Chuyển đổi phương tiện giao thông điện tại Việt Nam: Cách nào thúc đẩy?

Sáng 11/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện" nhằm đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh...

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô tô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia mà việc áp dụng lộ trình phát triển ôtô điện là khác nhau.
Với Việt Nam, việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu chúng ta đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
Chuyen doi phuong tien giao thong dien tai Viet Nam: Cach nao thuc day?
Toàn cảnh buổiHội thảo quốc tế "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện".
Tương tự các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua Việt Nam đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải, bên cạnh cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, như: thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; giá thành phương tiện cao; còn thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ, …
Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, thời gian qua Bộ GTVT đã và đang tích cực rà soát, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong giao thông vận tải.
Tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe ô tô điện với một khung chính sách toàn diện, bao gồm: chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng; chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện... Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện, như: (01) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, (02) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ…
Chuyen doi phuong tien giao thong dien tai Viet Nam: Cach nao thuc day?-Hinh-2
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.
"Bộ GTVT luôn trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp góp phần thực hiện việc chuyển đổi năng lượng xanh đối với các loại hình phương tiện vận tải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.
Chúng tôi đánh giá cao Báo Giao thông đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo hôm nay để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các quy định, chính sách hiện có, đồng thời bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Harverman - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, sự gia tăng nhanh và mở rộng cho các chủng loại phương tiện đặt ra nhiều thách thức quan trọng như gia tăng nhu cầu đối với các loại chất hiếm, áp lực quá tải lưới điện. Khung chính sách cần đảm bảo khuyến khích các chuyển đổi sử dụng xe điện, đồng thời thúc đẩy chia sẻ kiến thức và thúc đẩy trách nhiệm môi trường, xã hội trong khai thác nguồn vật liệu hiếm.
Chuyen doi phuong tien giao thong dien tai Viet Nam: Cach nao thuc day?-Hinh-3
Ông Patrick Harverman - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất xe điện nội địa. Chính phủ vẫn cần đẩy nhanh chính sách cơ bản như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặc thù, có thể giúp chính phủ Việt Nam đạt vượt mức các mục tiêu của mình.
Cùng đó, cần giảm chi phí của phương tiện điện thông qua phương thức hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nhiều lựa chọn chính sách khác nhau như giảm thuế, các khoản vay lãi suất thấp và trợ giá mua hàng. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và xe buýt điện.
Ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát biểu tại hội thảo, tại Việt Nam, hiện có 5 triệu xe ô tô với tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm, trong đó, số lượng ô tô điện tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Đến nay có 20.065 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp (SXRL) và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. Ngoài 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện là VinFast và Công ty CP ô tô TMT trong nước, một số công ty, tập đoàn cũng đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới SXLR tại Việt Nam thời gian tới.
Chuyen doi phuong tien giao thong dien tai Viet Nam: Cach nao thuc day?-Hinh-4
Ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.
Theo ông Chung, hiện nay, Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện, một số chính sách hỗ trợ tương đương hoặc thậm chí cao hơn một số nước trong khu vực. Các chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô điện của Việt Nam đang tập trung vào dòng xe điện chạy pin thông qua các ưu đãi về thuế dành cho cả doanh nghiệp sản xuất xe điện (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp ...) cũng như trong việc hỗ trợ cho người sử dụng xe điện được sử dụng xe điện với chi phí thấp hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ).
Phân tích cơ hội và khó khăn, thách thức để phát triển hệ sinh thái xe điện ở Việt Nam, ông Chung đề xuất 4 nhóm chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, bao gồm: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; Phát triển hạ tầng trạm sạc điện; Khuyến khích phát triển VTHKCC sử dụng điện.
>>> Xem thêm video:Cận cảnh xe điện gấp gọn của Honda vừa ra mắt, chỉ to cỡ vali xách tay

Thảo Nguyễn

Bạn đang xem: Chuyển đổi phương tiện giao thông điện tại Việt Nam: Cách nào thúc đẩy?

Chuyên mục: Xe

Chia sẻ bài viết