấu trùng sán nhái) ở tuyến thượng thận và dưới da.
Lịch sử y tế tỉnh Chiết Giang từng xảy ra dịch bệnh Sparganum mansoni hàng loạt vì thói quen ăn đồ sống của người địa phương.
"Nguyên nhân là một nhóm người đi đến hồ chứa nước trong thành phố để câu tôm rồi ăn sống. Sau khi kiểm tra, phát hiện phổi của 3 trong tổng số 7 người chưa đầy ấu trùng sán nhái Sparganum mansoni", bác sĩ Từ Tiểu Vy, Bệnh viện Chiết Giang (Trung Quốc), kể lại.
Món gỏi cá sống vốn được rất nhiều người châu Á yêu thích. Ảnh:
Unsplash.
Vì sao người phía Nam Trung Quốc chuộng đồ sống?
Người sống ở phía Nam (Trung Quốc) thường có thói quen ăn đồ sống vì cho rằng thực phẩm như cá, tôm, cua... và thậm chí là rau củ quả ăn sống sẽ bổ dưỡng hơn ăn chín.
Họ quan niệm "rán dở hơn chiên, xào dở hơn hấp, hấp dở hơn luộc, luộc dở hơn sống". Họ thường dùng rượu, giấm và gia vị mạnh như mù tạt, tỏi, ớt…chế biến đồ tươi sống vì tin rằng chúng có thể khử trùng, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Từ Tiểu Vy, rượu, giấm và các loại gia vị mạnh không thể tiêu diệt vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh như quan niệm của nhiều người.
Một khi ký sinh trùng đã ký sinh trong cá, tôm hay cua nước ngọt, chúng sẽ không bao giờ bị rượu và các loại gia vị thông thường giết chết. Trong y học, cồn có nồng độ cồn 75% mới có tác dụng diệt khuẩn nhưng lượng cồn tối đa để uống chỉ là 50 hoặc 60 độ.
Vì vậy, rượu, giấm hay tỏi chỉ có tác dụng làm gia vị và có chức năng khử trùng, diệt khuẩn rất hạn chế. Ngoài ra, thời tiết càng nóng, hải sản càng dễ bị hư hỏng. Nếu được ướp sống và ngâm trong nhiều gia vị đậm đà trong thời gian dài, dù hư hỏng nhẹ cũng khó phát hiện và khi ăn phải thực phẩm này có thể gây hại cho sức khỏe.
Việc ăn thủy hải sản, thịt trứng và rau củ quả sống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc để quá lâu có thể gây nhiễm khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm, vi khuẩn Escherichia coli làm nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm khớp, nhiễm trùng huyết... và nhiễm các loại ký sinh trùng như giun đũa, sán dây, giun xoắn...
Trước câu hỏi thắc mắc của mọi người rằng uống thuốc tẩy giun sau khi ăn thực phẩm sống có hiệu quả không, bác sĩ Từ Tiểu Vy cho biết thuốc tẩy giun có chức năng tiêu diệt ký sinh trùng. Tuy nhiên, loại thuốc này không có tác dụng đối với các tổn thương do ký sinh trùng gây ra cho các cơ quan của con người. Ví dụ, khi ký sinh trùng xâm nhập vào não, nhãn cầu, gan, phổi... chúng có thể gây tổn thương vĩnh viễn.
Bạn đang xem: Lý do người Trung Quốc thích ăn đồ tái sống
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Ăn trứng chớ dại kết hợp cùng những thực phẩm này kẻo hại sức khỏe
- 3 thói quen gây tổn hại sức khỏe cần tránh làm vào mùa đông, làm thêm 6 việc bạn sẽ khỏe từ trong ra ngoài
- Dịp lễ Tết cận kề, chuyên gia “điểm mặt” 5 thói xấu trong bữa ăn gây tổn hại sức khỏe và chỉ cách ăn đúng
- Phụ nữ sau tuổi 25 càng nên tránh uống cà phê với thứ này vì hại sức khỏe lại già nhanh
- 7 thứ không nên dùng ngay sau khi ăn trứng vì gây mất chất, hại sức khỏe