'Con bầu 7 tháng rồi, chỗ nào phá thai kín đáo cô ơi?'
Nhiều cô gái trẻ, nhất là thiếu nữ vị thành niên, khi có thai ngoài ý muốn gọi điện đến phòng tư vấn tâm lý nhưng không phải do day dứt, tự vấn... mà để hỏi chỗ nào phá thai kín đáo nhất.
"Con bầu gần 7 tháng rồi. Chỉ giúp con chỗ nào phá thai thật kín đáo cô ơi!". Cô gái trẻ 16 tuổi gọi điện đến một trung tâm tư vấn tâm lý cộng đồng ở TPHCM khi mang thai ngoài ý muốn. Em gọi đến không phải để nhờ hỗ trợ hay tư vấn tâm lý mà chỉ mong muốn tìm được chỗ... phá bỏ cái thai đã quá lớn.
Một trẻ sơ sinh được cứu sống thần kỳ khi bị bỏ ở tuần 31 (Ảnh: Minh Nhật).
Chuyên viên tư vấn cúp máy khóc nức nở
Một chuyên viên tâm lý tại trung tâm này cho biết, nhiều năm qua những người phụ trách đường dây đã tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi của các bạn gái trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên còn đi học mà lỡ có bầu.
Những tưởng rằng trong lúc bấn loạn đó, các em còn nhớ gọi đến tư vấn tâm lý để tìm sự an ủi, chia sẻ và hỗ trợ từ các chuyên gia. Nhưng không, hầu hết các em chỉ quan tâm đến việc tìm một chỗ nào kín đáo để bỏ thai, thậm chí có em còn tìm "nơi nào phá thai giá rẻ, chứ con không có tiền".
Rất ít, rất hiếm trường hợp quan tâm đến việc bây giờ nên làm thế nào thì tốt nhất, chưa nói đến việc cân nhắc giữ lại thai nhi hay không. Các em chỉ muốn làm sao giải quyết cái bụng đang lùm xùm thật nhanh, rất ít em lăn tăn về hậu quả của việc phá thai.
Nữ chuyên viên trung tâm tư vấn tâm lý kể lại trường hợp một nữ sinh cấp 3 gọi đến khi thai cũng đã qua tháng thứ 6. Dù đã chia sẻ mong muốn thiếu nữ ấy tìm những phương án khác nhưng sau đó bà được biết, bố mẹ em đã đưa con về quê nhờ một "bà mụ" bỏ thai theo phương pháp thủ công.
"Nhiều ca, sau khi cúp máy, tôi khóc nức nở vì mình không thể làm điều gì hơn cho các em. Có em thai đã tháng thứ 6, thứ 7 vẫn quyết tâm bỏ bằng được, rất kinh khủng, nguy hiểm", nữ nhân viên cho biết.
Từ những trường hợp mình tiếp cận, chuyên viên tâm lý này sửng sốt trước kiến thức giới tính của các bạn trẻ. Tưởng rằng kiến thức giờ đây phủ khắp nơi, chỉ cần một cái nhấp chuột là có tất cả nhưng thật ra các em không biết gì hoặc biết rất bập bõm, ngô nghê. Có em không biết kiến thức cơ bản nhất là có quan hệ tình dục, mất kinh nguyệt là dấu hiệu cơ bản của việc có thai nên để thai lớn qua nhiều tháng trời. Có em bụng vượt mặt vẫn khăng khăng mình ăn nhiều nên mập lên.
Phá thai để lại những hậu quả nặng nề trên thân thể và tâm lý nữ giới (Ảnh minh họa).
Một điều đáng suy nghĩ khác là hầu như bố mẹ các em không hề biết đến việc con mình đã mang thai nhiều tháng. Khi gặp sự việc, cũng rất hiếm em chia sẻ với gia đình mà chủ yếu tự tìm nơi giải quyết. Nhiều ca bố mẹ chỉ biết sự thật khi cái thai lớn, các em không thể giấu.
Con gái phá thai "chui", bố mẹ đi tìm mới biết con ở nhà xác
Cô gái 18 tuổi mất mạng vì phá thai "chui" là chuyện đau lòng được Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ kể lại khi cảnh báo về tình trạng phá thai không an toàn, nhất là trong giới trẻ.
Cô gái trẻ đó sau khi phá thai "chui" bên ngoài được đưa bạn trai đưa vào bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch như bị nhiễm trùng, thủng tử cung, đầy mủ trong ổ bụng... Các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật cắt tử vong với hy vọng giữ được tính mạng cho nạn nhân nhưng cô vẫn không qua khỏi. Cậu bạn trai của cô bé lúc đó sợ quá, bỏ trốn mất tăm.
Đau đớn tận cùng là gia đình cô gái không hề hay biết. Không thấy con về, bố mẹ đi tìm mới biết con gái đang nằm ở nhà xác bệnh viện.
Trên thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp mất mạng, suýt mất mạng liên quan đến việc phá thai. Theo các chuyên gia y tế, việc phá thai, đặc biệt là phá thai lớn cực kỳ nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng. Trong khi nhiều bạn trẻ không biết mình mang thai hoặc biết mà tìm cách giấu nên khi được phát hiện thì thai đã lớn.
TPHCM là nơi có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất cả nước. May mắn, ít năm gần đây, tỷ lệ phá thai ở thành phố lớn nhất cả nước đang có xu hướng giảm.
Theo số liệu từ Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM, năm 2017, tỷ số nạo phá thai của TP HCM là 42,1/100 ca. Đến năm 2021, tỉ lệ này giảm còn 29,03/100 ca. Cùng với đó, tỉ lệ phá thai của người chưa thành niên giảm từ 2,6% (năm 2017) xuống còn 1,72% (năm 2021).
Số liệu từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) thấy tỷ lệ phá thai ở Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Tỷ lệ này giảm mạnh từ 37 ca trên 100 trẻ đẻ sống năm 2005 xuống còn 10 ca trên 100 trẻ đẻ sống năm 2021. So sánh với giai đoạn 1990-1995, trung bình cứ một ca đẻ có một ca phá thai. Hiện nay, 10 ca đẻ mới có một ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400.000 ca năm 2010 xuống dưới 200.000 ca (2019).
Báo cáo thống kê chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cũng cho thấy tỷ lệ mang thai vị thành niên và phá thai ở lứa tuổi này đều có xu hướng giảm.
Cụ thể, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên giảm từ hơn 62.000 ca năm 2010 (2,9%) xuống còn 55.000 ca năm 2019 (2,4%). Tỷ lệ phá thai của vị thành niên giảm từ xấp xỉ 9.100 ca (2,2%) xuống còn 2.300 ca (1,3%) từ năm 2010 đến 2019.
Bác sĩ bệnh viện Hùng Vương sau một ca mổ (Ảnh: Hoàng Lê).
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù có giảm nhưng tỷ lệ phá thai ở Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức cao, nhất là khi các thống kê chưa thu thập được số liệu về thực trạng phá thai tại các cơ sở tư nhân. Đi cùng đó, không thiếu những câu chuyện đau lòng vì vấn nạn phá thai, nhất là ở độ tuổi vị thành niên.
Bạn đang xem: 'Con bầu 7 tháng rồi, chỗ nào phá thai kín đáo cô ơi?'
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe