Đau đầu nhưng uống thuốc không đỡ là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm
Dị dạng mạch máu não nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây vỡ mạch máu não, để lại di chứng tổn thương đáng tiếc, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
BSCKI Nguyễn Mạnh Linh, khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết gần đây, cơ sở y tế này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trẻ tuổi, phải mổ cấp cứu do vỡ dị dạng mạch não. Ca bệnh trẻ nhất bác sĩ Linh điều trị mới 16 tuổi.
Dị dạng mạch máu não (Arteriovenous malfor - mations of the brain - AVM) là sự bất thường về hình dạng, kích thước mạch máu hoặc nối thông trực tiếp động tĩnh mạch mà không thông qua mao mạch, không cấp máu cho não. Đây là căn bệnh bẩm sinh và rất nguy hiểm. Dị dạng mạch máu não có thể xuất hiện từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 thai kỳ hoặc tự hình thành trong cuộc sống.
Theo bác sĩ Mạnh Linh, căn bệnh này chiếm khoảng 2% những ca đột quỵ, xuất huyết não hàng năm, thường xảy ra ở người trẻ tuổi mà trước đó không có nhiều triệu chứng đặc hiệu. Bệnh nhân thường vào viện với các triệu chứng của xuất huyết não, đau đầu, động kinh hoặc tình cờ phát hiện khi đi khám, điều trị một bệnh khác.
"Triệu chứng gợi ý thường là đau đầu kéo dài mà điều trị nội khoa không có sự cải thiện. Về sau, người bệnh xuất hiện những cơn co giật do động kinh. Với những trường hợp dị dạng mạch máu não với khối dị dạng có kích thước lớn có thể gây liệt tay chân, méo miệng…", bác sĩ Linh cho hay.
Bệnh nhân thường vào viện với các triệu chứng của xuất huyết
não, đau đầu, động kinh hoặc tình cờ phát hiện khi đi khám, điều
trị một bệnh khác. Ảnh: Energykinesio.
Dị dạng mạch máu não nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây vỡ mạch máu não, để lại di chứng tổn thương não đáng tiếc, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh cho hay nhiều trường hợp xuất hiện đau đầu chỉ điều trị qua loa, dùng thuốc giảm đau hoặc chẩn đoán điều trị thần kinh. Dị dạng mạch máu não không điều trị có thể lớn lên và vỡ, gây xuất huyết não hoặc xuất huyết khoang dưới nhện, dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
Việc chẩn đoán dị dạng mạch máu não được thực hiện bằng chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI sọ não); cắt lớp vi tính (MSCT) từ 64 lát cắt chụp sọ não và mạch máu não có tiêm thuốc cản quang; chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) để đánh giá chi tiết hình thái cấu trúc dị dạng mạch máu não đồng thời có thể điều trị can thiệp.
Vị chuyên gia này cho hay dự phòng vỡ hoặc tái vỡ là một trong những lý do chủ yếu để khuyến cáo điều trị can thiệp sớm đối với dị dạng mạch máu não. Việc khảo sát mạch máu não khi xuất hiện những cơn đau đầu kéo dài hoặc cơn động kinh mà điều trị nội khoa không cải thiện triệu chứng là cần thiết. Đến nay, để điều trị dị dạng mạch máu não, bác sĩ thường can thiệp nội mạch gây tắc búi dị dạng, phẫu thuật lấy dị dạng, xạ trị Gamma knife.
"Các trường hợp có đau đầu kéo dài, dùng thuốc giảm đau thông thường không kết quả cần được thăm khám một cách có hệ thống. Chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán sớm và loại trừ những trường hợp đau đầu chưa rõ nguyên nhân khác. Điều trị dị dạng mạch não phải được tiến hành ở các đơn vị y tế chuyên sâu", bác sĩ Linh khuyến cáo.
Theo Zing
Bạn đang xem: Đau đầu nhưng uống thuốc không đỡ là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Viêm phổi do virus adeno có thể trở thành dịch, tăng lên sau dịch sởi, cúm
- Nguy cơ đóng cửa bệnh viện đầu ngành vì hết thuốc tê
- Virus Adeno có thể gây dịch bệnh mới không?
- Bé sốt cao mấy ngày không khỏi, mẹ bàng hoàng khi biết con nhiễm virus Adeno
- 4 loại thực phẩm quen thuộc giúp tăng cường sức khỏe tim mạch
- Ngày 16/9, Việt Nam thêm 3.080 ca COVID-19, số ca khỏi bệnh lập kỉ lục trong những tháng qua