Diễn viên Lý Hùng: Từ 'cậu bé chăn lợn' đến bạch mã hoàng tử, triệu phụ nữ si mê
"Ngày đó cả nhà mừng rỡ vì mẹ đã mua được 20 con heo nuôi. Sáu anh em nhà Hùng được phân công đứa cho heo ăn, đứa tắm cho heo, đứa rửa chuồng...", Lý Hùng kể.
Lý Hùng - cái tên lừng lẫy một thời của điện ảnh, truyền hình Việt với hơn 100 vai chính, cùng hàng triệu bình chọn từ khán giả khắp cả nước. Hàng chục năm ở vị trí đỉnh cao cho đến thời điểm hiện tại, Lý Hùng là một cái tên: Không scandal, không phù phiếm.
Là con nhà nòi (ba anh là cố NSND, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng Lý Huỳnh) nhưng dưới sự giáo dục nghiêm khắc từ gia đình có nề nếp quy củ, Lý Hùng cùng bao thiếu niên cùng thế hệ đã phải trải qua thời buổi khó khăn chung của đất nước.
Gia đình anh phải trải qua nhiều nghề kiếm sống: Nuôi lợn, dạy võ, gia công sản xuất xưởng bút bi cho đến khi trở thành ngôi sao vụt sáng qua vai diễn: Phạm Công trong vở Phạm Công Cúc Hoa sản xuất năm 1989 (đạo diễn Lưu Bạch Đàn)...
Diễn viên Lý Hùng.
Chỉ ước sau khi phụ mẹ sẽ được mẹ đãi tô phở
Chào Lý Hùng, nhiều người nói rằng anh lớn lên từ "lò luyện" con nhà nòi, lại đẹp trai tài tử và có nhiều lợi thế.
Nhưng được biết anh cũng giống bao đứa trẻ thập niên 70, đất nước vừa hòa bình lập lại, điện ảnh nước nhà còn nghèo nàn... bố mẹ anh đã dạy sáu anh em nhà anh những gì để đối mặt với thời kỳ khó khăn đó?
Ba tôi (cố đạo diễn Lý Huỳnh) đi phim có khi cả năm mới xong một bộ phim như đợt ba làm phim Hòn đất (vai trung úy Xăm), Ông Hai Cũ (vai ông Hai cũ)... ba đi miết như vậy nhưng cát sê của diễn viên ngày đó thấp lắm.
Ngày đó nhà Hùng ở đường Phú Thọ Q11 rộng hàng ngàn m2 làm trại nuôi heo. Ngày đó cả nhà mừng rỡ vì mẹ đã mua được 20 con heo nuôi. Sáu anh em nhà Hùng được phân công đứa cho heo ăn, đứa tắm cho heo, đứa rửa chuồng... Cuộc sống ngày đó rất cực nhưng được phụ giúp đỡ đần ba mẹ nên đứa nào cũng vui.
Công việc nuôi heo của gia đình anh kéo dài lâu không?
Cũng vài năm, sau đó nhà nước mở cửa cho làm võ đường. Ba đã xây dựng võ đường Lý Huỳnh chiêu mộ môn sinh. Cuộc sống sang một trang mới vì từ đây Hùng không còn phải tắm cho heo và dọn chuồng heo nữa.
Ngày ngày đi học về đến nhà là quẳng cặp sách ra võ đường tập võ, máu "con nhà nòi" về võ hình thành từ khi võ đường chuyên nghiệp được thành lập. Khi ấy Hùng chừng 9, 10 tuổi.
Sau một thời gian thì Hùng phụ ba kèm những môn sinh mới, hướng dẫn họ các động tác, thế võ. Những đứa trẻ trong gia đình Hùng luôn được cha mẹ dạy: "Sống có trách nhiệm với bản thân, với công việc chung của gia đình".
Gia đình Lý Hùng.
Võ đường Lý Huỳnh khi ấy đã đủ nuôi gia đình đông con một gia đình đông con chưa?
Mở võ đường Lý Huỳnh chủ yếu giúp môn sinh rèn luyện thân thể, học các thế võ. Số tiền thu được chỉ mang tính chất tượng trưng chứ không đạt tiêu chí kinh doanh hay làm giàu cho gia đình. Chủ yếu mẹ vẫn là người đứng sau lo liệu mọi thứ.
Trong bộ phim Phạm Công Cúc Hoa cũng có võ đường của thầy Quỷ cốc dạy Phạm Công Cúc Hoa và các môn sinh. Đấy có phải là võ đường Lý Huỳnh dùng làm phim trường không?
Không phải đâu. Võ đường trong phim Phạm Công Cúc Hoa ghi hình tại võ đường môn võ cổ truyền của thành phố Hồ Chí Minh.
