Giá hải sản tăng chóng mặt, thực phẩm giải nhiệt đắt khách
Giá hải sản trong nước lẫn nhập khẩu đều tăng từ 20-30% so với đầu năm khiến nhiều người tiêu dùng giật mình. Trong khi đó, nhiều mặt hàng thực phẩm giải nhiệt lên ngôi trong mùa nắng nóng.
Giá hải sản tăng chóng mặt
Chị Nghiêm Huyền (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết trên Báo Pháp Luật TP.HCM, nếu như sau Tết, giá cua Cà Mau chỉ khoảng 450.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 500.000-600.000 đồng/kg; tôm sú sống loại 30-35 con/kg tăng từ 165-170.000 đồng lên 190.000-200.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải Sản Hoàng Gia, thông tin trên báo này, hiện giá hải sản trong nước lẫn nhập khẩu tăng cao. “Riêng hải sản trong nước từ tôm, cua, ghẹ, ốc… đều có mức tăng so với đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. So với hồi đầu năm giá hải sản trong nước tăng 20-30% tùy vào mặt hàng, mức tăng này thực tế là rất cao, khiến cho giá trị đơn hàng mỗi lần mua sắm của người tiêu dùng cũng giảm”, ông Trường nói.
Giá hải sản tăng mạnh (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Nắng nóng, thực phẩm giải nhiệt lên ngôi
Vào những ngày nắng nóng, mặt hàng thực phẩm ăn uống có tác dụng giải nhiệt cơ thể tiêu thụ mạnh. Đáng nói, có những mặt hàng tăng cao gấp đôi nhưng vẫn hút khách.
Theo khảo sát của PV Sức Khỏe và Đời Sống tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, cua đồng tăng cao gấp đôi. Hiện cua đồng được bán ở mức 200.000-230.000đồng/kg. Ngoài cua đồng, mặt hàng thủy hải sản như ngao, trai, trùng trục cũng thu hút người mua. Giá của các mặt hàng này tăng nhẹ 3.000-4.000 đồng/kg.
Không tăng giá như mặt hàng thủy hải sản, thực phẩm ăn uống có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể như rau xanh, mướp, bí xanh... đắt khách. Trên các tuyến đường, những xe hàng bán hoa quả như dưa hấu, dưa lê, bơ, cam, bưởi, táo… hay các chợ truyền thống, siêu thị lượng tiêu thụ tăng cao gấp đôi so với ngày thường.
Mãng cầu xiêm tăng giá mạnh vì cơn sốt trà mãng cầu
Cùng với gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu đang là món làm mưa làm gió trên thị trường. Vì thế, giá mãng cầu xiêm cũng bất ngờ tăng nóng.
Theo phản ánh của PV. Báo Người Lao Động, giá mãng cầu xiêm những ngày gần đây tăng vọt lên 50.000 - 80.000 đồng/kg trong khi trước đây loại quả này chỉ xoay quanh giá 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Măng cụt rớt giá hậu “cơn sốt” gỏi gà măng cụt xanh
Khoảng nửa tháng trước, từ "cơn sốt" món "gỏi gà măng cụt xanh", giá măng cụt đầu mùa luôn nằm ở mức từ 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong một tuần trở lại đây, loại trái cây này ở ĐBSCL đang rớt giá từng ngày, từng giờ. Theo Báo Người Lao Động, thương lái thu mua tại vườn chỉ 15.000-20.000 đồng/kg (tùy loại); tại vựa chỉ khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo một chủ vựa trái cây, măng cụt sau khi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ thì bị hư nhiều do nhiệt độ cao, ảnh hưởng hết trái cây khi đóng trong thùng gửi đi. Đấy cũng là một trong những lý do khiến măng cụt giảm giá.
Mận Pu Nhi được săn mua
Mận Pu Nhi - loại mận được mệnh danh ngon hơn cả mận hậu - đang đổ bộ chợ Hà Nội. Loại mận được trồng duy nhất trên 1 quả núi ở Sơn La này được chị em đua nhau chốt đơn mua ăn.
Mận Pu Nhi đắt khách (Ảnh: NVCC)
Thời điểm này năm ngoái, mận Pu Nhi có giá 100.000-140.000 đồng/kg tuỳ loại. Năm nay, giá đã hạ nhiệt. Trên thị trường, mận Pu Nhi được rao bán nhiều tại các chợ trái cây online. Giá loại mận này dao động từ 65.000-120.000 đồng/kg tùy thời điểm và size mận. Các chủ hàng ví mận Pu Nhi "giòn ngọt như cherry", không hề có vị chát và chua như mận hậu. Điều này khiến những người chưa từng ăn thử tò mò.
Nông dân lo lắng vì chanh leo rớt giá
Nông dân trồng chanh leo ở Gia Lai đang hoang mang, lo lắng vì chanh leo đột ngột rớt giá từ trên 10.000 đồng/kg chanh xô, xuống chỉ có 4.000 đồng/kg.
Ông Lê Tấn Hùng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa - cho biết trên VOV: hiện 20% trong trong số 700 ha chanh leo ở huyện đã được liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp. Nhưng ngay cả những nông dân liên kết vẫn không được hưởng mức giá tốt. Lý do là thời điểm ký kết là lúc giá chanh ở mức cao, nông dân chọn phương án bán theo giá thị trường.
Nhận kỷ lục châu Á, hoa atiso 200 nghìn/kg đắt khách
Mới đây, atiso Đà Lạt nhận Kỷ lục châu Á cho nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Vào những ngày nắng nóng, bông atiso trở thành mặt hàng đắt khách mua ăn giải nhiệt. Cũng bởi vậy, giá loại hoa này có phần đắt đỏ hơn.
Trên thị trường, bông atiso Đà Lạt tươi được rao bán tràn ngập “chợ mạng”. Giá mỗi kg hoa atiso dao động từ 145.000-200.000 đồng, tuỳ loại. Một số nơi bán với giá 250.000 đồng/kg.
Giá thép giảm lần thứ 7 liên tiếp
Một số doanh nghiệp thép vừa thông báo giảm giá đối với sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, với mức giảm từ 200.000-510.000 đồng/tấn. Từ đầu năm đến nay, giá thép ghi nhận 7 lần giảm liên tiếp. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14-15 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây là do nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt.
Bạn đang xem: Giá hải sản tăng chóng mặt, thực phẩm giải nhiệt đắt khách
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Loại hải sản “tưởng quen mà lạ” có màu xanh ngọc là con gì mà chị em thi nhau đặt mua?
- Loại hải sản nhìn như giun, giá tới 7 triệu đồng/kg vẫn được săn đón
- Đặc sản 'ngón tay của quỷ' giá gần 4 triệu/kg, muốn mua cũng khó
- Loại hải sản thường xuất hiện theo cặp, từng có giá tiền triệu, giờ chỉ vài chục nghìn/con
- Giá hàng tiêu dùng đang tăng mỗi ngày
- Giá xăng chạm mốc 25.000 đồng/lít, người tiêu dùng lo ngại giá hàng hóa 'té nước' theo xăng