Chưa điều chỉnh tiền lương, hàng hóa đã rục rịch tăng giá
Trước thông tin điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước vào tháng 7 tới, giá cả các mặt hàng tại nhiều địa phương đã có không ít biến động.
Chợ đầu mối phường Đông Phong, thành phố Lai Châu là nơi cung ứng nhiều loại hàng hóa, trong đó có các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân trên địa bàn như các loại thịt, rau xanh... Trước thông tin chuẩn bị điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng từ 10 – 15%.
Nguyên nhân hàng hóa tăng giá được các tiểu thương tại đây đưa ra là do thị trường không có sẵn nguồn cung và hầu hết các mặt hàng phải nhập về từ nhiều địa phương khác.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ sạp rau xanh tại chợ Đông Phong cho biết: giá các mặt hàng tại chợ tăng hay giảm đều phụ thuộc vào giá cước vận chuyển mà chủ đạo là giá xăng, dầu lên xuống. Hiện đang bước vào mùa mưa ở Tây Bắc, hôm nào đường thông, các loại rau được các thương lái vận chuyển về kịp thì giá sẽ ổn định; còn khi có sạt lở, tắc đường thì rau sẽ khan hiếm hơn và giá sẽ tăng lên.
"Do trên địa bàn không chủ động được rau nên mùa mưa này nhiều thời điểm giá tăng lên, những lúc vận chuyển được thì rau cũng rẻ thôi. Tôi lấy rau trên chợ Đoàn Kết và ở xuôi chuyển lên. Bây giờ giá tăng lên một ít rồi, vì mấy hôm trước tôi nhập vào đối với các loại rau cải thường có 7 – 8 nghìn đồng/kg, nhưng bây giờ đã tăng lên 10 nghìn đồng/kg. Một số loại rau trái mùa hôm trước nhập vào có 10 nghìn đồng/kg thì nay đã tăng lên 15 – 20 nghìn đồng/kg."- chị Hạnh chia sẻ.
Dù là tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, nhưng Lai Châu vẫn phải nhập nhiều loại rau xanh từ các địa phương khác
Ngoài rau xanh, các mặt hàng thực phẩm như thịt gà, lợn, bò… tại chợ Đông Phong những ngày qua cũng đều có mức tăng từ 10 – 20%. Đặc biệt, mặt hàng thịt lợn đen bản địa có mức tăng mạnh, dù thế vẫn không đủ hàng để bán do nguồn cung khan hiếm.
"Thịt bò bây giờ lại có giả rẻ hơn vì thị trường Trung Quốc họ không mua hơi nữa. Giá thịt lợn sề là 100 nghìn/kg, còn lợn trắng nuôi công nghiệp là 110 nghìn đồng/kg, tăng 10 – 15 nghìn đồng/kg do giá lợn hơi tăng. Còn riêng đối với thịt lợn đen là 180 nghìn đồng/kg đối với thịt mông, vai, xương và thịt nạc là 280 nghìn đồng/kg"- Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ sạp thịt bò ở chợ Đông Phong cho biết.
Thịt lợn bản có mức tăng mạnh khiến người tiêu dùng lo lắng
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có gần 30 chợ, 62 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 190 cửa hàng ga, 4 siêu thị và trung tâm thương mại, cùng hơn 5.000 cửa hàng kinh doanh thương mại quy mô hộ gia đình và cửa hàng tiện lợi. Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt hơn 4.440 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu cho biết: để bình ổn giá trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường theo dõi, kiểm tra tình hình thị trường hàng hóa, nhất là việc thực hiện các quy định về niêm yết giá. Tính đến ngày 31/5, lực lượng quản lý thị trường địa phương đã kiểm tra 322 vụ, xử lý vi phạm gần 170 vụ, thu nộp ngân sách hơn 770 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 530 triệu đồng.
Giá cả các mặt hàng hoa quả thời điểm này có mức tăng nhẹ khoảng 10%
"Sở Công thương sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành để theo dõi sát diễn biến cung, cầu giá cả hàng hóa để có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp. Từ đó chủ động dự báo và có phương án để đảm bảo cung, cầu, điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gián đoạn. Đồng thời với đó, Sở Công thương sẽ phối hợp với Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường"- ông Thức nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công thương Lai Châu cũng cho biết thêm, cùng với việc kiểm soát giá cả thị trường, đơn vị sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động nắm bắt thị trường để có kế hoạch dự trữ hàng hóa. Đặc biệt, trong những tháng mùa mưa, giao thông đi lại khó khăn, đơn vị sẽ chủ động theo sát các doanh nghiệp để vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán tại các xã, bản, nhằm phục vụ đủ nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân.
Bạn đang xem: Chưa điều chỉnh tiền lương, hàng hóa đã rục rịch tăng giá
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Cứ đến mùa lại ra đồng bắt thứ này, về bán giá cả triệu đồng/kg vẫn “cháy” hàng
- “Hoa sen” treo lủng lẳng giữa rừng, nhanh tay hái bán gần trăm nghìn/kg
- Rao bán la liệt chợ, tôm hùm Alaska giảm còn gần 400 nghìn/con
- Quả dại “đẻ trứng” nhung nhúc, vị ngọt như mật ong, hơn nửa triệu/kg mà hái không kịp bán
- Phát hiện quả gai mọc dại đầy ở Việt Nam, nước ngoài bán hơn 260.000đ/kg
- Kẻ khóc, người cười mùa vải thiều