Bị 'ngã giá', phải tiếp khách, phải chụp ảnh gợi dục khi... đi thi hoa hậu
Mới đây, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia bị 6 thí sinh tố cáo vì để xảy ra tình trạng quấy rối tình dục. 6 thí sinh này đã bị yêu cầu chụp ảnh ngực trần, tạo dáng gợi dục để... "kiểm tra hình thể".
Bị yêu cầu chụp ảnh ngực trần, gợi dục
Truyền thông quốc tế đang quan tâm tới sự việc 6 thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia 2023 tới trình báo với cảnh sát địa phương về việc họ bị quấy rối tình dục trong quá trình dự thi. Theo đó, 6 thí sinh đã bị người của ban tổ chức yêu cầu để ngực trần phục vụ việc "kiểm tra hình thể".
Hiện tại, cảnh sát địa phương đã tiếp nhận thông tin từ 6 thí sinh này và tiến hành điều tra vụ việc. 6 thí sinh này đã tham gia cuộc thi trong giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 này. Họ cho biết người của ban tổ chức đã yêu cầu họ phải cởi đồ, chỉ mặc đồ nội y, để phục vụ việc kiểm tra hình thể. Trong phòng kiểm tra hình thể có một số nam giới, tổng số người có mặt lên tới hơn... 20 người.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia 2023 vừa kết thúc hồi đầu tháng 8 này, ngay sau cuộc thi, bê bối đã nổ ra (Ảnh: Australia News).
5 thí sinh trong số này sau đó được yêu cầu chụp ảnh ngực trần. Một thí sinh còn bị yêu cầu tạo dáng theo kiểu... gợi dục để chụp hình. Sau khi sự việc diễn ra, 6 thí sinh này quyết định tìm tới luật sư và báo cảnh sát địa phương để xử lý vụ việc.
Cả luật sư và các thí sinh đều nhận thấy rằng việc chụp ảnh ngực trần hay những bức ảnh tạo dáng gợi dục là không phù hợp với tính chất một cuộc thi hoa hậu. Trong quá trình phản ánh sự việc, các thí sinh đều muốn ẩn danh, một thí sinh chia sẻ cảm nhận: "Tôi cảm thấy bẽ bàng, hỗn loạn và khổ sở".
Đại diện cảnh sát Jakarta - nơi tiếp nhận thông tin vụ việc - cho biết hoạt động điều tra đang được tiến hành. Trước sự việc này, tài khoản mạng xã hội chính thức của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đã có đăng tải thể hiện quan điểm: "Chúng tôi đã được biết về các cáo buộc liên quan đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia 2023.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ nhìn nhận rất nghiêm túc về các cáo buộc liên quan tới vấn đề quấy rối tình dục cũng như những hành vi không chuẩn mực khác. Đưa lại một sân chơi an toàn cho phụ nữ chính là ưu tiên đầu bảng của ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, chúng tôi đang xem xét vấn đề vừa xảy ra một cách rất nghiêm túc".
Thực tế, không ít lần truyền thông quốc tế đã đề cập tới những góc khuất tại một số cuộc thi nhan sắc. Sự việc mới xảy ra liên quan tới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia 2023 một lần nữa cho thấy những góc khuất và mảng tối tồn tại phía sau các cuộc thi hoa hậu...
Hoa hậu từ bỏ vương miện vì bị "ngã giá"
Người đẹp Janina San Miguel mới chỉ 17 tuổi khi cô giành chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Philippines. Janina San Miguel đáng lẽ đã trở thành người đẹp đại diện cho Philippines tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World 2008).
Nhưng 3 tháng trước khi Miss World 2008 diễn ra, Janina San Miguel gây sốc với tuyên bố trả lại vương miện vì những lý do cá nhân. "Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không bao giờ đi thi Hoa hậu", cô từng công khai tuyên bố.
Người đẹp Janina San Miguel ở thời điểm đăng quang (Ảnh: CNA).
Về sau, cô Miguel chia sẻ thêm rằng ở thời điểm từ bỏ vương miện, cô đã liên tục phải đối diện với những lời gạ gẫm. Bên cạnh đó, cô cảm thấy quá cô độc, quá áp lực trước những quy định nghiêm ngặt đặt ra cho mình trong nhiệm kỳ Hoa hậu.
