Hai học sinh cấp 3 đi cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử

Sau khi hút thuốc lá điện tử, hai học sinh có biểu hiện nôn nao, chóng mặt, buồn nôn nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

Ngày 8/5, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ vừa tiếp nhận 2 học sinh cấp 3 bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.

Hai bệnh nhân là học sinh là V.B.N và N.T.Q (17 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.

Qua khai thác thông tin được biết, các học sinh này có tiền sử khỏe mạnh, sử dụng thuốc lá điện tử không thường xuyên. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, hai em hút thuốc lá điện tử, sau đó thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn. 

Hai học sinh cấp 3 đi cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử-1
Khoa Cấp cứu - nơi tiếp nhận hai học sinh vào cấp cứu. Ảnh: BVCC. 

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử, kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Đến nay, hai em đã ổn định và xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Thắng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết ngộ độc thuốc lá điện tử thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba, vị thành niên, bởi đây là độ tuổi bộ não còn đang phát triển, rất dễ bị tác động bởi các loại chất kích thích. 

Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này còn có nhu cầu thể hiện bản thân, thử cảm giác mới lạ. Biểu hiện chung thường gặp khi ngộ độc thuốc lá điện tử là cảm thấy choáng váng, khó thở, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, hôn mê, mất ý thức.

Thuốc lá điện tử là một thiết bị mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá điếu, cho phép hít nicotine ở dạng hơi mà không phải khói như thuốc lá thông thường. Trong những năm trở lại đây, số người sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng. 

Bác sĩ Thắng khuyến cáo các phụ huynh cần quan tâm, chú ý tới con cái, đặc biệt là các dấu hiệu bất thường ở trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu lơ mơ, chậm chạp, mất tập trung, nói lảm nhảm... cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm. 

Bạn đang xem: Hai học sinh cấp 3 đi cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết