'Luật ngầm' chi hoa hồng đẩy giá hải sản ở Phú Quốc đắt đỏ khó tin

Để có khách, một số nhà hàng, điểm vui chơi, cửa hàng… tại Phú Quốc buộc phải "chi đậm" tiền hoa hồng cho tài xế.

Những "luật ngầm" tại đảo ngọc

"Trời ơi, họ cứ dẫn tôi đi mấy cửa hàng ngọc trai. Đã bảo không có nhu cầu mua, sợ lắm rồi mà vẫn cứ đẩy vào", một du khách nói với anh Vũ Ngọc Cường - hướng dẫn viên tại Phú Quốc.

Trước tình huống này, anh Cường chỉ biết cười trừ, mong khách thông cảm. Suốt 4 tháng dẫn khách tại Phú Quốc, anh đã chứng kiến nhiều trường hợp khách bị "lùa" vào các cửa hàng ngọc trai, công ty nệm cao su, quán ăn… bởi tài xế. 

Anh Cường cho biết, các đơn vị này đã mạnh tay chi khoảng 10-20% cho tài xế khi họ đưa khách du lịch đến mua sắm. Thậm chí, một số cửa hàng vẫn trả tiền "vào cổng" cho tài xế từ 50.000-100.000 đồng, bất kể du khách đến tham quan có mua hàng hay không. 

Luật ngầm chi hoa hồng đẩy giá hải sản ở Phú Quốc đắt đỏ khó tin-1

Phú Quốc là hòn đảo từng hút khách du lịch (Ảnh: Diệp Bình).

Hoa hồng cho tài xế vốn đã trở thành "luật bất thành văn" tại các khu du lịch, điểm vui chơi, nhà hàng… tại Phú Quốc. Nhờ đó, tài xế có thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Anh Cường từng nghe nhiều chủ nhà hàng than thở rằng đã từng bị tài xế "chơi xấu" vì chi hoa hồng thấp, hoặc không chi mỗi khi đưa khách đến.

"Họ có thể nói rằng nhà hàng đó đã đóng cửa hoặc thức ăn rất mắc. Vì thế, khách sẽ đi theo hướng dẫn của tài xế vào nơi họ giới thiệu. Tại đây, các chủ nhà hàng có thể dành cho tài xế mức hoa hồng 20-30%, đẩy giá thức ăn lên cao. Cuối cùng, người chịu thiệt là khách du lịch khi họ trả tiền nhiều nhưng nhận được dịch vụ không tương xứng", anh Cường nói.

Luật ngầm chi hoa hồng đẩy giá hải sản ở Phú Quốc đắt đỏ khó tin-2

Một du khách thưởng thức hải sản tại Phú Quốc (Ảnh minh họa: Lê Tân).

Theo anh Cường, hiện có khoảng 70% nhà hàng chấp nhận việc chi hoa hồng cho tài xế để kéo khách. Thông thường, nhóm khách được họ nhắm tới là khách gia đình, đi tự túc và chưa có nhiều sự tìm hiểu về các nhà hàng địa phương.

Với kinh nghiệm 5 năm làm du lịch tại Phú Quốc, anh Nguyễn Minh Phúc (SN 1995) khẳng định vấn đề chi hoa hồng là bình thường. Đơn vị của anh cung cấp tour trọn gói cho khách du lịch. Thông thường, các nhà hàng, các điểm tham quan… đều được bên anh sắp xếp sẵn cho du khách nên tài xế không được quyền "ăn chia" hoa hồng. 

Tuy nhiên, đối với các cửa hàng bán đồ lưu niệm, họ vẫn được tiền công đưa khách "vào cổng". Nếu họ tự dẫn khách không thông qua tour, họ được chia phần trăm trên số tiền mà khách mua, nơi cao nhất lên đến 30%.

"Vài người từng bị ám ảnh khi thuê tài xế đi tham quan phía nam đảo và bị anh ta dắt vào 3, 4 cửa hàng trong một buổi sáng", anh Phúc nói. 

Anh Phúc cũng cho biết thêm, mua sắm luôn là phần gắn liền với du lịch. Tuy nhiên, sự o ép, "móc nối" của tài xế đôi khi làm khách hàng cảm thấy sợ.

"Nghề nào mà chẳng có hoa hồng?"

Anh Kim Hùng, hiện là tài xế tại Phú Quốc đã bày tỏ quan điểm cá nhân trên một nhóm cộng đồng, chiều 20/5 trước loạt thông tin tiêu cực về tài xế "ăn hoa hồng" tại đảo ngọc, anh Hùng bức xúc: "Nghề nào mà chẳng có hoa hồng".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh cho rằng mức thu nhập của tài xế trên hòn đảo du lịch này chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có dư. 

"Phú Quốc hiện có hàng nghìn xe đang hoạt động trong mảng dịch vụ taxi. Tôi nghĩ việc ăn chia hoa hồng cũng chỉ là may mắn thôi, không phải cứ chở khách là họ sẽ đồng ý đi ăn uống, mua sắm", anh nói.

Luật ngầm chi hoa hồng đẩy giá hải sản ở Phú Quốc đắt đỏ khó tin-3

Hải sản tại Phú Quốc bị cho là đắt đỏ (Ảnh: Lê Tân).

Theo nam tài xế, doanh thu một ngày của anh buộc phải chia 50% với công ty, tiền xăng xe anh chịu. Anh Hùng lấy ví dụ, nếu thu nhập một ngày được 1 triệu đồng, phải đưa về nhà xe 500.000 đồng, thêm 200.000 đồng tiền xăng, tài xế chỉ có khoảng 300.000 đồng bỏ túi. Những tháng thấp điểm, khách vắng, anh thậm chí phải chịu lỗ khi không đủ tiền đưa về cho công ty.

Hoa hồng được chia lại từ cửa hàng, nhà hàng… được xem như là chi phí "bồi dưỡng", bù đắp cho tiền xăng xe, bảo dưỡng. Tuy nhiên, việc này cũng hiếm xảy ra và tùy thuộc vào "sự may mắn".

Đầu hè là khoảng thời gian cao điểm của du lịch nội địa. Qua khảo sát của phóng viên tại một số đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn, lượng khách tại đảo ngọc Phú Quốc vẫn chưa thực sự "bùng nổ".

Một trong những nguyên nhân được đưa ra khiến Phú Quốc bắt đầu "kén" khách du lịch là chi phí đắt đỏ. Trước đó, khách du lịch đã từng ngạc nhiên trước con gà có giá 1,5 triệu đồng, đĩa cơm rang 250.000 đồng…

Ngoài tiền nguyên liệu, nhân viên, điện nước, chủ nhà hàng phải "gánh" thêm chi phí hoa hồng cho người giới thiệu. Tuy nhiên, nếu không dùng cách này, nhiều nhà hàng phải đối mặt với tình trạng ế khách. 

Một chủ nhà hàng tại xã Dương Tơ, Phú Quốc cho biết, chị làm nghề bao năm, đây là lần đầu tiên thấy Phú Quốc sụt giảm khách nghiêm trọng đến như thế. Theo quan sát của chị, tháng 5/2023 là thời gian chuẩn bị cho mùa cao điểm nhưng khách vẫn giảm mạnh.

"Đã có quá nhiều thông tin về giá cả khiến khách hoang mang, không dám đến Phú Quốc. Bây giờ, chúng tôi chỉ cố gắng tập trung giảm giá dịch vụ theo khả năng của mình, mong khách hàng hiểu và thông cảm", chủ nhà hàng nói.

Bạn đang xem: 'Luật ngầm' chi hoa hồng đẩy giá hải sản ở Phú Quốc đắt đỏ khó tin

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết