Đảo lộn cuộc sống vì mắc bệnh hiếm gặp sau chuyến du lịch
Cuộc sống của Tess Swift (Australia) biến thành cơn ác mộng kể từ khi cô mắc một loại ký sinh trùng hiếm gặp trong kỳ nghỉ cùng gia đình ở Thái Lan.
Tess khốn khổ vì mắc bệnh sau chuyến du lịch Thái Lan.
Khi đi nghỉ cùng gia đình ở Thái Lan vào năm 2015, Tess Swift 20 tuổi, sắp hoàn thành chương trình học điều dưỡng và rất hào hứng với tương lai. Cô không hề biết rằng kỳ nghỉ đó, cùng một loại ký sinh trùng hiếm gặp đeo bám cơ thể cô cho đến 7 năm sau, sẽ biến cuộc đời cô trở thành cơn ác mộng, theo News.com.au.
"Con bé luôn muốn trở thành một y tá song cuối cùng phải làm bệnh nhân trong suốt thời gian dài ở nhiều bệnh viện khác nhau", bà Virginia Dickson-Swift, mẹ Tess, nói.
Trở về Australia sau kỳ nghỉ vui vẻ, Tess bắt đầu cảm thấy không khỏe nhưng nghĩ rằng có thể do đã ở nước ngoài và ăn nhiều món khác nhau. Sau vài tuần, cô phải vào khoa cấp cứu và cắt bỏ ruột thừa song đây vẫn không phải căn nguyên của các triệu chứng.
Hai, ba ngày sau, cô trở lại bệnh viện với các triệu chứng tương tự và cơn ác mộng bắt đầu. Tess ra vào bệnh viện trong nhiều năm, phải từ bỏ công việc y tá ở Melbourne và chuyển về sống với cha mẹ tại Ocean Grove chỉ trong vòng sáu tháng.
Tess cùng gia đình du lịch Thái Lan vào năm 2015.
Ngày 10/1 vừa qua, cô gái hiện 28 tuổi trải qua ca phẫu thuật mới nhất để khắc phục các vấn đề liên quan đến ống dẫn thức ăn.
"Từ năm 2015 đến 2018, tôi rất ốm yếu, ra vào phòng cấp cứu liên tục cũng như các phòng khám chuyên khoa khác. Về cơ bản, không ai hiểu được điều gì đã xảy ra với tôi, mọi phương pháp điều trị thử đều không giúp tôi khá hơn".
Năm 2018, Tess lần đầu được đặt ống truyền thức ăn sau khi ống tiêu hóa bị tê liệt một phần. 2019 là năm cô yếu nhất và phải nằm viện hơn 6 tuần. Việc xét nghiệm để xác định bệnh cũng gặp trở ngại trong thời gian đại dịch.
Đến tháng 11/2022, gia đình Tess bất ngờ nhận được câu trả lời mong mỏi bấy lâu qua thư từ Bệnh viện Alfred. Cô gái có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh giun đầu gai, do một loại ký sinh trùng hiếm gặp gây ra.
"Vì ký sinh trùng đã sống trong cơ thể tôi nhiều năm nên gây ra nhiều tổn thương. Hiện bác sĩ không có cách nào phục hồi những dây thần kinh bị tổn thương nên các biến chứng sẽ theo tôi suốt đời trừ khi tìm được phương pháp điều trị mới hiệu quả".
Cô gái phải từ bỏ công việc y tá vì bệnh tật.
Hiện, Tess phải sống với chứng buồn nôn mạn tính, đau mạn tính đồng thời được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm nghiêm trọng và PTSD.
"Việc ra vào bệnh viện liên tục và đảo lộn cuộc sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần tôi. Căn bệnh đã hủy hoại cuộc đời tôi. Khi đó, tôi mới chỉ 20 tuổi, phải bỏ lỡ rất nhiều điều".
Bên cạnh đó, việc điều trị trong nhiều năm khiến tình hình tài chính gia đình Tess ảnh hưởng nặng nề. Từ cuối năm 2020, Tess bắt đầu có thể trở lại làm việc với công việc chăm sóc người khuyết tật trong khi tiếp tục điều trị bệnh.
Cô chia sẻ câu chuyện của mình để giúp nâng cao nhận thức về loại ký sinh trùng hiếm gặp và khuyến khích mọi người “tiếp tục chiến đấu” để tìm câu trả lời khi bản thân cảm thấy không khỏe.
Bạn đang xem: Đảo lộn cuộc sống vì mắc bệnh hiếm gặp sau chuyến du lịch
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Căn bệnh hiếm gặp, thế giới có vài ca gồm một người Việt Nam
- Bệnh hiếm khiến bé gái 1 ngày tuổi hẹp đường thở, suy hô hấp
- Bác sĩ nhắc nhở 6 món hải sản có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng
- Phát hiện ký sinh trùng trong khối u trên má sau khi bị muỗi đốt
- 8 loại rau dễ ẩn chứa ký sinh trùng nhất, cần lưu ý khi ăn
- Tìm thấy ký sinh trùng phá huỷ gan có thể lây sang người