Bánh trung thu đắt 'khét lẹt', chỉ có 200 hộp phải đặt trước mới làm
Thị trường bánh trung thu 2022 đang nóng dần tại TP.HCM, với sự xuất hiện của dòng bánh nhân vi cá, yến sào giá cao kỷ lục so với mặt bằng chung. Nhiều sản phẩm cho người ăn chay, ăn kiêng cũng được chú ý.
Thị trường bánh trung thu tại TP.HCM đang dần sôi động khi chưa đầy 20 ngày nữa là tới chính Rằm. Năm ngoái, TP đón Tết Trung thu trong giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng bánh đóng cửa nên năm nay, dễ hiểu sự mong đợi của người dân với ngày lễ truyền thống này.
Các thương hiệu bánh như Kinh Đô, Như Lan đã tràn ra vỉa hè, dựng quầy, bán hàng từ ngay thời điểm cuối tháng 6 Âm lịch.
Chị Kim Yến, nhân viên tại cửa hàng bánh Kinh Đô (quận 5), cho biết, khách đến mua đông ngay từ thời điểm mở bán và lác đác hàng ngày. Dự báo, lượng khách sẽ đông trở lại, kéo dài từ đầu tháng 8 Âm lịch đến Rằm. Năm nay, giá bánh Kinh Đô tăng từ 2.000-3.000 đồng/chiếc do giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi mẫu mã không thay đổi. Giá bánh đậu xanh 1 trứng 62.000 đồng/chiếc; thập cẩm 1 trứng 73.000 đồng/chiếc - hai loại nhân bánh khách thường mua nhất.
Người dân mua bánh Trung thu tại TP.HCM (ảnh: Trần Chung)
Trong khi đó, Đồng Khánh tung ra thị trường tới 89 mã bánh trung thu, giá dao động từ 25.000 đồng/chiếc (bánh heo con 50g) cho tới bánh nướng 4 trứng nhân xá xíu gà quay (800g) giá 400.000 đồng/chiếc. Đơn vị này còn tung ra thị trường các sản phẩm bánh chay và bánh nướng ăn kiêng (sử dụng đường isomalt, maltitol). Cụ thể, bánh chay hạt sen trà xanh Matcha (150g) giá 56.000 đồng/chiếc; bánh chay sữa dừa hạt dưa (150g) giá 55.000 đồng/chiếc; bánh đậu đỏ hạt dưa (150g) giá 65.000 đồng/chiếc; bánh sen nam việt quất (150g) giá 65.000 đồng/chiếc,..
Thương hiệu bánh Như Lan báo giá bán 22 nhóm bánh như: thập cẩm gà quay; dừa sầu riêng; môn sen; mè đậu đen; thập cẩm gà quay rong biển,... Mức giá dao động từ 90.000 đồng/chiếc (300g) đến 750.000 đồng/chiếc (1,2kg). Còn nhớ, ngay cả thời điểm giãn cách xã hội năm 2021, lượng khách tới xếp hàng mua tại cơ sở bánh Trung thu Như Lan (đường Hàm Nghi, quận 1) rất đông.
Đặc sản bánh nhân vi cá, bánh gia truyền 70 năm
Khác với các dòng bánh nhân truyền thống, năm nay, một số cơ sở tung ra loại bánh trung thu nhân vi cá. Đây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng nên giá bán các sản phẩm này không hề rẻ, dẫu vậy, vẫn được người dân Sài Gòn ưa chuộng đặt mua.
Có thể kể đến sản phẩm bánh nướng thập cẩm vi cá Chị Bụi giá 450.000 đồng/chiếc (300g); bánh nướng 8 trứng nhân yến sào vi cá Như Lan giá 750.000 đồng/chiếc (1,2kg); bánh nướng 4 trứng nhân bào ngư vi cá gà quay yến sào Đồng Khánh giá 480.000 đồng/chiếc (800g); bánh 4 trứng nhân vi cá gà quay Hỷ Lâm Môn giá 862.000 đồng/chiếc (800g)…
Bà Phạm Kim Anh, chủ thương hiệu bánh trung thu vi cá Chị Bụi, cho hay, giá 1kg vi cá trên thị trường rất đắt đỏ nên nói giá thành sản phẩm cao hay thấp là rất khó, tùy người ăn cảm nhận. Tuy nhiên, riêng thời gian để lọc nguyên liệu đầu vào, làm từng cọng vi cá đã mất tới 4 ngày. Vỏ bánh cũng không được cứng, dày quá mà phải ép thật mỏng để thực khách khi mở ra sẽ dậy mùi thơm của vi cá, ăn thấy nghiền. Do đó, khi thử nghiệm thành phẩm trong lò, các đơn vị làm bánh liên tục điều chỉnh công thức, nhiệt độ nướng trước khi cho ra sản phẩm cuối cùng.
Ngoài 10.000 bánh trung thu vi cá thường, dòng bánh nướng thượng phẩm (sợi vi cá lớn) của đơn vị này có giá tới 875.000 đồng/chiếc (200g) và chỉ nhận đặt hàng trước mới làm, số lượng giới hạn 200 chiếc cho Trung thu 2022. Như vậy, một hộp bánh 4 chiếc có giá 3,5 triệu đồng.
Một cơ sở sản xuất bánh Trung thu nhân vi cá (ảnh: Trần Chung)
Nhận định thị trường năm nay, bà Kim Anh cho rằng, sau dịch Covid-19, người dân quan tâm đến vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng. Bào ngư, vi cá và yến sào là những thực phẩm sẽ được khách hàng lựa chọn mua thưởng thức hoặc làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Trong khi đó, nhắc đến bánh Trung thu tại TP.HCM, người sành ăn sẽ biết đến một tiệm bánh gia truyền gốc Hoa được thành lập từ năm 1954 tại Hà Nội sau đó chuyển vào TP.HCM. Tiệm bánh có tên Đông Hưng Viên (quận 6), đặc biệt ở chỗ chỉ mở bán hàng trong vòng một tháng dịp Trung thu, sau đó các thành viên trong gia đình sẽ đi làm công việc khác nhau.
Anh Lai Hoài Phương - đại diện tiệm bánh chia sẻ, từ 10/7 Âm lịch hàng năm, khoảng 40 thợ làm bánh từ các tỉnh sẽ cùng tụ họp tại tiệm để làm việc cho tới Rằm tháng 8. Đây là những người đã gắn bó với gia tộc làm bánh Trung thu này suốt một thời gian dài.
Bánh của Đông Hưng Viên thiên về vị trái cây ngọt tự nhiên, giá dao động từ 61.000 đồng/chiếc (bánh chay dừa sầu riêng 170g) tới 195.000 đồng/chiếc (bánh vi cá gà quay jambon 2 trứng 300g). Năm nay, cửa hàng cùng tung ra các dòng sản phẩm bánh Trung thu cao cấp như bánh rồng vàng giá 999.000 đồng/chiếc (1,2kg); khổng tước chi vương giá 880.000 đồng/chiếc (1,02kg),...
Theo anh Phương, giá bánh bán ra năm nay cao hơn các năm trước từ 5-7% song thị trường có dấu hiệu khởi sắc. Ngay từ khi mở bán, nhiều khách hàng DN đã đặt bánh số lượng lớn, tới cả 500 chiếc để làm quà tặng cho nhân viên trong công ty.
“Điều quan trọng nhất để giữ chân thực khách là hương vị chứ không phải do quảng cáo hay hạ giá bán. Bí quyết của mỗi tiệm mỗi khác, nhưng hương vị bánh trung thu có thể sẽ theo thực khách đến hết cuộc đời họ”, anh Phương nói.
Bạn đang xem: Bánh trung thu đắt 'khét lẹt', chỉ có 200 hộp phải đặt trước mới làm
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- 'Chợ mạng' ào ạt xả hàng bánh trung thu giá rẻ
- Bánh trung thu màu sắc lòe loẹt, đắt đỏ: Khách thích 'ném tiền qua cửa sổ'
- 9x làm “hoa” cho Tết Trung thu, khách mua phải đặt trước ít nhất 5 ngày
- Nhiều loại bánh Trung thu độc lạ 'làm mưa, làm gió' trên thị trường
- Bí quyết chi tiêu, tự bày mâm cỗ Tết Trung thu tiết kiệm cả triệu đồng
- Bánh trung thu sầu riêng gần 2 triệu đồng, nhà giàu chi tiền ăn sang