Hai loại rau dễ là nơi 'tổ ký sinh trùng' ẩn náu, cái số 1 mâm cơm nhà nào cũng có
Một số loại rau tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng lại chứa nhiều ký sinh trùng gây hại sức khỏe, các bà nội trợ đặc biệt cẩn thận khi sơ chế và chế biến.
Rau cần
Rau là một nguồn thực phẩm quan trọng đối với chế độ ăn uống của mỗi người. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề "rau bẩn" với lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất tồn dư hay ký sinh trùng ẩn náu trong rau củ khiến nhiều người lo ngại.
Rau cần nên nấu chín trước khi ăn.
Đặc biệt, rau xanh, rau sống, điển hình là rau cần cũng có thể nhiễm các loại giun sán. Rau cần trồng dưới nước thường sẽ chứa nhiều giun sán, vi khuẩn hơn loại rau cần trồng trên cạn. Chưa kể, nhiều người có thói quen ăn cả phần gốc rau cần sau khi bỏ rễ vì cho rằng như vậy mới thơm ngon và tiết kiệm. Tuy nhiên, đây là phần bẩn nhất, dễ nhiễm ký sinh trùng và không thể làm sạch hoàn toàn dù rửa nhiều lần.
Lá và thân cây rau cần cũng dễ ngập sâu trong nước, khó rửa sạch nên nguy hiểm khi ăn sống. Tốt nhất là không nên ăn sống rau cần, bỏ phần gốc, nhặt sạch rễ và lá sâu sau đó rửa thật kỹ. Khi nấu cũng phải đảm bảo chín kỹ và nếu có nhúng lẩu hãy đảm bảo đã ngâm nước muối trước đó, nhúng trong nước sôi hẳn để đảm bảo sức khỏe.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.W (Hà Nội) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, rau cần thường bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn và nhiều loại giun sán khác. Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn có thể bám vào rau thủy sinh. Do đó, người dân thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, ngó sen hay ăn ốc chưa nấu chín kỹ có thể khiến đưa lượng sán lá gan lớn vào người.
"Nếu ăn rau cần chưa nấu chín nhiễm sán, thông qua đường tiêu hóa, ấu trùng sán lá gan lớn vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng" - bác sĩ Thiệu lý giải.
Theo chuyên gia, sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan 2 - 3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.
Tại đường mật, sán có thể gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, thậm chí có thể gây ung thư biểu mô đường mật.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, số lượng các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng có xu hướng giảm so với trước đây nhờ vào việc hạn chế sử dụng mô hình canh tác vườn ao chuồng nhưng mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh vẫn ở mức đáng báo động.
Cải xoong
Cải xoong hay còn gọi xà lách xoong là một loại thực vật thủy sinh hay bán thủy sinh. Bởi vì gần như có quanh năm, lại dễ trồng, nhanh lớn, ít tốn công chăm bón, nên được xếp vào một trong những loại rau xanh cực kỳ phổ biến từ rất lâu trước đây.
Loại rau được đánh giá "bẩn nhất" nhưng có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Ảnh minh họa.
Mặc dù cải xoong giàu dinh dưỡng tuy rất giàu chất dinh dưỡng, ăn giòn, vị ngọt, vô cùng hấp dẫn nhưng loại rau này cũng dễ gây bệnh cho con người nếu chế biến không cẩn thận. Ngoài việc mang theo bùn đất, vi khuẩn rất khó rửa sạch hoàn toàn, cải xoong còn chứa các loại giun như: giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim...
Để bảo vệ sức khỏe tốt nhất bạn nên hạn chế ăn rau sống; cần ăn chín uống sôi. Đặc biệt, tránh ăn sống các loại rau trồng dưới nước như: cần, ngổ, muống, cải xoong, ngó sen…
Ký sinh trùng chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C trong 3-5 phút, nên ngay cả việc chần rau qua nước sôi hay ăn lẩu chỉ nhúng rau qua nước nóng cũng không thể diệt được giun, sán và trứng của chúng.
Những dấu hiệu cảnh báo nhiễm sán không phải ai cũng biết
Khi vào cơ thể, ấu trùng bám vào ruột non, ký sinh và trưởng thành ở đấy. Thời gian từ lúc ấu trùng vào cơ thể đến khi trưởng thành khoảng 90 ngày.
Khi mắc sán, bệnh nhân chỉ bị mệt mỏi, thiếu máu nhẹ, sức khỏe giảm sút… Khi bệnh toàn phát, người bệnh bị đau bụng kèm theo tiêu chảy. Phân lỏng, không có máu, nhưng nhày và có lẫn nhiều thức ăn không tiêu.
Bệnh nhân thường đau bụng ở vùng hạ vị, đau kèm theo tiêu chảy và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội. Nếu người bệnh có nhiều sán và không được điều trị, bệnh sẽ ngày càng nặng, có thể bị phù nề, tràn dịch ở nhiều nội tạng và chết trong tình trạng suy kiệt.
"Khi thấy các dấu hiệu cảnh báo kể trên, bệnh nhân cần đi khám ngay. Phát hiện bệnh và điều trị sớm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn, tránh các biến chứng không mong muốn", BS Thiệu nhấn mạnh.
Bạn đang xem: Hai loại rau dễ là nơi 'tổ ký sinh trùng' ẩn náu, cái số 1 mâm cơm nhà nào cũng có
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 3 loại rau tốt cho tim mạch, 'quét' mỡ máu
- Rễ của cây này được ví như 'nhân sâm của người nghèo', nhiều vùng quê có đừng bỏ phí
- Loại lá thơm phức là 'kho' dinh dưỡng cực bổ, ở Việt Nam đi đâu cũng thấy
- 6 cách đơn giản chữa đau dạ dày thường gặp trong mùa đông
- 3 loại rau ít 'ngậm' thuốc trừ sâu nhất chợ, nhiều người không biết mà mua
- Loại rau Việt giàu canxi hơn cả sữa, được coi là “thuốc bổ” cho mọi lứa tuổi