Mẹ anh là người phụ nữ Sài Gòn tháo vát và tần tảo, nhạy bén trong công việc. Sau khi đóng cửa trang trại lợn, mở võ đường Lý Huỳnh, mẹ anh đã bươn chải những công việc gì để ba anh yên tâm làm nghệ thuật và 6 anh em nhà anh trưởng thành?
Như Hùng đã chia sẻ, mẹ Hùng ngay sau đó đã mở thương hiệu bút bi Lý Huỳnh. Mẹ sản xuất bút bi tại nhà. Hùng khi thì phụ ba kèm cặp môn sinh trên võ đường, khi thì phụ mẹ nhồi mực vào nòng bút, dán nhãn thương hiệu Lý Huỳnh, gắn bi vào đầu bút... làm thành thục như công nhân lành nghề.
Đến giờ vẫn không thể nào quên vì công việc của xưởng sản xuất bút bi tại nhà kéo dài tới 10 năm.
Mẹ vừa làm bà nội trợ, vừa giỏi tháo vát khi làm kinh tế nên ba Lý Huỳnh hoàn toàn yên tâm dành hết tâm sức cho phim ba đạo diễn và ba đóng.
Khi làm xưởng bút bi tại nhà, Lý Hùng vẫn chỉ là cậu thiếu niên 13 – 14 tuổi. Anh có hiểu nhiều về việc kinh doanh của mẹ không?
Hùng biết rõ thương hiệu bút bi Lý Huỳnh, chủ yếu mẹ bỏ mối cho dân buôn sỉ ở miền Bắc. Hùng chở mẹ trên chiếc xe honda susuki đến đường Nguyễn An Ninh (Chợ Bến Thành) bỏ mối hàng ở đó.
Hùng nhớ chuyện này mắc cười lắm, trước khi chở mẹ đi bỏ mối bút bi, Hùng luôn mặc cả với mẹ: "Con chở mẹ ra chợ Bến Thành bán hàng, mẹ nhớ cho con ăn bít tết mẹ nhé!".
Mẹ thường cho Hùng ăn phở, cơm chiên hoặc bit tết. Đó là những món ăn xa xỉ với trẻ em và thiếu niên Sài Gòn những năm tháng khó khăn và Hùng thi thoảng lắm mới được ăn. Ngày Tết, mỗi anh em trong nhà được ba mẹ mua cho ba bộ đồ mới để mặc Tết, thế là hạnh phúc lắm rồi.
Sống trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước trong một gia đình vừa làm nghệ thuật, vừa xoay sở đủ nghề để mưu sinh. Lý Hùng khi ấy học hành thế nào? Anh có nhiều bạn thân để hàn huyên tâm sự không?
Hùng là học sinh giỏi năm lớp 9 và được tuyển thẳng vô lớp 10 trường Hùng Vương (thuộc Q5). Bạn cũ thi thoảng gặp lại. Hùng được ba mẹ rèn một thói quen từ nhỏ là ít la cà quán xá, sống giản dị tiết kiệm, cho đến bây giờ Hùng vẫn duy trì thói quen ăn uống tại nhà cùng ba mẹ.
Với sự rèn dũa nghiêm khắc từ ba mẹ Hùng khi các con còn nhỏ. Nhưng trong một gia đình có người cha là nghệ sĩ nổi tiếng, Hùng có thấy hà khắc quá không? Có bao giờ Hùng có ý nghĩ nổi loạn: Muốn làm một thứ gì khác đi? Muốn "nổi loạn" một chút?
Hùng không bao giờ có ý nghĩ rằng những gì ba mẹ đã định hướng cho sáu anh em Hùng là cứng nhắc hay cần phải làm khác đi. Hùng đã quen với lối sống mà ba mẹ định hướng cho từ nhỏ.
Trong mái ấm gia đình ấy, ba mẹ như người bạn lớn, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn với con cái, chưa bao giờ anh em Hùng phải chịu "cô đơn" trong mái ấm gia đình có ba mẹ.
Có những ngày là đắt show khủng khiếp, đi phim về đến nhà mệt lử. Thấy ba mẹ đợi cơm, lúc ấy mọi mệt mỏi dường như tan biến và bỏ bên ngoài cánh cửa. Ba Lý Huỳnh thường hay trêu chọc Hùng, hai ba con thân thiết và thường xuyên tếu táo vui đùa. Về nhà, đúng nghĩa với Hùng là về nơi bình yên, thấu hiểu, hạnh phúc.
Đã bao giờ Lý Hùng cãi lời ba mẹ để bảo vệ cái tôi của mình chưa? Khi là cậu bé Lý Hùng và sau khi chàng thanh niên Lý Hùng đóng xong bộ phim Phạm Công Cúc Hoa?
Hùng nói riêng và những người anh em trong nhà Hùng nói chung, hiếm khi cãi nhau. Còn cãi lời ba mẹ dường như không bao giờ.
Từ khi Hùng là đứa trẻ thèm được mẹ thưởng cho suất bít tết đến khi Hùng kiếm được cát sê 30 triệu/1 tập phim (vàng khi đó 1 triệu/1 cây, tương đương 2 tỷ/1 bộ phim bây giờ), Hùng luôn kính trọng và thương yêu ba mẹ, không có một phút nào thay đổi tình cảm thiêng liêng đó.
Khi rất thành công với phim ảnh và trở thành một "Bạch mã hoàng tử" giàu có, Hùng có tặng quà cho mẹ thường xuyên không?
Ngày xưa, tiền kiếm được Hùng đưa mẹ giữ hết, mà mẹ Hùng thì không thiếu tiền cả khi Hùng không đưa mẹ. Vì thế, thứ mẹ cần chỉ là lòng hiếu thảo của Hùng và anh em Hùng mà thôi. Cứ sinh nhật, Hùng lại tổ chức sinh nhật cho mẹ. Hùng nhớ, mẹ thích mặc áo có bông hoa, mà phải hoa màu đỏ.
Ngày còn ít tuổi, việc đóng phim dày đặc khiến Hùng không còn thời gian để quản lý tài chính. Mẹ chính là người tin cậy giữ cho Hùng toàn bộ tiền cát sê từ phim ảnh, ca hát... Đây là sự tự nguyện vui vẻ của Hùng chứ không có bất kỳ sự gượng ép nào.
Hiện tại do mẹ già yếu, Hùng cũng đã trưởng thành nên mẹ đã trao lại tài chính cho Hùng chủ động các công việc của mình cá nhân và đầu tư của mình.
Lý Hùng hiện tại chăm chỉ tập luyện thể thao.
Trong bộ phim "Nước mắt học trò" Hùng khi ấy 19 tuổi, lăng xê một hình ảnh cậu nam sinh mặc quần bò, áo sơ mi trắng, giày adidas rất đẹp trai và rất thời trang khi ấy. Ai là người tư vấn trang phục cho Hùng lên phim để hình ảnh đẹp ấy cũng trở thành một biểu tượng thời trang không thể nào quên trong thế hệ 7X, 8X ngày đó?
Hùng được mẹ mua quần áo và chọn đồ cho lên phim. Lúc đi đóng bộ phim ấy, Hùng vẫn chưa làm ra nhiều tiền dù đã đóng một bộ phim về học trò trước đó. Trong đầu Hùng khi đó còn non nớt, chưa có khái niệm gì về hàng hiệu đắt tiền hay bất kỳ sự xa xỉ nào.
Bộ đồ Hùng mặc trong bộ phim "Nước mắt học trò" là bộ đồ đắt tiền xa xỉ nhất mà lần đầu tiên Hùng được mẹ mua tặng: Giày adidas, quần Jean thương hiệu Hara, những mặt hàng này ngày xưa hiếm lắm.
Do mẹ buôn bán ở chợ Bến Thành (Q1, TPHCM) nên đã mua được của những người buôn là thủy thủ tàu viễn dương. Hùng cám ơn sự tinh tế và đảm đang của mẹ rất nhiều, nhờ đó vai diễn của Hùng cũng thăng hoa lên cùng diễn xuất. Thêm nữa khi diện bộ đồ vô lên phim trường, ai cũng xuýt xoa khen đẹp.
Khi bộ phim lên sóng, Lý Hùng đã gây thương nhớ trong tâm hồn những cô cậu học trò thế hệ 7X, 8X như hình mẫu của chàng "Bạch mã hoàng tử" đúng chuẩn... chàng trai trong mơ!
Ba hay mẹ là người có ảnh hưởng trong giáo dục con cái? Điều gì khiến sáu anh em nhà anh không thể nào quên trong cách rèn giũa của ba mẹ?
Anh em Hùng từ nhỏ đến lớn rất thương nhau! Buổi tiệc lễ của gia đình, sáu anh em dù bận đến đâu cũng luôn có mặt đông đủ. Kỳ nghỉ hè, gia đình luôn sắp xếp mỗi tháng đi ăn chung với nhau vài lần.
Ba mẹ luôn dạy anh em Hùng sống hướng thiện, không phô trương, giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể của mình.
Bạn đang xem: Diễn viên Lý Hùng: Từ 'cậu bé chăn lợn' đến bạch mã hoàng tử, triệu phụ nữ si mê
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- 3 'nữ hoàng ảnh lịch' đóng cặp với Lý Hùng: Đẹp và lận đận
- Ảnh hiếm Lý Hùng đóng phim cùng Quan Kế Huy - người vừa đoạt giải Oscar
- Lý Hùng tuổi 53 sống lành mạnh, chơi với thú cưng cho đỡ cô đơn
- Lý Hùng hội ngộ 3 người tình màn ảnh
- ''Nữ hoàng ảnh lịch'' Diễm Hương sau 30 năm: Xinh đẹp, có 4 con và sống tại Mỹ
- Diễm Hương của hiện tại