Kết quả xét nghiệm những người tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh tử vong do bạch hầu
Sau khi phát hiện ca bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người tiếp xúc trực tiếp đồng thời triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch.
Ngày 10/7, lãnh đạo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay đơn vị này đã có kết quả xét nghiệm của 10 mẫu liên quan đến ca bệnh là nữ sinh P.T.C. (trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tử vong do bệnh bạch hầu hôm 5/7 vừa qua.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm của 10 trường hợp tiếp xúc
trực tiếp với ca bệnh bạch hầu và đã có kết quả âm tính.
Theo đó, CDC Nghệ An đã tiến hành lấy 10 mẫu của 10 người có tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh P.T.C. để xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy, cả 10 mẫu đều âm tính với vi khuẩn C.diphtheria (Bạch hầu).
“Tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh đều được điều tra, rà soát và cách ly tốt, được sử dụng kháng sinh dự phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 10 người có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đều đã âm tính. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch gần như không còn. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá. Đặc biệt, nhớ đưa trẻ nhỏ đi tiêm đúng lịch, đủ liều sẽ giúp phòng bệnh lâu dài”, lãnh đạo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Nghệ An nói và cho biết thêm, bệnh bạch hầu thường ủ bệnh trong vòng từ 2-5 ngày. Đối với những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh P.T.C. đến nay đã hơn 9 ngày.
Cơ quan chức năng đã hoàn tất công tác phun khử khuẩn.
Lãnh đạo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Nghệ An cho biết thêm, hiện công tác phun khử khuẩn tại các gia đình có người tiếp xúc với ca bệnh, bản Phà Khảo (xã Phà Đánh), Ký túc xá Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn đều đã được hoàn tất. Những người có tiếp xúc với ca bệnh đều đã được cách ly y tế tại nhà trong vòng 14 ngày và được cấp phát thuốc, sử dụng kháng sinh dự phòng.
Trước đó vào ngày 24/6, nữ sinh P.T.C. (18 tuổi, trú bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, Kỳ Sơn, Nghệ An) có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi. Ngày 30/6, C. được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn điều trị. Ngày 4/7, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Tại đây, C. được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Đến 4h sáng 5/7, bệnh nhân C. tử vong và được hướng dẫn xử lý y tế.
Hiện ổ dịch bạch hầu đang tiếp tục được cơ quan chức năng theo
dõi sát trong vòng 14 ngày kể từ ngày 4/7.
Nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về 1 ca nghi mắc bệnh Bạch hầu, ngày 4/7, CDC Nghệ An lập tức cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân C. nhiễm bệnh bạch hầu.
Cơ quan chức năng Nghệ An sau đó đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch. Quá trình điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định có 119 người từng tiếp xúc gần với nữ sinh C.
Quảng Bình: Chủ động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu
Để chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, không để bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các dịch bệnh tại địa phương;
Chủ động, kịp thời phát hiện các ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh (nếu có). Đặc biệt, rà soát và tiêm vét, tiêm bổ sung ngay vắc xin bạch hầu cho những trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, chủ động xây dựng, củng cố các đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý các ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc phòng chống, khống chế ổ dịch khi cần thiết; tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch; cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị các đơn vị tổ chức tập huấn về chẩn đoán, giám sát bệnh bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho cán bộ y tế cơ sở; tăng cường hoạt động truyền thông, vận động người dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, thực hiện vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, súc miệng mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn...
Bạn đang xem: Kết quả xét nghiệm những người tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh tử vong do bạch hầu
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng đến gãy đốt sống cổ, tổn thương sức khỏe 23%
- Thông tin mới nhất ổ dịch bạch hầu ở Nghệ An
- Kết quả xét nghiệm ca bệnh nghi mắc bạch hầu ở Hải Dương
- Phải làm gì khi bị bệnh bạch hầu?
- Thông tin mới nhất về ca nghi mắc bạch hầu ở Hà Tĩnh
- Thêm một cô gái ở Bắc Giang mắc bệnh bạch hầu