Cách trồng và ý nghĩa phong thuỷ ít người biết của cây Lan Ý

Biểu trưng cho sự thuần khiết và thanh cao, cây Lan Ý được ứng dụng rất nhiều trong trang trí nhà cửa. Dưới đây là nghĩa phong thủy, tác dụng với sức khỏe.

Nguồn gốc của cây Lan Ý
Có tên gọi khác là Bạch Môn, Vỹ hoa trắng hay Huệ hoà bình, cây Lan Ý có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ và một số nước Đông Nam Á. Cây này có tên khoa học là Spathiphyllum Wallisii, thuộc họ Araceae (Ráy).
Cây Lan Ý có chiều cao phổ biến từ 30cm đến 100cm, mọc thành bụi. Cuống lá mọc từ gốc, dáng mảnh nhưng vươn cao. Lá cây hình bầu dục, nhọn ở đầu, màu xanh đậm và bóng mượt.
Cuống hoa cây Lan Ý khá dài, đầu cuống là hoa màu trắng hoặc xanh, được bao bọc bởi lá bắc của hoa (mo hoa). Hoa cây Lan Ý nở khoảng 3 – 4 tháng.
Có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, cây Lan Ý có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau. Cây có thể phát triển tốt khi trồng cây ở ngoài trời, trong bóng râm hoặc trồng thuỷ sinh.
Cây Lan Ý có mấy loại?
Dựa vào kích thước của lá, cây Lan Ý thường được chia làm 3 loại chính, gồm: Lan ý lá nhỏ, Lan Ý là vừa và Lan Ý lá to. Cả ba loại đều giống nhau về đặc điểm của thân, lá và hoa.
Cây Lan Ý lá nhỏ dễ nhận biết, thân và lá đều khá nhỏ. Loại này thường được trồng trong chậu, thích hợp trang trí trên bàn làm việc hoặc bàn trà trong nhà.
Có kích thước lá lớn là Lan Ý lá vừa, loại này khi lớn sẽ phát triển thành bụi. Lan Ý lá vừa thích hợp trồng trong chậu để trang trí như một loại cây trồng trong nhà.
Kích thước lá to hơn hẳn hai loại trên là Lan Ý lá to, thân cây và hoa cũng cao lớn tương ứng. Đặc điểm của Lan Ý lá to là khi phát triển sẽ mọc thành bụi rộng, thường được trồng trong chậu lớn để trang trí hành lang hoặc sảnh các toà nhà.
Cây Lan Ý hợp với người tuổi gì?
Theo quan niệm, trồng cây Lan Ý trong nhà như một loại cây cảnh sẽ mang lại sự bình yên, nguồn năng lượng tích cực cho sức khoẻ, giúp cho gia chủ tránh được những điều không may.
Ngoài ra, với ưu điểm dễ trồng và sức sống kiên cường, cây Lan Ý là biểu tượng cho ý chí phấn đấu, phát triển không ngừng. Trồng cây này trong nhà sẽ giúp gia chủ vượt qua mọi thử thách, thăng tiến trong sự nghiệp.
Theo phong thuỷ học, cây Lan Ý hợp với gia chủ mệnh Thuỷ và mệnh Kim. Từ đó, cây hợp với các tuổi như: Bính Tý (1936 và 1996), Quý Tỵ (1953 và 2013), Nhâm Tuất (1982), Đinh Sửu (1937 và 1997), Quý Hợi (1983), Giáp Thân (1944 và 2004), Đinh Mùi (1967), Ất Dậu (1945 và 2005), Nhâm Thìn (1952 và 2012), Ất Mão (1975).
Cách trồng và ý nghĩa phong thuỷ ít người biết của cây Lan Ý
Cach trong va y nghia phong thuy it nguoi biet cua cay Lan Y
Cây Lan Ý cũng là loại cây phong thuỷ. (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, cây Lan Ý cũng hợp với người mệnh Mộc bởi có màu xanh lá đậm, đây là màu đại diện cho mệnh Mộc. Những tuổi hợp với cây Lan Ý tương ứng là: Quý Dậu (1993), Nhâm Thân (1992), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Quý Mão (1963), Nhâm Dần (1962), Ất Mùi (1955 và 2015), Giáp Ngọ (1954).
