Chưa từng hút có thể ung thư phổi vì khói thuốc: 'Thủ phạm' ẩn quanh mỗi người
Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra một yếu tố khác ngoài thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Điều này lý giải tại sao nhiều người không hút thuốc mà vẫn mắc ung thư.
Không ai miễn nhiễm với ung thư
Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra cách mà ô nhiễm không khí gây ra ung thư phổi. Đây là một trong những phát hiện mang tính đột phá, đánh dấu bước ngoặt trong việc nghiên cứu về ung thư. Nghiên cứu giúp lý giải nguyên do tại sao nhiều người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn mắc ung thư phổi.
Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Francis Crick tại London, Anh phát hiện ra rằng thay vì gây tổn hại trực tiếp đến các tế bào, ô nhiễm không khí sẽ thúc đẩy các đột biến gen và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Giáo sư Charles Swanton, Viện nghiên cứu Francis Crick, Anh, người phụ trách nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã thay đổi góc độ tiếp cận với những ca mắc ung thư phổi nhưng chưa bao giờ hút thuốc lá”.
Ảnh minh hoạ: Ô nhiễm không khí sẽ thúc đẩy các đột biến gen và
làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Cụ thể, trong một nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của giáo sư Swanton đã chỉ ra rằng khi tiếp xúc với các hạt bụi siêu mịn PM2.5 trong không khí ô nhiễm, những con chuột có nguy cơ cao mang đột biến trong gen EGFR và gen KRAS, cả hai gen đều có liên quan đến ung thư phổi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ rằng các hạt bụi siêu mịn PM 2.5 còn có thể kích thích giải phóng một loại chất trung gian gây viêm là interleukin-1 beta (IL1B) như một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, khi những con chuột được cho uống thuốc ức chế interleukin-1 beta (IL1B), chúng sẽ chịu ít tổn thương do các chất ô nhiễm trong không khí gây ra. Giáo sư Swanton cho biết phát hiện này có thể mở đường cho một nghiên cứu khác để phát triển một loại thuốc mới giúp ngăn ngừa ung thư.
Không chỉ vậy, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phân tích 250 mẫu mô phổi của những người không bao giờ hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với chất độc hại trong môi trường ô nhiễm nặng. Kết quả cho thấy, mặc dù phổi của họ khỏe mạnh nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đột biến trong gen EGFR chiếm tỉ lệ 18% và đột biến trong gen KRAS chiếm tỷ lệ 33% trong tổng số mẫu.
Tuy nhiên, các đột biến trong gen này cũng có thể tăng lên là do quá trình lão hoá. Điều này cho thấy tất cả chúng ta đều có nguy cơ mang các đột biến gen và chúng đều có khả năng trở thành các tế bào ung thư nếu chúng ta tiếp xúc thường xuyên và liên tục với không khí ô nhiễm do khói xe và khói từ các dạng nhiên liệu hóa thạch khác như than, dầu, khí đốt....gây ra.
Ảnh minh hoạ: Thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm do
khói xe và khói từ các dạng nhiên liệu hóa thạch khác như than,
dầu, khí đốt....gây ra làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí và ung thư phổi
Đa số mọi người đều biết rằng hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây ung thư phổi. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới đây giúp làm rõ thêm nguyên nhân mắc ung thư phổi của những người chưa bao giờ hút thuốc lá.
Giáo sư Swanton cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định được cơ chế hình thành khối u ở phổi, từ đó nó có thể giúp chúng tôi tìm ra những cách tốt hơn để ngăn ngừa và điều trị ung thư phổi ở những người chưa từng hút thuốc lá".
Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có liên quan đến ung thư phổi nhưng mọi người hầu như đã bỏ qua yếu tố này vì trước đó cơ chế gây ung thư phổi của nó chưa được chứng minh rõ ràng.
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Francis Crick phát hiện ra rằng tại Anh, ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao ghi nhận nhiều ca mắc ung thư phổi không do hút thuốc hơn.
Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 1/10 các ca mắc ung thư phổi ở Anh và gây ra hơn 6.000 ca tử vong do ung thư phổi ở những người chưa bao giờ hút thuốc lá tại quốc gia này. Trên phạm vi toàn cầu, khoảng 300.000 ca tử vong do ung thư phổi vào năm 2019 được cho là do tiếp xúc với các hạt siêu mịn PM2.5 có trong không khí ô nhiễm.
Giáo sư Swanton nói thêm: “Nghiên cứu như một lời cảnh tỉnh về tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người. Do đó, nếu muốn giải quyết vấn đề sức khỏe của con người, trước hết chúng ta cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Giáo sư Tony Mok tại Đại học Hong Kong, Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và ung thư phổi từ trước đó. Và hiện tại, nghiên cứu này đã đưa ra lời giải thích tương đối rõ ràng về mối liên hệ trên. Khi chúng ta sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, chúng ta sẽ thải một lượng lớn khí carbon ra bên ngoài môi trường, từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí với các hạt bụi siêu mịn PM2.5. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết ngay lúc này là phải thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, không chỉ vì để bảo vệ môi trường mà còn vì bảo vệ sức khỏe của con người”.
Ảnh minh hoạ: Thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề ô
nhiễm không khí không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp bảo vệ
sức khỏe của con người.
Giáo sư Allan Balmain, một nhà nghiên cứu về di truyền học ung thư tại Đại học California, Mỹ cho biết những phát hiện mới này giúp chúng ta hiểu thêm về cách thức mà hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường gây ra ung thư.
Bạn đang xem: Chưa từng hút có thể ung thư phổi vì khói thuốc: 'Thủ phạm' ẩn quanh mỗi người
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Chuyên gia cảnh báo nhóm người cần tầm soát ung thư phổi
- Có 2 dấu hiệu này đi khám, người đàn ông phát hiện ung thư di căn
- 5 dấu hiệu sớm của bệnh ung thư phổi, phát hiện ngay từ giai đoạn đầu sẽ tăng cơ hội sống sót
- Người đàn ông phát hiện bị ung thư giai đoạn 4 từ bất thường khi bơi
- Những lầm tưởng phổ biến về ung thư phổi
- Phát hiện ung thư phổi sau 1 tháng ho vặt, tức ngực, dấu hiệu chỉ ra bệnh hiểm