Cách phân biệt bệnh thủy đậu và zona thần kinh
Thủy đậu và zona thần kinh đều do cùng loại virus varicella-zoster gây ra, nhưng chúng không giống nhau.
Thủy đậu và zona thần kinh đều có triệu chứng phát ban trên cơ thể. Ảnh: Healthline.
Bệnh zona thần kinh (hay giời leo) và thủy đậu là các chủng của cùng một loại virus là varicella-zoster (VZV). Thủy đậu là tiền thân của bệnh zona thần kinh. Đây là bệnh phát ban truyền nhiễm xảy ra chủ yếu ở những người trẻ tuổi. Khi già đi, bạn dễ bị bùng phát bệnh zona hơn. Sự bùng phát này là do sự tái hoạt động của virus thủy đậu không hoạt động trước đó.
Sự khác nhau giữa thủy đậu và zona thần kinh
Theo Healthline, bệnh zona và thủy đậu đều do VZV gây ra, nhưng chúng không phải là một bệnh giống nhau. Thủy đậu có xu hướng phổ biến hơn ở trẻ em và lây truyền rất nhanh qua các nhóm. Mặc dù vậy, nó vẫn là rủi ro thực sự đối với người lớn. Trong khi đó, bệnh zona còn được gọi là herpes zoster, thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi và hiếm gặp ở trẻ em.
Ngoài ra, một số khác biệt giữa 2 căn bệnh này, bao gồm:
Triệu chứng
Cả hai bệnh đều có các triệu chứng tương tự, mặc dù mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau. Chúng đều gây phát ban, ngứa ngáy khó chịu và có thể kèm theo các triệu chứng giống cúm, bao gồm: Sốt, đau đầu, ăn mất ngon, buồn nôn.
Trước khi bệnh zona xuất hiện, thông thường, bạn sẽ phát triển triệu chứng đau trong cơ thể, ngứa và/hoặc ngứa ran, sốt, đau đầu. Phát ban bệnh zona thường bắt đầu dưới dạng phát ban dải đơn quanh một bên cơ thể. Cuối cùng, nó có thể bùng phát lây lan sang khu vực lân cận khác nếu bạn gãi.
Theo Hiệp hội Chuyên gia Kiểm soát Nhiễm trùng và Dịch tễ học Mỹ, phát ban do thủy đậu xuất hiện khắp cơ thể. Các vết phồng rộp do thủy đậu sẽ biến mất trong vòng một tuần. Cơn đau và phát ban liên quan bệnh zona mất nhiều thời gian hơn để biến mất, thường từ 3 đến 5 tuần.
Thủy đậu thường phổ biến ở trẻ em, trong khi zona thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi. Ảnh: Verywellhealth.
Nguyên nhân
Thủy đậu xảy ra khi một người tiếp xúc với virus VZV. Tình trạng phơi nhiễm xảy ra khi dành thời gian với người mắc bệnh, chạm vào vảy hoặc vết thương của họ.
Trong khi đó, bệnh zona phát triển khi từng tiếp xúc trước đó với virus VZV kích hoạt lại trong cơ thể. Sự kích hoạt lại này thường xảy ra vào thời điểm hệ thống miễn dịch bị suy giảm (lão hóa, mắc bệnh khác hoặc do thuốc men).
Quá trình lây truyền
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cao có thể lây lan cho khoảng 90% người chưa được chủng ngừa trong gia đình tiếp xúc với người mắc bệnh. Thủy đậu lây qua:
Chạm trực tiếp vào mụn nước, nước bọt hoặc chất nhầy của người mắc bệnh.
Không khí bằng cách ho và hắt hơi.
Lây lan gián tiếp bằng cách chạm vào các vật dụng bị ô nhiễm gần đây như quần áo hoặc ga trải giường.
Một người bị bệnh zona có thể truyền VZV cho người chưa từng bị thủy đậu trước đây. Sự lây truyền này có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bị bệnh zona. Người bị bệnh zona không còn có thể truyền virus sau khi mụn nước đóng vảy.
Biến chứng
Theo Medical News Today, bệnh zona có thể gây đau và biến chứng, chẳng hạn mất thị lực. Tuy nhiên, nó hiếm khi đe dọa tính mạng. Ngược lại, bệnh thủy đậu có thể nghiêm trọng hơn và có khả năng đe dọa tính mạng.
Một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh thủy đậu bao gồm: Viêm phổi, nhiễm khuẩn, viêm não, thiếu máu não, vấn đề về chảy máu, mất nước, nhiễm trùng huyết, tử vong. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người khỏe mạnh có nguy cơ phát triển các biến chứng do thủy đậu thấp hơn.
Chưa từng mắc thủy đậu có thể bị zona thần kinh?
Bệnh zona thần kinh là sự tái hoạt động của cùng một loại virus đã gây ra bệnh thủy đậu. Do đó, bạn phải từng tiếp xúc với VZV từ trước đó mới có thể bị zona. Một người bị bệnh zona truyền VZV, có thể gây ra bệnh thủy đậu ở người chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine thủy đậu.
Theo Jeffrey Brown, bác sĩ y học gia đình tại Cleveland Clinic, bệnh zona và thủy đậu đều do cùng một loại virus gây ra (varicella-zoster). Thông thường, khi bạn còn nhỏ và mắc bệnh thủy đậu, cơ thể sẽ chống lại virus này nhưng không loại bỏ được nó.
Virus ẩn nấp ở đâu đó dưới đáy dây thần kinh ở cơ thể trong nhiều năm. Sau đó, vào một thời điểm nào đó khi bạn già đi, khoảng 50 hoặc thậm chí hơn 60 tuổi, virus quyết định "thức dậy" và tiếp tục gây bệnh. Cơn đau và phát ban lại bắt đầu, nhưng lần này là bệnh zona thần kinh.
Vì vậy, nếu bạn chưa bao giờ bị thủy đậu và một người bạn bị bệnh zona, họ bị phát ban và có mụn nước, khi chạm vào mụn nước, bạn có thể nhiễm virus và mắc bệnh thủy đậu. Nếu đã được tiêm phòng thủy đậu, bạn cũng được bảo vệ khỏi bệnh zona khi trưởng thành.
Bạn đang xem: Cách phân biệt bệnh thủy đậu và zona thần kinh
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Người đàn ông mắc thủy đậu, viện phí đã lên tới 400 triệu đồng
- 32 tuổi tử vong do mắc thuỷ đậu: Bác sĩ BV Bạch Mai khuyến cáo điều thường bỏ qua
- Cẩn trọng với căn bệnh truyền nhiễm đang khiến nhiều trẻ nhập viện
- Con bị thủy đậu, mẹ lấy kim chọc vỡ các nốt phỏng
- Infographic: Phân biệt đậu mùa khỉ với đậu mùa, thủy đậu và tay chân miệng qua nốt ban trên da
- Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu khác nhau thế nào?