Dấu hiệu cảnh báo ung thư gan ở trẻ em
Ung thư gan ở trẻ em là bệnh lý hiếm gặp và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đa số trẻ sống sót sau khi được phẫu thuật hoặc ghép gan.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ở trẻ em, 2 loại ung thư gan hay gặp là u nguyên bào gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
Các giai đoạn
Unguyên bào gan là loại ung thư gan phổ biến nhất ở trẻ em. U nguyên bào gan (hepatoblastoma) là ác tính gây bệnh ung thư gan ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Khối u gồm các mô giống tế bào gan của thai nhi, tế bào gan trưởng thành hoặc tế bào ống mật.
Nó thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Trong khi đó, ung thư biểu mô tế bào gan thường ảnh hưởng đến trẻ lớn và thanh thiếu niên. Nó phổ biến hơn ở các khu vực châu Á có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao.
Với trẻ bị u nguyên bào gan, các khối u ác tính thường xuất hiện ở trẻ trong 3 năm đầu đời. Chúng bắt đầu ở thuỳ phải của gan và sau đó di căn đến phổi.
Một bé trai mắc ung thư được điều trị ở khoa Ung thư nhi,Bệnh
viện Raymond Poincare, Garches, Pháp. Ảnh: UIG.
Ung thư gan ở trẻ em được chia thành 5 giai đoạn, phụ thuộc vào triển vọng điều trị. Trong đó:
- Ung thư gan giai đoạn I: Ung thư có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.
- Ung thư gan giai đoạn II: Hầu hết khối u ác tính có thể được loại bỏ trong một cuộc phẫu thuật nhưng một lượng rất nhỏ tế bào ác tính vẫn còn sót lại trong gan sau đó.
- Ung thư gan giai đoạn III: Khối u có thể được loại bỏ trong một cuộc phẫu thuật, nhưng một số vẫn còn sót lại ở bụng hoặc hạch bạch huyết.
- Ung thư gan giai đoạn IV: Ung thư đã di căn từ gan đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Ung thư gan tái phát: Bệnh nhi tái phát sau khi được điều trị với các khối u xuất hiện ở trong gan hoặc bộ phận khác trong cơ thể.
Các số liệu thống kê cho thấy 1/5 trẻ có khối u nguyên bào gan có thể phải ghép gan. Đây là tình trạng chiếm 7,5% tổng số ca ghép gan ở trẻ em. 80% trẻ được điều trị bằng ghép gan sống thêm hơn 20 năm mà không bị tái phát nếu khối u chỉ giới hạn trong gan.
Tuy nhiên, ở trẻ em hơn 11 tuổi, tình trạng thường gặp là dạng ung thư biểu mô tế bào gan. Đây là dạng ung thư gan thường phát triển đa ổ, xâm lấn rất mạnh và không nhạy với thuốc hóa trị. Bệnh thường có diễn biến xấu tương tự ung thư gan nguyên phát ở người lớn. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân sống thêm được 5 năm sau điều trị.
Sau khi được ghép gan, 16% trẻ em nguy cơ tái phát bệnh. Các đợt tái phát thường xuất hiện trong 2 năm đầu tiên và hiếm khi xảy ra sau đó. U nguyên bào gan thường lây lan đến phổi. Đặc biệt, ngay cả khi nó di căn, phẫu thuật hoặc hóa trị trước khi cấy ghép cũng có thể chữa khỏi cho 50% trẻ em mắc ung thư gan đã di căn.
Triệu chứng ung thư gan ở trẻ em
Theo Bệnh viện Nhi UPMC, thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, Mỹ, tỷ lệ mắc ung thư gan ở trẻ em rất hiếm, chiếm khoảng 2-3 ca trên một triệu trẻ. Nó thường biểu hiện dưới dạng khối u ở bụng gây đau, khó chịu. Một số trường hợp khối u xuất hiện ở trẻ sinh non. Các khối u nguyên bào gan có thể loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc ghép gan.
Các triệu chứng ung thư gan ở trẻ em thường mơ hồ và không được chú ý. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện đã muộn, khối u ác tính di căn đến phổi và một số cơ quan khác.
Các chuyên gia cho hay ung thư gan ở trẻ em có thể gây ra những triệu chứng như: Chán ăn, giảm cân không lý do, sốt, mệt mỏi, yếu, đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu, vàng da, mắt.
Các triệu chứng này cũng có thể xuất phát từ những vấn đề sức khỏe khác. Phụ huynh nếu phát hiện trẻ có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào nên cho con đi khám.
Trẻ em từ 11 tuổi trở lên mắc ung thư gan thường là dạng ung
thư biểu mô tế bào gan. Chỉ 20% bệnh nhi sống thêm được 5 năm sau
khi có chẩn đoán mắc bệnh. Ảnh: iStock.
Trẻ nào có nguy cơ mắc ung thư gan?
Ngoài 2 loại phổ biến, ung thư gan ở trẻ em cũng có một số dạng hiếm gặp hơn.
- Sarcom phôi không biệt hóa của gan: Loại ung thư này là u trung mô ác tính hiếm gặp. Lứa tuổi hay gặp là 6-10 tuổi, chiếm đến 90%, bệnh hiếm gặp ở người lớn. Theo các điều tra dịch tễ, sarcom phôi không biệt hóa của gan chiếm 9-15% u gan ở trẻ em. Bệnh được mô tả lần đầu tiên bởi Stocker và cộng sự vào năm 1978.
- Ung thư biểu mô gan ở trẻ sơ sinh: Đây là khối u rất hiếm gặp, bắt đầu từ nhau thai và di căn sang thai nhi. Khối u thường được tìm thấy trong vài tháng đầu tiên của cuộc đời trẻ sơ sinh. Ngoài ra, bà mẹ cũng có thể được chẩn đoán mắc ung thư đường mật.
- Các khối u gan mạch máu: Những khối u này hình thành trong gan từ các tế bào tạo thành mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Các khối u gan mạch máu có thể lành tính hoặc ác tính.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư gan ở trẻ em gồm: Hội chứng aicardi, hội chứng Beckwith-Wiedemann, hội chứng Simpson-Golabi-Behmel, bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP), bệnh dự trữ glycogen, trẻ nhẹ cân khi mới sinh, tăng huyết áp hoặc một số thay đổi di truyền nhất định (ví dụ ở rối loạn nhiễm sắc thể trisomy 18).
Trẻ em có nguy cơ bị u nguyên bào gan nên được tầm soát trước khi có bất kỳ triệu chứng nào. Các chuyên gia khuyến cáo từ khi chào đời đến lúc 4 tuổi, các bé cần được siêu âm ổ bụng, kiểm tra nồng độ alpha-fetoprotein trong máu 3 tháng/lần.
Bạn đang xem: Dấu hiệu cảnh báo ung thư gan ở trẻ em
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Phát hiện mới về loại đồ uống làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan
- Những thói quen 'giết gan' nhanh khủng khiếp, nhiều người Việt làm hằng ngày
- Bé gái 10 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối chỉ vì 1 món đồ ăn nhanh hiếm người trẻ nào không thích
- Các dấu hiệu ở tay cảnh báo tim bất ổn
- Gia đình 3 người lần lượt mắc ung thư gan, bác sĩ tức giận 'tố cáo' 2 loại thực phẩm trong tủ lạnh chính là thủ phạm
- Thói quen nấu nướng tăng nguy cơ ung thư