Có ý nghĩa phong thuỷ tốt lành của một loại cây phong thuỷ, cây Lan Ý còn được nhiều người dùng làm quà tặng trong những dịp lễ như tân gia, khai trương, thăng chức, sinh nhật…
Công dụng của cây Lan Ý
Biểu trưng cho sự thuần khiết và thanh cao, cây Lan Ý hiện được ứng dụng rất nhiều trong trang trí nội – ngoại thất. Không chỉ mang đến một vẻ đẹp trang nhã, thanh tao và tràn đầy sức sống, cây Lan Ý còn có tác dụng thanh lọc không khí.
Trồng Lan Ý trong nhà sẽ giúp cho môi trường trong sạch hơn bởi cây có đặc tính hấp thụ nhiều loại khí độc. Loại cây trồng này cũng rất thích hợp trang trí trên bàn làm việc để lọc bớt các loại sóng điện từ phát ra từ các thiết bị điện tử.
Cách trồng và chăm sóc cây Lan Ý
Như các loại cây thuộc họ Ráy, cây Lan Ý rất dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuỳ thuộc vào nhu cầu trang trí, cây có thể trồng ở ngoài trời thành từng bụi hoặc trồng trong chậu.
Đất để trồng cây phải là loại đất giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Gia chủ có thể dùng hỗn hợp gồm đất thịt, xơ dừa, than bùn và thêm phân hữu cơ.
Vì cây Lan Ý không chịu được ẩm cao nên khi tưới nước chỉ cần một lượng vừa đủ, không nên tưới thường xuyên. Nên tưới nước mỗi tuần 1 lần, khi trời lạnh hoặc mưa nhiều thì có thể kéo dài thời gian giữa mỗi lần tưới.
Cây Lan Ý sinh trưởng tốt cả trong môi trường thiếu sáng hoặc ánh sáng đèn huỳnh quang. Nhưng để cây phát triển khoẻ mạnh, cần phơi nắng buổi sáng ít nhất 1 lần/tuần.
Ngoài cách trồng truyền thống, cây Lan Ý cũng rất thích hợp trồng thuỷ sinh. Cách trồng như sau: Tách cây khỏi chậu rồi ngâm bầu rễ trong nước sạch khoảng 2 ngày. Sau khi rễ trắng thì loại bỏ đất và những rễ hư trong củ rễ.
Tiếp đến, pha dung dịch dinh dưỡng với nước sạch rồi đặt cây vào chậu thuỷ tinh sao cho nước vừa ngập phần rễ. Lưu ý phải thay nước mỗi tuần 1 lần cho cây.
Cây Lan Ý giá bao nhiêu?
Tuỳ thuộc vào kích thước của thân cây và loại cây lá nhỏ hay lá to, cây Lan Ý hiện đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.
Theo khảo sát trên thị trường, những cây Lan Ý cao từ 20cm đến 30cm có giá bán dao động từ 50.000 đồng/cây đến 80.000 đồng/cây, chưa bao gồm chậu. Những cây này rất thích hợp để trang trí trên bàn làm việc hoặc bàn trà.
Những cây Lan ý có kích thước cao hơn và đã ra hoa có giá bán cao hơn, từ 100.000 đồng/cây đến 250.000 đồng/cây. Các mức giá này cũng còn tuỳ thuộc vào cây có hoa to hay nhỏ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, các nhà vườn còn bán những cây Lan Ý được trồng sẵn trong chậu. Tuỳ vào chất liệu của chậu, tuy nhiên giá bán phổ biến không quá 500.000 đồng/cây.

Theo Quang Đăng/Vietnamnet

Bạn đang xem: Cách trồng và ý nghĩa phong thuỷ ít người biết của cây Lan Ý

Chuyên mục: Phong thủy

Chia sẻ bài viết