Cách kêu gọi từ thiện của Hoa hậu Thùy Tiên có đúng pháp luật?
Theo luật sư, cách kêu gọi từ thiện của Thùy Tiên 'nhanh hơn bão' và khác với ca sĩ Thủy Tiên trước đây nhưng có lẽ chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Tối 28/9, trước ảnh hưởng, mức độ tàn phá của bão số 4 khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi, quyên góp tiền để giúp đỡ bà con vùng tâm bão. Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng lên tiếng kêu gọi người dân ủng hộ tiền để hỗ trợ đồng bào miền Trung thông qua CLB "Suối mát từ tâm", người đứng tên tài khoản là bà Phạm Thị Kim Dung - chủ tịch Miss Grand Vietnam/người sáng lập CLB này. Đồng thời, người đẹp cũng góp 50 triệu đồng giúp đỡ bà con miền Trung.
Sau Thùy Tiên, rất nhiều người đẹp cùng công ty quản lý như Hoa hậu Tiểu Vy, Mai Phương, Á hậu Phương Anh,... đã đồng loạt kêu gọi từ thiện về tài khoản từ kiện CLB "Suối mát từ tâm".
Bài đăng kêu gọi từ thiện của Nguyễn Thúc Thùy Tiên
Sau khi nhận nhiều tranh cãi ngay dưới bài đăng kêu gọi từ thiện, Thùy Tiên đã xóa bài đăng đó. Đồng thời, cô chia sẻ bài mới và nhấn mạnh sẽ hoàn tiền cho những ai cảm thấy không tin tưởng khi đã chuyển khoản.
Tuy nhiên, việc nghệ sĩ "kêu gọi từ thiện" vẫn là từ khóa nhạy cảm với dư luận từ 2 năm nay. Vì thế, hành động của Thùy Tiên không tránh khỏi những tranh cãi trái chiều. Một số tài khoản mạng cho rằng Miss Grand International 2021 nên kêu gọi người dân ủng hộ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ thay vì vào tài khoản của một cá nhân. Trong khi đó, số khác đánh giá hành động của hoa hậu nên được ghi nhận, không nên bị chỉ trích vội vàng.
Xét dưới góc độ pháp lý, theo TS. LS Đặng Văn Cường cho rằng thông tin mà Hoa hậu Thùy Tiên đưa ra trên mạng xã hội là không rõ ràng, có phải là hoạt động kêu gọi ủng hộ từ thiện hay không nên có thể Thùy Tiên sẽ thoái thác trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra trong hoạt động từ thiện này.
"Theo nội dung đăng tải trên Facebook này không nói rõ mình là người đứng ra kêu gọi mọi người (MTQ - mạnh thường quân) đóng góp ủng hộ từ thiện và cũng không sử dụng tài khoản của cá nhân mình, không thể hiện nội dung là mình sẽ chịu trách nhiệm đứng ra tiếp nhận, quản lý, phân phát hàng quà từ thiện theo quy định pháp luật. Đồng thời, cô chỉ đưa thông tin chung chung là sẽ góp số tiền 50.000.000 đồng vào một tài khoản cá nhân của người khác mang tên Phạm Thị Kim Dung để đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung.
Trong bài đăng có nhắc đến một câu lạc bộ, một số tài khoản ngân hàng cá nhân - người đứng đầu câu lạc bộ. Chính vì vậy nội dung bài đăng có thể sẽ gây hiểu lầm cho dư luận là hoa hậu này đứng ra kêu gọi quyên góp hoặc cũng có thể hiểu rằng câu lạc bộ "Suối mát từ tâm" là chủ thể kêu gọi từ thiện hoặc hiểu rằng cá nhân bà Phạm Thị Kim Dung (chủ tài khoản) là người kêu gọi,...
Có thể nói cách làm của Thùy Tiên khác với Thủy Tiên, bài đăng của hoa hậu này rất có tính "thời sự", nhiều người còn nói đùa rằng hoạt động quyên góp này "nhanh hơn bão" khi cơn bão Noru vừa mới áp sát đất liền, chưa gây ra thiệt hại đáng kể, chưa thống kê được thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, pháp luật quy định là sau khi thiên tai xảy ra, xác định được thiệt hại thì mới kêu gọi quyên góp ủng hộ", luật sư Cường cho biết.
Phía luật sư cũng nêu rõ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố. Theo đó, thời điểm kêu gọi vận động là khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố đã xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
"Trong khi đó cơn bão chưa vào đất liền, thiệt hại chưa xảy ra, chưa xác định được thiệt hại xảy ra với cá nhân nào, địa phương nào mà hoa hậu đã kêu gọi từ thiện thì tôi cho rằng là "hơi sớm". Cơn bão nào cũng có thể gây ra thiệt hại, dự tính về vị trí đổ bộ, hướng đổ bộ, thời điểm đầu bộ, mức tàn phá của bão có thể có những mức độ chính xác khác nhau, thiệt hại với mỗi cơn bão cũng khác nhau, mỗi địa phương, gia đình cũng khác nhau. Bởi vậy khi đã có thiệt hại thực tế mà người dân, chính quyền địa phương không thể tự khắc phục được thì họ mới cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức cá nhân khác.
Chính vì vậy nghị định mới quy định về điều kiện, thủ tục để thực hiện hoạt động kêu gọi quyên góp vận động từ thiện tránh việc lợi dụng, lạm dụng hoạt động kêu gọi để trục lợi, đánh bóng tên tuổi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức cá nhân", luật sư Đặng Văn Cường chỉ rõ.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ điêu đứng vì chuyện kêu gọi từ thiện giúp đỡ miền Trung
Cũng theo luật sư, tại Điều 17 Nghị định 93 cũng quy định về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân. Trong đó, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
"Như vậy, điều 17 của nghị định 93 đã giải quyết được những tồn tại, tranh cãi trước khi có văn bản này, tránh việc lạm dụng kêu gọi quyên góp từ thiện để trục lợi như những sự việc đã xảy ra trước năm 2020", luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Ở một diễn biến khác, rút kinh nghiệm từ chuyện kêu gọi từ thiện những năm trước, khi chứng kiến bão Noru sắp tiến đến vào đất liền, rạng sáng ngày 28/9 ca sĩ Khắc Việt đã quyết định quyên góp 500 triệu đồng thông qua Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc (UBMTTQ). Tinh thần tương thân tương ái của anh đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía cộng đồng mạng.
Cùng với đó, nam ca sĩ Du Thiên cũng kêu gọi mọi người nếu có tấm lòng hướng về miền Trung thì hãy trực tiếp gửi tiền vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chứ nhất định không thông qua một cá nhân nào. Anh giải thích việc chuyển thẳng vào quỹ của UBMTTQ sẽ giúp các mạnh thường quân có thể yên tâm hơn vì đây là cơ quan có thẩm quyền với các giấy tờ thu chi và kiểm toán rõ ràng.
Bạn đang xem: Cách kêu gọi từ thiện của Hoa hậu Thùy Tiên có đúng pháp luật?
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Hoa hậu Campuchia phải xin lỗi Thùy Tiên
- Hoa hậu Thùy Tiên và những khoảnh khắc ăn uống bình dị đáng yêu
- Thùy Tiên lần đầu đội vương miện mới của Miss Grand International 2022, hợp đến khó tin
- Thùy Tiên kiếm hàng trăm tỷ đồng trong nhiệm kỳ hoa hậu?
- Bất ngờ với số tiền Hoa hậu Thùy Tiên quyên góp từ thiện miền Trung hậu ồn ào
- Váy dạ hội sexy ở chung khảo Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022