Miguel nói: "Thời điểm ấy tôi đang là Hoa hậu, có rất nhiều sự quan tâm, tôi phải nhận rất nhiều lời gạ gẫm, có người "ra giá" 3 triệu peso (gần 1,3 tỷ đồng) để có một đêm ở bên tôi. Có người đề nghị trả cho tôi 25 triệu peso (10,5 tỷ đồng) để làm bạn gái của họ. Khi là hoa hậu, tôi mới biết có rất nhiều người muốn một nhan sắc có thứ hạng trở thành bạn gái hoặc vợ của họ".
Trong thời gian được huấn luyện để đi thi Hoa hậu Thế giới, Miguel không được sử dụng điện thoại, máy tính hay các thiết bị có kết nối Internet. Cô tạm thời dừng mọi liên lạc với... thế giới bên ngoài, bao gồm cả liên hệ với người thân trong vòng 3 tháng.
"Ngay cả khi ông tôi đã sắp qua đời, người ta cũng định không nói cho tôi biết điều này, bởi tôi đang trong thời gian tập luyện. Họ không muốn tôi bị xao nhãng vì bất cứ lý do nào", Miguel nhớ lại.
Philippines là một quốc gia rất chuộng các cuộc thi nhan sắc. Trên đất nước Philippines, các cuộc thi nhan sắc ở các cấp độ diễn ra liên tục, từ những cuộc thi hoa khôi quy mô nhỏ, cho tới những cuộc thi hoa hậu cấp thành phố, cấp tỉnh... diễn ra không ngừng. Hoa hậu ở Philippines được công chúng hâm mộ nồng nhiệt.
Giảng viên Jose Wendell Capili đến từ trường Đại học Philippines-Diliman lý giải về điều này: "Thành công của các người đẹp khiến mọi người tin rằng một người đến từ một vùng miền xa xôi nào đó có thể khiến người dân trên khắp cả nước, thậm chí là trên khắp thế giới, phải biết đến mình. Những câu chuyện như vậy rất truyền cảm hứng, tựa như truyện cổ tích có thực vậy".
Nhưng có đi thi hoa hậu rồi mới biết, hành trình để viết nên một câu chuyện cổ tích như công chúng hình dung cũng có nhiều góc khuất không đơn giản...
Những buổi "tiếp khách", những nhà tài trợ buông lời gạ gẫm
Người mẫu Mercedes Pair từng đăng ký tham gia cuộc thi Hoa hậu Philippines. Từ hàng ngàn cô gái đăng ký dự thi, sẽ chỉ có 40 cô gái được lựa chọn chính thức tham dự, sau cùng chỉ có 5 nhan sắc "có thứ hạng" bước ra từ cuộc thi. Mỗi nhan sắc đều sẽ nhận được những hợp đồng quảng cáo với trị giá lên tới hàng triệu peso (tương đương hàng trăm triệu đồng).
Các nhan sắc này cũng được trao cơ hội đại diện cho Philippines đọ tài sắc tại các đấu trường quốc tế. Dù vậy, con đường đi tới vị trí "người đẹp có thứ hạng" đòi hỏi sự chuẩn bị kỳ công. Có những cô gái bước vào cuộc thi hoa hậu với mức kinh phí chuẩn bị sẵn từ 500.000 đến 700.000 peso (tương đương từ 200 đến 300 triệu đồng).
Trên đất nước Philippines, các cuộc thi nhan sắc ở các cấp độ diễn ra liên tục (Ảnh: Media Corp/CNA).
Dựa trên trải nghiệm của mình khi đi thi, Mercedes Pair cho biết: "Kinh phí mà một cô gái có để dự thi phụ thuộc vào số tiền mà cô ấy sẵn có hoặc vào nhà tài trợ nhận bảo trợ cho cô ấy tại cuộc thi. Tham gia vào một cuộc thi nhan sắc chắc chắn là tốn kém. Mọi người thường hiểu lầm rằng chúng tôi được hưởng mọi thứ miễn phí, nhưng không phải vậy...".
Muốn ở lại lâu trong cuộc thi, bên cạnh những yếu tố như nhan sắc, năng lực, hiểu biết, ứng xử, các người đẹp còn cần... có tiền. Nhiều khi, họ phải nỗ lực tìm cho mình một nhà tài trợ "chịu chi".
Có những cô gái cảm thấy rất áp lực và khó xử khi phải đối diện với những lời gạ gẫm đến từ chính nhà tài trợ. Đối với ban tổ chức và các thí sinh, nhà tài trợ là những người rất quyền lực mà họ chỉ muốn làm "vừa ý, đẹp lòng".
William là một nhà báo từng có nhiều năm đưa tin về các cuộc thi nhan sắc tại Philippines, anh cho biết bản thân từng chứng kiến việc ban tổ chức yêu cầu thí sinh phải ngồi dùng bữa với các nhà tài trợ, trong bữa tiệc, có những vị khách trở nên say xỉn và quá khích.
Một số thí sinh đã nhờ William lên tiếng với ban tổ chức, nhưng anh này được yêu cầu "hãy làm đúng phận sự, không can thiệp vào phần việc không phải của mình".
"Không cô gái nào muốn chính thức lên tiếng, đưa sự việc ra ánh sáng, họ thà khó chịu, bất an một lúc, còn hơn đối đầu công khai với những nhà tài trợ giàu có và quyền lực", anh William chia sẻ.
Hồi năm 2018, khi cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) diễn ra tại Manila (Philippines), có 3 thí sinh đã lên tiếng tố cáo về việc bị một nhà tài trợ của cuộc thi quấy rối tình dục.
Khi ấy, người đẹp Jaime VandenBerg, nhan sắc đại diện cho Canada, đã chia sẻ về việc cô bị một nhà tài trợ làm phiền quá nhiều, người này gọi điện cho cô mỗi ngày và thường xuyên tìm gặp riêng cô: "Người này thậm chí còn hỏi rằng tôi muốn gặp riêng ông ta ở đâu, để ông ta tới chỗ tôi, hay tôi sẽ tới chỗ ông ta.
Ông ta hứa hẹn sẽ giúp tôi giành chiến thắng. Tôi thấy rõ ràng người này đang muốn có sự đổi chác, tôi cảm thấy quá khó chịu về con người này và không còn tinh thần tham gia cuộc thi nữa, vì tôi không cảm thấy an toàn". Sau đó, cô Jaime VandenBerg đã sớm rời khỏi cuộc thi.
Trách nhiệm nằm ở ban tổ chức
Mark Dela Cruz, một người từng có kinh nghiệm tham gia tổ chức những cuộc thi hoa hậu tại Philippines thừa nhận rằng có những cá nhân "có mục đích riêng" khi nhận làm nhà tài trợ cho cuộc thi hoặc cho thí sinh.
Vì vậy, Mark Dela Cruz thường phải tìm hiểu thông tin về các nhà tài trợ để bảo đảm an toàn cho các thí sinh, đồng thời cảnh báo các thí sinh không ra ngoài gặp gỡ riêng nhà tài trợ.
Mark Dela Cruz chia sẻ: "Nếu chúng ta muốn các cuộc thi thực sự trong sạch, lành mạnh, trách nhiệm phần nhiều nằm ở phía ban tổ chức. Bằng cách cắt giảm những việc không cần thiết, giảm bớt áp lực kinh tế đối với thí sinh, họ sẽ không cần phải trông cậy quá nhiều vào nhà tài trợ.
Hơn thế, các thí sinh cần hiểu rằng ngay cả khi giành được vương miện, cũng chỉ 2-3 năm sau là họ có thể bị quên lãng. Mỗi người đẹp đều cần phải tự làm mới hình ảnh, phong cách bản thân để được công chúng nhớ đến lâu dài, không thể chỉ đơn thuần trông cậy vào vương miện. Lợi ích đến từ việc tổ chức thật nhiều cuộc thi nhan sắc vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi".
Bạn đang xem: Bị 'ngã giá', phải tiếp khách, phải chụp ảnh gợi dục khi... đi thi hoa hậu
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Hoa hậu đặc biệt nhất Việt Nam: Trả lại vương miện gần 4 tỷ đồng ngay sau phút đăng quang
- Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Philippines bị chê bai
- Đời tư của 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam: Người sống xa hoa, người học dang dở
- Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lội bùn bắt cá, lấm lem bùn đất
- Ngoại hình Hoa hậu Hoàn vũ 1973 gây chú ý ở tuổi 70
- Nhan sắc tân Hoa hậu Hoàn vũ Croatia gây thất vọng