Giá thực phẩm tăng cao, người tiêu dùng “bấm bụng” chi tiêu
Một tuần trở lại đây giá thực phẩm tại các chợ và siêu thị tăng cao khiến người nội trợ không khỏi đắn đo khi chi tiêu cho gia đình.
Ghi nhận tại chợ Ngọc Hà và chợ Dịch Vọng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn giao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại. Theo các tiểu thương cho biết, giá thịt lợn đã tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg do giá nhập vào tăng.
Cùng với thịt lợn, mặt hàng trứng cũng tăng từ 300 - 500 đồng/quả so với thời điểm một tuần trước. Trứng gà loại nhỏ có giá từ 22.000 đồng/chục quả nay đã tăng lên 25.000 đồng/chục quả. Trứng gà loại to có giá tới 30.000 đồng/chục quả.
Tại chợ dân sinh, giá thịt lợn tăng song nhu cầu giảm không đáng kể
Nói về nguyên nhân giá trứng tăng, ông Phạm Văn Thế, thương lái chuyên thu gom trứng từ các trang trại gà hàng chục nghìn con ở Thái Bình, Hà Nam tỏa đi khắp các tỉnh miền Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội cho biết: “Giá trứng lên từ khoảng 1 tuần nay. Thời điểm này, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho chăn nuôi và năng suất trứng cũng cao hơn. Cùng với giá trứng trong miền Nam bị lệch lớn so với ngoài Bắc, thuận lợi cho vận chuyển trứng từ Bắc vào Nam dẫn đến nguồn cung giảm đẩy giá trứng lên cao”.
Giá thịt lợn niêm yết tại siêu thị Big C Thăng Long
Mặt hàng rau củ quả cũng có biến động nhẹ từ 10% - 20%. Tuy nhiên lượng mua không bị ảnh hưởng nhiều do nhu cầu chung. Đây còn là tình trạng chung so với cùng kỳ mọi năm, những loại rau, củ, quả đầu mùa giá bao giờ cũng sẽ đắt hơn so với thời điểm khác.
Chị Trang Nhung (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: Là một người thường xuyên đi chợ để mua đồ ăn hàng ngày, chị nhận thấy giá cả lên rõ rệt mấy ngày gần đây. Tuần trước chị mua thịt với giá chỉ khoảng 100.000 đồng/kg nhưng hiện tại đã lên tới 120.000 đồng - 130.000 đồng/kg. Rau trước đây chị mua chỉ 5000 đồng/mớ nay phải 7000 đồng - 8000 đồng/mớ.”
Giá cả tăng khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn khi chi tiêu
“Giá cả lên xuống thất thường cũng ảnh hưởng lớn đến chi tiêu sinh hoạt, tuy nhiên nhu cầu ăn uống sức khỏe nên chị vẫn phải mua. Nhưng sẽ hạn chế mua một chút và sẽ phải cân nhắc hơn xem cái nào mua ở chợ hay siêu thị rẻ hơn để lựa chọn”, chị Nhung cho biết thêm.
Giá rau tăng 10 - 20% tại các chợ dân sinh ở Hà Nội
Đối mặt với giá thực phẩm tăng cao, nhiều bạn sinh viên chọn chuyển sang ăn đậu và trứng thay thế thịt. Huyền Anh cho biết: “Tuy giá cả tăng không nhiều nhưng với sinh viên xa nhà, ngoài chi phí ăn uống còn có phí sinh hoạt và tiền thuê nhà nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy”.
Bạn đang xem: Giá thực phẩm tăng cao, người tiêu dùng “bấm bụng” chi tiêu
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- 3 thói quen xấu quản lý tài chính giới trẻ cần tránh để không rỗng túi
- Phương pháp mua sắm này đã được tôi sử dụng để tiết kiệm ngân sách, ngay cả khi giá thực phẩm tăng cao
- Giá thực phẩm, hàng hóa đắt 'khét’ vẫn 'cháy' hàng sáng 28 Tết
- Xăng liên tục giảm, giá thực phẩm biến động trái chiều
- Giá thực phẩm, rau xanh bắt đầu giảm 'nhỏ giọt'