Hà Nội: Gần 3000 người đang nằm viện vì... muỗi
Trung bình 6 tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận hơn 2.500 trường hợp sốt xuất huyết. Toàn thành phố ghi nhận 1520 ổ dịch, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động.
233 ổ dịch trên toàn địa bàn
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó).
Hà Nội hiện có 233 ổ dịch đang hoạt động (Ảnh: Getty).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn thành phố có 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong.
Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và tăng nhanh từ tuần 35, trung bình 6 tuần gần đây ghi nhận hơn 2.500 trường hợp. Toàn thành phố ghi nhận 1520 ổ dịch, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động.
Gần 3000 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại cơ sở y tế
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tổng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị sốt xuất huyết.
Ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng mạnh từ tháng 8 đến nay (Ảnh:
Mạnh Quân).
Hà Nội khẳng định chưa có việc quá tải trong điều trị sốt xuất huyết. Có thể có hiện tượng quá tải cục bộ từng khoa, phòng trong một thời điểm ngắn bệnh nhân nhập viện, sau đó sẽ được điều phối ngay để đảm bảo điều trị cho người bệnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội nằm rải rác ở các cơ sở y tế tuyến quận huyện, khi nặng mới chuyển về bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Đức Giang. Số bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương rất ít.
Bệnh viện Thanh Nhàn là một trong những cơ sở y tế được phân công là tuyến cuối của Hà Nội trong thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo BS Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc bệnh viện, từ tháng 7 đến 1/11, bệnh viện đã tiếp nhận 4.758 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị.
Riêng chỉ trong tháng 10 đã có hơn 2.200 bệnh nhân. Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm từ 7-10%, chỉ có 1 trường hợp chuyển viện. Bệnh nhân phải truyền tiểu cầu cũng tăng cao nhất trong tháng 10 với hơn 200 đơn vị tiểu cầu.
Để chủ động trong điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng 130 giường bệnh, trong đó 65 giường thuộc Đơn nguyên bệnh truyền nhiễm và huy động 65 giường bệnh của khu vực bệnh nghề nghiệp.
BS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết thêm, tính đến sáng 3/11, Bệnh viện Thanh Nhàn đang thu dung, theo dõi, điều trị 400 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đẩy mạnh giám sát phát hiện sớm ca bệnh
Ngày 3/11 vừa qua, đoàn công tác do GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn cũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Theo GS Lân, các hoạt động phòng chống phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt, nhất là trong những đợt cao điểm của bệnh dịch sốt xuất huyết để khống chế số mắc và tử vong.
Do đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố Hà Nội và các cấp đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch.
Đoàn công tác do GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự
phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống
dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội (Ảnh: CDC Hà Nội).
Xác định các điểm nóng, khu phố có ổ dịch, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý hơn 230 ổ dịch đang hoạt động. Hà Nội cần phải giám sát chặt chẽ, nhất là những nơi có các ổ dịch kéo dài.
Trong công tác điều trị, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tham gia đoàn công tác lưu ý các cơ sở điều trị cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị Bộ Y tế đã ban hành; chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân, lưu ý người cao tuổi, bệnh nền.
Các cơ sở cần gắn bảng màu đối với những trường hợp có nguy cơ tăng nặng, để theo dõi và phát hiện diễn biến sức khỏe kịp thời.
Cùng với đó, Hà Nội cần thành lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết, kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương để sẵn sàng cùng nhau phối hợp hội chẩn điều trị khi cần.
Bạn đang xem: Hà Nội: Gần 3000 người đang nằm viện vì... muỗi
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe