Điểm loạt sai phạm của các ‘ông lớn’ xăng dầu: Gian lận đại lý
Một trong những sai phạm phổ biến nhất được phát hiện sau đợt thanh tra xăng dầu ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay vừa được Bộ Công Thương công bố là việc các đầu mối lớn vi phạm trong đăng ký đại lý phân phối theo kiểu cho đủ, "vơ bèo vợt tép".
Gian dối
Theo quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối – được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu là doanh nghiệp phải có tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ (trong đó ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp); tối thiếu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ, hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Điều này khiến không ít doanh nghiệp phải tìm mọi cách, thậm chí gian dối để có đủ số đại lý, cửa hàng nhằm đạt tiêu chí hệ thống phân phối.
Điển hình của sai phạm này vừa được các đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương chỉ ra có thể kể đến các doanh nghiệp đầu mối như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh (Đà Nẵng), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (TP.HCM), hay Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát (Quảng Bình)…
Một cửa hàng của Công ty Hoà Khánh (Ảnh: Hoakhanh.vn)
Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân Ánh Sáng dù được Công ty Hoà Khánh đăng ký là hệ thống phân phối nhưng lại không cung cấp được giấy chứng nhận thể hiện thương nhân cung cấp xăng dầu là Công ty Hoà Khánh. Trong khi đó, dù Công ty Hoà Khánh có hợp đồng đại lý với Doanh nghiệp tư nhân Ánh Sáng nhưng lại không có phát sinh giao dịch mua bán xăng dầu.
Y như vậy, Công ty Vân Xuân dù cũng được kê là đại lý, song trong kỳ thanh tra (từ 1/2021-đầu tháng 2/2022), cơ quan chức năng không ghi nhận được giao dịch nào giữa doanh nghiệp này với Công ty Hoà Khánh mà Công ty Vân Xuân lại lấy hàng từ Công ty Xăng dầu Quân đội KV2.
Một trường hợp gian dối khác là Công ty Hoà Khánh khẳng định Công ty TNHH và DV Hương An (Thừa Thiên – Huế) là đại lý, nhưng qua xác minh thì công ty này đã ngừng hoạt động từ 4/2021, song Công ty Hoà Khánh không thực hiện đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối. Do đó, Đoàn Thanh tra nhấn mạnh “đủ cơ sở xác định Công ty Hoà Khánh đã có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương”.
Nhiều đại lý rời đi
Tương tự, vi phạm này cũng rất điển hình tại một “ông lớn” khác là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra). Theo đó, nhiều đại lý đã không còn trong hệ thống phân phối của Satra. Ví dụ như Công ty TNHH Lê Hồng Thư là đại lý của Công ty TNHH MTV Kho vận xăng dầu Tây Nam. Hay Công ty TNHH Dương Anh Thư lại có hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với đơn vị khác.
Hoặc qua xác minh của Sở Công Thương Bình Dương cho thấy, Công ty TNHH Nam Thái Bình lại lấy xăng dầu của một doanh nghiệp khác tại tỉnh này. Còn theo Sở Công Thương Lâm Đồng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý là Công ty TNHH Xuân An lại có nhà cung cấp khác là Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu xăng dầu Nhà Bè VT chứ không phải là Satra.
Do đó, thanh tra cho rằng: “Công ty Satra chưa có đủ tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ”.
Tại Công ty Xuyên Việt Oil là trường hợp với đại lý Công ty Đại Đồng Xuân. Theo đó, vào tháng 11/2021, Xuyên Việt Oil đã có văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nhưng vẫn thực hiện đăng ký hệ thống đại lý và hệ thống phân phối của Công ty cho Công ty Đại Đồng Xuân. “Điều này là không đúng quy định”, Bộ Công Thương khẳng định đồng thời kết luận Công ty Xuyên Việt chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu). Bên cạnh đó, năm 2021, đầu mối này cũng không đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với cơ quan quản lý.
Cá biệt, có doanh nghiệp đầu mối chỉ có 7 cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối như trường hợp của Công ty Xăng dầu Hưng Phát có địa chỉ đăng ký tại tỉnh Quảng Bình.
“Công ty không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu” và cũng “không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối theo quy định”, kết luận nêu.
Tại các kết luận thanh tra, Bộ trưởng Công Thương liên tục nhắc đi nhắc lại việc giao cho Vụ Thị trường trong nước chủ trì có biện pháp tăng cường phối hợp, quản lý cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và việc đăng ký, giám sát hệ thống phân phối xăng dầu của các thương nhân phân phối.
Bạn đang xem: Điểm loạt sai phạm của các ‘ông lớn’ xăng dầu: Gian lận đại lý
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Được Bộ Công Thương đề nghị điều hành giá xăng, Bộ Tài chính 'từ chối'
- Giá xăng bất ngờ tăng thêm 1.000 đồng/lít, ngay trong khoảnh khắc giao thừa
- Giá vàng hôm nay 24/12: Nhà đầu tư thận trọng
- Gần 20 triệu đồng/đôi, đại gia vẫn không ngại xuống tiền để sở hữu loại gà 'hàng độc' chỉ ngắm chứ chẳng dám ăn
- Cây táo nghìn quả đắt hàng, dân buôn bán vài nghìn chậu
- Chiêm ngưỡng bộ 3 “báu vật cổ” trị giá hàng chục tỷ đồng của đại gia Hải Dương