Chậu tre bonsai “độc nhất vô nhị”, vì sao trả bao nhiêu tiền chủ nhân cũng không bán?
Tác phẩm được tạo hình từ 2 cây tre ngà mọc đối xứng rất hài hoà, đẹp mắt, uốn lượn như hai con rồng cùng hướng về phía mặt trời.
Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Nguyễn Sỹ Luân (SN 1995), trú tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) đã nổi tiếng khắp giới sinh vật cảnh trong cả nước bởi anh là một trong những người biến những gốc tre rất đỗi bình thường thành tác phẩm bonsai nghệ thuật có giá trị.
Đặc biệt hơn, vào tháng 12/2023, tại buổi tiệc trà tại Hà Nội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 21 tác phẩm tre và trúc bonsai của anh Luân đã được lựa chọn để trang trí. Trong đó có 12 tác phẩm tre ngà, tre gai đặt hai bên phòng trà và 8 tác phẩm trúc đặt tại bàn trà.
Tác phẩm tre bonsai của anh Luân được đặt tại buổi tiệc trà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 được anh coi như báu vật.
Đặc biệt, tác phẩm tre bonsai đặt ở chính diện có tên là “Lưỡng Long chầu nhật”. Đây là tác phẩm được tạo hình từ 2 cây tre ngà mọc đối xứng, tạo tán hài hoà, đẹp mắt với hình dáng uốn lượn, mô phỏng 2 con rồng cùng hướng về hình tròn ở giữa, tượng trưng cho mặt trời.
Từ khi chậu tre bonsai này xuất hiện trên truyền hình, rất nhiều người tìm về khu vườn của gia đình anh Luân để chiêm ngưỡng và ngỏ ý muốn mua lại.
“Cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, dẻo dai, bất khuất, gắn bó với con người Việt Nam. Từ luỹ tre giữ làng, làm vũ khí, cung tên, nỏ chiến đấu chống quân xâm lược giữ nước. Vì vậy, cây tre mang một ý nghĩa đặc biệt và có vai trò quan trọng nên mỗi tác phẩm tre bonsai tôi đều tạo tác với hàm ý khác nhau”, anh Luân nói.
Nói về chậu tre bonsai tâm đắc nhất, được đặt ở chính diện buổi tiệc trà có tên là “Lưỡng Long chầu nhật”, anh Luân cho biết, anh tìm phôi tre ngà để làm tác phẩm vì loại tre này gắn với sự tích Thánh Gióng.
Chậu tre "Lưỡng Long chầu nhật" thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu sinh vật cảnh khắp cả nước.
Phải mất thời gian khá dài, anh mới sưu tầm được 2 phôi tre ngà ưng ý và dành nhiều thời gian chăm sóc, dùng dây nhôm để tạo tán, định hình thân, rễ.
Lúc đầu, ý tưởng của anh là làm hình cây theo thế lưỡng long chầu nguyệt, tức là hai con rồng cùng ngắm trăng. Tuy nhiên, trong quá trình làm, mày mò, vẽ phác thảo, cắt, anh lại đặt tên tác phẩm là lưỡng long chầu nhật với ý nghĩa mặt trời luôn rực rỡ, tươi sáng.
Anh Luân tự tay lên ý tưởng và làm phôi tre, tạo tác và chăm sóc.
“Tôi tự làm chậu trồng tre bằng chính chiếc chum có sẵn trong nhà. Từ vẽ, phác thảo ý tưởng đến cắt tạo hình mặt trời, tôi đã trồng 2 phôi tre đối xứng, điểm giao nhau giữa hai gốc tre là hình tròn trên thân chum, tức là mặt trời”, anh Luân phân tích.
Để hoàn thành tác phẩm, anh Luân mất khoảng 1 năm để hoàn thiện. Hai cây tre ngà được uốn hình con rồng vừa mềm mại, uyển chuyển vừa sống động, hài hoà, đẹp mắt.
Sau khi mang từ sự kiện quan trọng ở Hà Nội về, chậu tre được đặt trang trọng trong khuôn viên gia đình anh Luân như một báu vật.
Từ ngày chậu tre bonsai “Lưỡng Long chầu nhật” của anh Luân xuất hiện trên truyền hình, trong buổi tiệc trà cấp Nhà nước, khách từ khắp nơi tìm đến chiêm ngưỡng và xin chụp hình lưu niệm với tác phẩm này. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chi số tiền “khủng” để mua với bất kỳ giá nào. Tuy nhiên anh không bán.
“Nhiều người tha thiết muốn mua lại, chỉ cần tôi đưa ra một con số nhưng với tôi đây là “báu vật vô giá”, là kỷ niệm của cuộc đời nên giá nào tôi cũng không bán”, anh Luân nói.
Bạn đang xem: Chậu tre bonsai “độc nhất vô nhị”, vì sao trả bao nhiêu tiền chủ nhân cũng không bán?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Bưởi bonsai tiền triệu xuống phố, chờ khách mua về đón Tết
- Dừa bonsai độc lạ ‘đắt như tôm tươi’ dịp Tết
- Kinh tế khó khăn, bưởi bonsai bán chậm, quất cảnh 'lên ngôi'
- Độc đáo cây nhãn bonsai 'kiểu lạ', giá bán lên đến gần 200 triệu đồng
- Chiêm ngưỡng cây nhãn bonsai cổ thụ, giá bán lên đến gần 200 triệu đồng
- Cây ổi bonsai mọc ngược 'hiếm có khó tìm', khách trả 900 triệu chủ vẫn không màng