Nhiều người Hà Nội lây nhiễm dịch 'ngủ dậy không thể mở mắt'
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, mỗi ngày, cơ sở này tiếp nhận hàng chục người đến khám vì đau mắt đỏ, trong đó gần 1/3 bệnh nhân gặp biến chứng.
Một tuần qua, gia đình chị Bùi Thị Hà (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) phải cách ly thành hai phòng riêng biệt. Chị Hà cho biết con gái 4 tuổi bị đau mắt đỏ nên chị và con ở phòng riêng. Con trai và chồng chị chưa nhiễm nên cách ly riêng. Mọi sinh hoạt của gia đình đảo lộn giống thời kỳ cách ly Covid-19 gần hai năm trước. Chị Hà chấp nhận lây bệnh vì phải chăm con.
Khi mắc bệnh, sáng ngủ dậy, mắt của chị rất khó chịu, đau nhức, sưng tấy. Để mở được mắt, bà mẹ này phải vào nhà vệ sinh dùng nước muối sinh lý rửa. Sau 5 ngày tự nhỏ thuốc, tình trạng hai mẹ con không đỡ, mắt xung huyết, cộm đau, sợ ánh sáng nên chị và bé mới đến bệnh viện khám.
Bệnh nhân khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: BVCC.
Tương tự, bà N.T.V (trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) vào khám vì biến chứng đau mắt đỏ sau khi tự ý nhỏ thuốc mắt. Buổi chiều trước khi xuất hiện triệu chứng, bà V. thấy mình đau cộm, ngứa và chảy nước mắt. Sáng ngủ dậy, bà không thể mở được mắt, gỉ nhiều. Bà nhờ người quen ra hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ. Tuy nhiên, mắt bệnh nhân vẫn sưng to, cộm khó chịu.
Theo thống kê tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20-30 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ, trong đó có từ 5-7 bệnh nhân gặp biến chứng nặng. Theo các bác sĩ, trong số các ca biến chứng nặng, nhiều trường hợp do tự ý sử dụng thuốc chứa thành phần corticoid.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho biết bệnh nhân đau mắt đỏ thường không đi khám và đều tự ra nhà thuốc mua thuốc về dùng. Các loại thuốc này đều chứa corticoid, dễ dẫn đến biến chứng loét giác mạc, bội nhiễm nặng nếu lạm dụng.
Vị bác sĩ này cũng khuyến cáo khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị thuốc. Bởi việc dùng corticoid cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, đúng thời điểm.
Nếu có người bị đau mắt đỏ, các gia đình có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để phòng tránh lây lan:
- Đối với trẻ em: Không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi công cộng. Vệ sinh mắt và nhỏ thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trước và sau khi vệ sinh mắt cho con, cha mẹ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Thường xuyên đeo khẩu trang khi vệ sinh, tiếp xúc gần với con. Hạn chế ôm hôn và sử dụng chung các vật dụng của con với các thành viên khác trong gia đình.
- Đối với người lớn: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bị bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hạn chế sử dụng nước ở các nguồn nước bị ô nhiễm, đi bơi…
Theo Vietnamnet
Bạn đang xem: Nhiều người Hà Nội lây nhiễm dịch 'ngủ dậy không thể mở mắt'
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Đặt 3 thứ này ở đầu giường trước khi ngủ giúp giải độc, ngủ ngon đến sáng
- Thói quen ngủ 'đục đẽo' sức khoẻ, nhiều người trẻ đang mắc
- Dịch bạch hầu ở Hà Giang nguy cơ lan rộng, một người tử vong trên đường về nhà
- Chó dại cắn 4 người, Đồng Nai bùng phát ổ dịch bệnh thứ 9
- Cảnh báo dịch viêm kết mạc cấp do virus đang lây lan nhanh, diễn biến phức tạp
- Bộ Y tế: 90% người dân hài lòng với dịch vụ y tế