Cách nhận biết sớm đột quỵ não
Với các trường hợp đột quỵ não, trong vòng ít phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Đột quỵ não đang là vấn đề lớn của y học. Bệnh xuất hiện với tần suất 0,2% trong cộng đồng. Bệnh cũng thường gặp nhất ở tuổi trên 65 với tỷ lệ khoảng 1%. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng đột quỵ ở độ tuổi trẻ ngày càng tăng.
Trên thế giới, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đứng thứ 3 sau các bệnh tim mạch và ung thư. Tỷ lệ tàn tật chiếm hàng đầu trong các bệnh lý thần kinh.
Theo TS Vũ Quỳnh Hương, khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng ít phút, nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Điều gì gây ra đột quỵ não?
TS Hương cho hay đột quỵ não bao gồm 3 loại:
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (nhồi máu não): Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ não hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
Đột quỵ do xuất huyết não: Là bệnh lý cấp tính do mạch máu não đột ngột vỡ ra, chảy máu vào bên trong nhu mô não, làm tổn thương não. Bệnh gây chết mô não một cách nhanh chóng, đặc biệt nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA - Transient Ischemic Attack): Bệnh được gây ra do động mạch não bị tắc tạm thời (thường dưới 10 phút), sau đó lưu thông lại được. Bệnh được tiên lượng tốt hơn, chưa gây tổn thương não nghiêm trọng. Tuy nhiên, những cơn thiếu máu não thoáng qua liên tục kéo đến sẽ được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Theo TS Vũ Quỳnh Hương, về cơ bản, nguyên nhân gây ra đột quỵ não là sự bất ổn của tuần hoàn máu não. Trong đó, các nguyên nhân được chia thành 2 loại là có thể kiểm soát và không thể kiểm soát.
Đột quỵ não là căn bệnh nguy hiểm với nhiều nguyên nhân và đang
có xu hướng trẻ hóa. Ảnh minh họa: luz_fuertes.
Nguyên nhân có thể kiểm soát gồm:
- Tăng huyết áp: Tạo điều kiện hình
thành các cục máu đông, cản trở quá trình lưu thông máu lên não hay
gây sức ép lên thành động mạch và dẫn đến xuất huyết não.
- Cholesterol cao, thừa cân: Gây ra nhiều bệnh lý như mỡ máu, cao
huyết áp, tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
- Bệnh tim mạch: Suy tim, rung nhĩ, nhiễm trùng tim, rối loạn nhịp
tim có nguy cơ đột quỵ cao.
- Đái tháo đường.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (cơn TIA).
- Đột quỵ tái phát: Tiền căn cá nhân bị đột quỵ có thể tái phát
trong vài tháng đầu, nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần
theo thời gian.
- Hút thuốc: Khói thuốc gây tổn thương thành mạch máu, gia tăng xơ
cứng động mạch là nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Trong khi đó, các nguyên nhân không thể kiểm soát gây ra đột quỵ não bao gồm:
- Tuổi tác: Độ tuổi nào cũng có
nguy cơ đột quỵ, tuy nhiên người cao tuổi có nguy cơ đột quỵ cao
hơn, đặc biệt sau tuổi 55.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với nữ
giới.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 2 lần
so với người da trắng.
- Tiền sử gia đình: Người có người thân từng bị đột quỵ hoặc mắc
các bệnh lý nhồi máu cơ tim, thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ
đột quỵ cao hơn so với người bình thường.
Phát hiện đột quỵ não từ sớm
“Quy tắc FAST là cụm từ viết tắt được hội tim mạch Mỹ (AHA) cùng nhiều tổ chức khác sử dụng. Đây là cách giúp bệnh nhân và người thân dễ dàng ghi nhớ về những triệu chứng của đột quỵ, từ đó nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời”, TS Hương cho hay.
Cụ thể, FAST là bao gồm: Face (mặt), Arm (tay), Speech (giọng nói) và Time (thời gian).
- Với mặt, bệnh nhân đột quỵ não
thường có những dấu hiệu khác thường trước khi phát bệnh như cười
méo miệng, rối loạn thị lực.
- Với tay và chân, bệnh nhân thường có triệu chứng mệt mỏi, các chi
khó cử động khi đột quỵ.
- Với giọng nói, người bệnh sẽ nói líu lưỡi, không rõ chữ và không
thể diễn đạt như bình thường.
- Cuối cùng, thời gian là yêu cầu với người xung quanh cần nhanh
chóng gọi cấp cứu để bệnh nhân được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, TS Hương lưu ý khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ trên, thời gian là yếu tố rất quan trọng.
Tay, chân yếu, không thể kiểm soát là một trong những dấu hiệu
sớm của đột quỵ não. Ảnh minh họa: mufid_majnun.
“Bạn nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất sớm nhất có thể. Nguyên nhân là thời gian vàng trong đột quỵ não kéo dài 4,5 giờ. Nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) hoặc trong 6-8 giờ, lấy huyết khối cơ học (trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não), người bệnh hoàn toàn có cơ hội hồi phục, hạn chế biến chứng”, vị chuyên gia giải thích.
Ngược lại, nếu được tiếp cận với y tế muộn hơn, việc điều trị rất khó khăn, cơ hội phục hồi của bệnh nhân sẽ thấp, khả năng tiên lượng xấu cao.
TS Hương cũng khuyến cáo trong lúc chờ cấp cứu, những người nên thực hiện một số phương pháp sơ cứu:
- Dìu bệnh nhân tránh để bệnh nhân
bị ngã, chấn thương.
- Để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20-30 độ
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hỏi thăm thông tin của bệnh nhân gồm tên
họ, số điện thoại người thân, tình trạng bệnh lý mạn tính, từ đó có
thể trao đổi tình trạng bệnh nhân khi nhân viên y tế tới.
- Nếu bệnh nhân bị nôn, để bệnh nhân nghiêng 45 độ, lấy hết đờm,
dãi để tránh gây ngạt.
- Nếu bệnh nhân bị rối loạn ý thức, kiểm tra mạch. Nếu bệnh nhân bị
ngưng tim, chúng ta cần thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp
nhân tạo). Chúng ta có thể gọi 115 để được hướng dẫn khi không biết
cách làm.
Ngoài ra, vị chuyên gia nhấn mạnh một số điều tuyệt đối không làm là tụ tập đông người xung quanh bệnh nhân; tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay hay cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào.
Bạn đang xem: Cách nhận biết sớm đột quỵ não
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Các thói quen hủy hoại bộ não
- Suýt đột quỵ ở tuổi 30, người trẻ cần làm gì để phòng bệnh?
- Đột quỵ thầm lặng nguy hiểm như thế nào và làm sao để biết mình đang bị đột quỵ thầm lặng?
- 33 tuổi đã bị đột quỵ, những việc nên và không nên làm khi bị đột quỵ
- 7 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm người trẻ cần lưu ý
- Tỷ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng tăng