Đi khám da liễu vì ngứa ngáy, chẩn đoán của bác sĩ gây bất ngờ
Người phụ nữ đi khám ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM vì ngứa ngáy và nhiều vết loét khắp người. Bác sĩ phát hiện chị bị bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn lo âu, đái tháo đường.
Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết thời gian qua cơ sở này đã tiếp nhận các bệnh nhân gặp vấn đề về da liễu nhưng lại do nguyên nhân tâm thần kinh.
Điển hình là trường hợp một phụ nữ 30 tuổi nhập viện vì ngứa và có nhiều vết loét rải rác cơ thể. Bệnh nhân cho biết đã mắc bệnh khoảng 2 năm. Ban đầu, tình trạng ngứa ngáy chỉ tập trung ở 2 chân và đi kèm với các vết loét da đóng mài. Bệnh nhân được điều trị viêm da cơ địa nhưng không giảm, ngứa và loét da lan khắp người.
Khai thác bệnh sử cho thấy người phụ nữ bị đái tháo đường 8 năm nhưng bỏ điều trị khoảng một năm nay. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giảm cảm giác sờ chạm và giảm cảm giác nhiệt ở hai chân, phù hợp với tình trạng bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Ngoài ra, bà còn mắc chứng rối loạn lo âu.
Người bệnh chờ khám da liễu tại TP.HCM. Ảnh: GL.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Trinh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, lý giải bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường cùng rối loạn lo âu thúc đẩy người phụ nữ cào gãi và móc da, tạo thành các vết loét.
Theo bác sĩ Trinh, ngứa là than phiền thường gặp của bệnh nhân da liễu nhưng có khoảng 8% bị ngứa mạn tính không có bất kỳ sang thương da nguyên phát nào, đặc biệt là ngứa mạn tính do tâm thần - tâm lý. Điều này gây bối rối và khó khăn cho bác sĩ da liễu, đôi khi có thể làm chậm trễ điều trị và chẩn đoán.
Do đó, đối với ngứa mạn tính, bác sĩ da liễu trước tiên sẽ khám da toàn diện và cẩn thận để tìm các sang thương da nguyên phát. Trong trường hợp bệnh nhân ngứa nhưng không có bất kỳ tổn thương da nào, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu tổng quát để loại trừ các nguyên nhân bệnh nội khoa - hệ thống gây ngứa như xơ gan ứ mật, suy thận mạn, cường giáp…
Khi các cận lâm sàng không tìm thấy bất thường, cần nghi ngờ ngứa mạn tính do nguyên nhân tâm thần kinh và tìm qua các dấu hiệu gợi ý.
Cụ thể, nếu ngứa do thần kinh, cơn ngứa thường khu trú, đi kèm tình trạng dị cảm, mất cảm giác nhiệt hay sờ chạm... Cơn ngứa xảy ra kịch phát và giảm khi chườm mát.
Nếu ngứa do tâm thần - tâm lý, cơn ngứa thường trùng lặp với các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống, ngứa tăng lên về đêm; bệnh nhân có tiền căn mắc các rối loạn tâm thần hoặc sử dụng chất kích thích.
Theo Vietnamnet
Bạn đang xem: Đi khám da liễu vì ngứa ngáy, chẩn đoán của bác sĩ gây bất ngờ
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Món ăn vặt hỗ trợ phòng ngừa ung thư và đái tháo đường: Cần ăn đúng cách để tránh tác dụng ngược
- Bộ phận này trên cơ thể bị quá tải, nguy cơ mắc đái tháo đường càng cao
- Bé trai mệt, nôn ói, vào viện phát hiện đái tháo đường
- 6 loại trà giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết
- 11 đồ uống giúp ổn định đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
- Người bệnh đái tháo đường bị nhiễm trùng, hoại tử bàn chân do tự ý dùng thuốc