Hàng chục bác sĩ cúi đầu trước quyết định của gia đình có người thân chết não
Trong phòng mổ im ắng, tất cả thầy thuốc cúi đầu. Một bác sĩ khoa Gây mê hồi sức đại diện ê-kip lấy tạng bày tỏ những lời tri ân tới người đàn ông 57 tuổi.
Chiều tối 20/6, tại phòng mổ ở khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, lần đầu tiên diễn ra một hành động đẹp đẽ, nhân văn rất đặc thù: Các thầy thuốc im lặng, cúi đầu tri ân người đàn ông 57 tuổi trước khi bắt đầu thao tác kỹ thuật lấy 2 thận để chuyển đi ghép cho hai người bệnh đang chờ sự sống.
Một vụ tai nạn giao thông đã khiến người đàn ông 57 tuổi chấn thương sọ não, nguy kịch. Ông được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng Glassgow 3 điểm (thang điểm đánh giá người bệnh hôn mê), mất các phản xạ, thở máy hoàn toàn.
Dù đã được thầy thuốc nỗ lực cứu chữa bằng các biện pháp hồi sức tích cực nhưng không có kỳ tích nào xảy ra. Kết quả 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tư vấn gia đình về hiến tạng.
"Không có khó khăn nào trong quá trình tư vấn, vận động gia đình. Họ hiểu rất rõ ý nghĩa của hành động nhân văn này", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nói với VietNamNet, sáng 21/6.
Các thầy thuốc cúi đầu tri ân người đàn ông hiến tạng cứu hai
bệnh nhân đang chờ sự sống. Ảnh: BVCC
Các thủ tục pháp lý cần thiết về cho và hiến tạng của người chết não được tiến hành. Bệnh viện cũng khẩn trương phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), các bệnh viện có người bệnh chờ ghép tạng để rà soát, tìm kiếm những người đủ điều kiện.
Dự kiến ban đầu có 1 người bệnh được ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế và 2 người được ghép thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm sau cùng cho thấy không đáp ứng yêu cầu tương thích giữa người nhận và người hiến. Do vậy, yêu cầu tìm kiếm người nhận tạng ghép được đặt ra rất cấp thiết.
Các phương án rà soát người bệnh tương thích có thể nhận tạng từ người hiến tiếp tục được thực hiện. May mắn, 2 người bệnh suy thận tại Bệnh viện Trung ương Huế được xác định đủ điều kiện để nhận tạng. Ngay khi thủ tục pháp lý, các phương án chuẩn bị lấy tạng ghép hoàn tất, người bệnh nhanh chóng được chuyển lên phòng phẫu thuật.
Chiều tối ngày 20/6, các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiến hành ca phẫu thuật lấy tạng của người đàn ông 57 tuổi và chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho 2 người bệnh suy thận.
Quá trình lấy hai quả thận từ người hiến diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Theo đánh giá ban đầu, tạng ghép được lấy ra có chất lượng tốt và được bảo quản trong thùng theo đúng quy trình để đưa về Huế - nơi có 2 người bệnh đang chờ ghép.
Ngay sau đó, ê-kíp nhận tạng từ Bệnh viện Trung ương Huế di chuyển khẩn trương ra sân bay Nội Bài để kịp về Huế đúng thời gian khi tạng còn chất lượng tốt nhất.
22h22 phút, đoàn Bệnh viện Trung ương Huế đáp xuống sân bay Phú Bài (Huế) và nhanh chóng được lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ dẫn về bệnh viện an toàn, kịp thời ghép cho người bệnh. Hai ca ghép thận được thực hiện ngay trong đêm. Tới sáng 21/6, 2 người bệnh được nhận tạng ghép đã có nước tiểu.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào năm 2015 nhưng đây là lần đầu tiên có ca hiến tạng từ người cho chết não.
Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người và giúp chữa bệnh cho 100 người khác qua việc hiến mô (giác mạc, da, xương, mạch máu, gân).
Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Năm 2023 có 16 ca; 6 tháng đầu năm 2024 (tính tới đầu tháng 6) có 10 ca. Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng. Ước tính, mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.
Bạn đang xem: Hàng chục bác sĩ cúi đầu trước quyết định của gia đình có người thân chết não
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe