Hà Nội: Dịch bất thường, bệnh nhân 'ám ảnh' vì cô đặc máu
Mỗi ngày, nhìn 2 bịch máu được truyền vào cơ thể, bệnh nhân lặng người: "Ban đầu, tôi nghĩ sốt xuất huyết không có gì đáng lo ngại. Bây giờ, tôi cảm thấy nó thật kinh khủng".
Bùng phát dịch bệnh gây suy tuần hoàn, tổn thương nội tạng: Điều trị 30 người/ ngày
Sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Người dân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà
Anh Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), 41 tuổi, sống tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu dữ dội.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Khu vực gia đình anh Phương sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết lớn của Hà Nội.
Đã phát hiện triệu chứng sốt xuất huyết từ trước thời điểm nhập viện 4 ngày nhưng anh Phương chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà. "Tôi cảm thấy đau đầu và mệt mỏi nhưng lại cho rằng chưa cần nhập viện", bệnh nhân chia sẻ.
Sau thời gian tự điều trị, thể trạng người đàn ông này không có dấu hiệu cải thiện. Ngược lại, anh bắt đầu bị chảy máu cam và chảy máu chân răng. Ngay trong buổi sáng, anh Phương được người nhà đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
"Tôi đến bệnh viện làm xét nghiệm và được các bác sĩ yêu cầu ở lại viện để theo dõi, điều trị ngay", anh Phương cho biết. Mỗi ngày, nhìn 2 bịch máu được truyền vào cơ thể, anh Phương lặng người: "Ban đầu, tôi nghĩ sốt xuất huyết không có gì đáng lo ngại. Bây giờ, tôi cảm thấy nó thật kinh khủng".
Hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10-12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm hơn dự kiến. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến tuần 26, Thủ đô đã có 823 ca mắc sốt xuất huyết.
Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.
Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng vọt. Đáng chú ý, cơ sở y tế này tiếp nhận hàng chục bệnh nhân vào những ngày cao điểm.
BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Hàng ngày, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận khoảng 5-7 bệnh nhân. Số bệnh nhân đang được điều trị ở cả 2 cơ sở hiện lên đến 30 người".
"Gần đây, Hà Nội có nhiều đợt mưa lớn. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến số lượng ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh", BS Hưng giải thích thêm.
Theo BS Hưng, nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.
"Một số biến chứng do sốt xuất huyết có thể kể đến như: tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, suy tuần hoàn do thoát huyết tương. Không chỉ vậy, lượng tiểu cầu thấp sẽ gây chảy máu dưới da, chảy máu niêm mạc. Điều này khiến bệnh nhân mất máu cấp và tổn thương các tạng.
Sốt cao liên tục 39 độ C trong nhiều ngày, bà Hiền (tên nhân vật đã được thay đổi), 67 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu.
Bà Hiền cho biết: "Thứ 4 tuần trước tôi thấy đau đầu, mệt mỏi và sốt cao. Tôi cũng đoán được có thể mình đã mắc sốt xuất huyết. Khu dân cư tôi ở cũng đang có dịch".
Tuy vậy, bà Hiền chưa nhập viện thăm khám. Thay vào đó, bà tự mua thuốc hạ sốt về nhà uống. Tuy nhiên, tình trạng ngày một nặng hơn.
Sau khi nhận kết quả xét nghiệm tiểu cầu giảm đột ngột còn 17, gia đình bà Hiền hốt hoảng, gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến thẳng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Ánh mắt lo lắng nhìn người vợ nằm trên giường bệnh, chồng bệnh nhân nói: "Khi đưa vợ vào viện cấp cứu, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. May mắn là nhờ các bác sĩ tích cực điều trị, vợ tôi đã qua cơn nguy hiểm".
Theo BS Hưng, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị từng triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, BS Hưng cũng nhấn mạnh rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan. "Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau", BS Hưng nhấn mạnh.
Chuyên gia này khuyến cáo, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và hỗ trợ khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, đau hai hốc mắt, mệt mỏi và khó chịu.
Bạn đang xem: Hà Nội: Dịch bất thường, bệnh nhân 'ám ảnh' vì cô đặc máu
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nhiều người Hà Nội lây nhiễm dịch 'ngủ dậy không thể mở mắt'
- Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng liên tiếp nhập viện
- Ca sốt xuất huyết viện phí gần 400 triệu đồng, nhiều trường hợp nặng
- TPHCM: Trẻ sốt xuất huyết nặng liên tiếp nhập viện, có trường hợp trụy tim
- 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
- WHO họp khẩn vì ổ dịch sốt xuất huyết do virus Marburg