Hình ảnh bàn tay gây ám ảnh của bệnh nhân dị ứng thuốc kháng lao

Sau gần 2 tháng dùng thuốc kháng lao, không chỉ bàn tay, người đàn ông ở TP.HCM còn bị sẩn ngứa, tróc da khắp cơ thể. Tình hình diễn biến nghiêm trọng hơn khiến ông bị suy gan, thận.

Ca bệnh đặc biệt trên vừa được bác sĩ Đặng Khôi Nguyên và các đồng nghiệp Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), báo cáo trong Hội nghị khoa học thường niên sáng 19/5. 

Theo đó, người đàn ông 42 tuổi được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốt và đỏ da toàn thân. Khai thác thông tin ghi nhận, bệnh nhân đang điều trị lao hạch tháng thứ 2. 

Khi uống thuốc kháng lao đến tuần thứ 7, ông bắt đầu ớn lạnh, đỏ da ở thân mình và mặt, lan ra toàn thân. Sau đó, ông bị ngứa, mụn nước, tróc vảy, củng mạc mắt vàng, nước tiểu sậm màu. 

Hình ảnh bàn tay gây ám ảnh của bệnh nhân dị ứng thuốc kháng lao-1
Bệnh nhân nhập viện vì sốt, đỏ da diễn tiến suy gan thận. Ảnh: BSCC.   

Tình trạng tăng dần trong một tuần, ông được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Tại đây, ghi nhận bệnh nhân tiếp xúc tốt, sốt 39,5 độ C, da vàng. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hô hấp điều trị với chẩn đoán phản ứng dị ứng, viêm gan cấp do thuốc kháng lao, nhiễm trùng huyết.

Sau một tuần, tình trạng vàng da vẫn không cải thiện. Người bệnh mệt, chán ăn, buồn nôn, đặt sonde tiểu không ra nước tiểu, sẩn ban tróc vảy khắp thân mình. 

Ông lại được chuyển về Khoa Nội tiết - Thận điều trị, chẩn đoán mắc hội chứng Dress nghi ngờ do thuốc kháng lao. Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy gan cấp, suy thận cấp vô niệu. Các bác sĩ quyết định kết hợp điều trị nội khoa, lọc máu hấp phụ kép kết hợp với thay huyết tương. Nhờ vậy, tình trạng cải thiện dần.

Sau khoảng nửa tháng điều trị căng thẳng, bệnh nhân hồi phục, xuất viện và theo dõi ngoại trú. Tuy nhiên, 3 tháng sau, chức năng gan thận mới trở về giới hạn bình thường. 

Theo bác sĩ Nguyên, cho đến nay, cùng với hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng DRESS được định nghĩa là một phản ứng ngoại ý của thuốc ở mức độ nặng, ảnh hưởng đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong. Trong hội chứng này, gan bị tổn thương cao nhất, dao động từ 51-87% với các mức độ từ nhẹ đến suy gan cấp. 

Ghép gan là biện pháp điều trị triệt để duy nhất với những bệnh nhân không tự hồi phục. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ có thể tiếp cận với phương pháp này. Tỷ lệ sống sót trên những trường hợp suy gan cấp không được ghép gan là dưới 25%, đặt ra những thách thức trong điều trị.

Bác sĩ Nguyên cho biết vai trò của các biện pháp hỗ trợ gan nhân tạo được áp dụng để điều trị suy gan cấp nhằm mục đích thay thế chức năng thải độc của gan, thay huyết tương là biện pháp được chấp nhận rộng rãi nhất. 

Bạn đang xem: Hình ảnh bàn tay gây ám ảnh của bệnh nhân dị ứng thuốc kháng lao

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết