Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần hiểu biết đúng và những lưu ý về cúm A
Theo BS. Trương Hữu Khanh, dịch cúm A lần này cũng giống như trước đó, cho nên các mẹ không cần quá lo lắng.
Gần đây, số lượng người mắc cúm A, đặc biệt là các bệnh nhi tăng nhanh, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Đứng trước thông tin này, nhiều bà mẹ lo lắng sợ cúm A bùng phát thành dịch lớn giống Covid-19.
Mới đây, BS Trương Hữu Khanh (Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM) đã giải đáp một số thắc mắc của các phụ huynh về vấn đề này.
Đừng thấy có nhiều ca nhiễm virus cúm A/H1N1 mà hoảng hốt
Chuyên gia nhận định, thời gian gần đây có rất nhiều người hỏi về việc cúm A năm nay có gì lạ không? Có phải có biến chủng mới không? Vì sao số lượng ca nhiễm tăng đột biến thế? Sự hoang mang này giống với thời gian trước, khi các mẹ nghe thông tin về bệnh viêm gan bí ẩn.
BS Trương Hữu Khanh cho biết: "Bệnh cúm A/H1N1 là một bệnh cúm mùa do virus cúm A/H1N1 gây ra. Có 2 chủng là H3N2, H1N1. Đến nay, hệ thống giám sát chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Đây là bệnh rất dễ lây truyền từ người này sang người khác với tốc độ rất nhanh. Thời gian gần đây khi nghe đâu đâu cũng có bệnh nhân mắc cúm A nên nhiều mẹ hoảng, nháo nhào sợ rằng sẽ bùng phát dịch giống Covid-19 vừa rồi.
Nhưng về nguyên tắc sẽ là như thế này, nếu một con virus cúm khác lạ hơn bình thường thì sẽ là chủng mới, hoàn toàn mới luôn. Ví dụ H1N1 năm 2009 mà sau này gọi là cúm đại dịch thì nó là 1 virus mới. Cấu trúc virus này khác hoàn toàn so với các con virus khác nên tốc độ lây lan rất kinh khủng.
Khi thấy hiện tượng bệnh cúm lây lan nhanh, nhiều ca nhiễm hơn bình thường, thì phải phân tích có gì đặc biệt không? Một con virus cũ mà tự nhiên bùng lại thì có thể do nguyên nhân: Lâu quá chúng ta không chích ngừa vắc-xin, làm miễn dịch kém đi. Hoặc trong một thời gian dài chưa bị nhiễm virus này thì khi hội nhập trở lại, mình có thể sẽ bị bệnh đó.
Muốn biết nó có thật sự nhiều thành dịch hay không thì phải so sánh với lần bệnh này bị mắc nhiều nhất. Tuy nhiên, trong quá khứ chúng ta đâu có làm giám sát bệnh cúm như những nước tiên tiến đâu. Vì vậy, chúng ta không thể khẳng định được là virus này đang bùng phát. Khẳng định thế là chưa chính xác, thiếu cơ sở. Chẳng qua là đợt này số ca mắc nhiều hơn thời gian trước một chút nên mọi người hoang mang vậy thôi".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về bệnh cúm A.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, gần đây số lượng ca nhiễm cúm A tăng nhanh, có nhiều ca diễn biến xấu là do: "Hơn 2 năm nay vì ảnh hưởng của Covid-19 nên trẻ thường ở trong nhà, ít ra môi trường lạ. Ví dụ có những trẻ mới sinh từ năm 2019 đi, thì từ trước đến giờ con có mấy khi được ra ngoài chơi đâu, 2 năm dịch không được ra ngoài, luôn ở trong nhà... Từ 1-3 tuổi con có bị cúm đâu, có bị nhiễm virus hô hấp đâu, vì thế đương nhiên các con sẽ không có miễn dịch tự nhiên với con virus này. Khi hết dịch, hòa nhập cộng đồng trở lại, trẻ ra môi trường lạ, tiếp xúc nhiều hơn thì nguy cơ mắc bệnh cũng nhiều hơn.
Virus cúm có 3 nhóm chính: Cúm A, cúm B, cúm C. Virus lây bệnh chủ yếu là nhóm A và B. Nếu mình đã bị mắc virus cúm nào đó, thì sau này dù con virus ấy có biến đổi một chút, khi mình mắc lại cũng sẽ nhẹ hơn nhiễm lần đầu".
Cũng theo vị bác sĩ này, khi con bị sốt, sổ mũi mọi người thường nghĩ ngay đến cúm A nhưng cũng có thể con bị nhiễm các virus khác. Cái này thì phải đến các cơ quan y tế làm xét nghiệm mới khẳng định trẻ nhiễm virus nào được. Vì vậy, bác sĩ Khanh kết luận, cúm A lần này không có gì đặc biệt và cũng không cần quá lo lắng hoang mang.
"Con nít bị bệnh hô hấp trên là do virus. Viêm đường hô hấp trên do virus có 3-4 tác nhân thôi. Đó có thể là hợp bào hô hấp, virus Adeno, có thể là do cúm A, cúm B... Nhưng trước kia mình đâu có điều kiện test, còn giờ thì mình test rất nhanh. Mình test nhiều thì tự dưng mình sẽ cảm thấy số ca nhiễm cúm A nhiều thôi", BS Khanh chia sẻ thêm.
Đối phó thế nào khi nhiễm virus cúm A/H1N1?
Khi con bị sốt, kèm theo hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, người mệt mỏi mà bố mẹ cho xét nghiệm xác định con nhiễm cúm A/H1N1 thì chúng ta vẫn điều trị như từ trước tới giờ áp dụng. Đó là điều trị triệu chứng.
Nếu theo dõi trẻ vẫn tỉnh táo, ăn được thì có thể điều trị tại nhà. Nhưng nếu trẻ sốt cao và mệt mỏi, ho nhiều, lâu khỏi thì có thể đi khám. Ở bệnh viện, các bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ của bệnh và kê đơn thuốc hợp lý.
Bác sĩ Khanh chia sẻ: "Điều trị cúm A, chủ yếu cũng là điều trị triệu chứng, ví dụ khi thấy con sốt trên 38 độ thì có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, áp dụng các phương pháp hạ sốt cho trẻ. Con ho thì uống thuốc ho... Bên cạnh đó, trẻ cần phải nghỉ ngơi uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng...
Trong số thuốc được kê để điều trị cúm A, loại thuốc có tên Oseltamivir phosphate (tên thuốc là Tamiflu), thời H1N1 và H5N1 chúng ta dùng quá nhiều, nhưng thuốc này chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Những người nào bị viêm phổi siêu vi cấp tính mà do cúm hoặc cơ địa tiểu đường và xác định cúm này là cúm A, có thể bị nặng hơn người bình thường thì mới dùng. Còn thông thường, cúm sẽ tự hết sau một vài ngày khó chịu. Loại thuốc đó uống vào người sẽ có tác dụng phụ. Chỉ những trường hợp nào nặng, nằm viện thì bác sĩ mới chỉ định.
Lạm dụng dùng thuốc Tamiflu gây ra kháng thuốc và tác dụng phụ
không mong muốn.
Việc người dân tự ý đi tìm mua thuốc Tamiflu sẽ rất nguy hiểm nếu mua phải thuốc giả. Đặc biệt, thuốc Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ nhỏ. Chỉ điều dưỡng, bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Phụ huynh tự mua, tự chia sẽ rất dễ quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu dùng vô tội vạ như hiện nay sẽ gây kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, Tamiflu có thể gây ra tác dụng phụ ít người biết đến là tạo ra ý định tự sát. Đây là tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp. Tuy nhiên, với việc dùng thuốc Tamiflu tràn lan như hiện nay, tác dụng phụ này có thể xuất hiện không ai nói trước được".
Chuyên gia phân tích như vậy để các mẹ có con nhỏ hãy bình tĩnh, không cần quá lo lắng, nhao nhao lên khi có thông tin dịch cúm A bùng phát. Nhưng chúng ta phải suy nghĩ về chuyện phòng ngừa virus này. Ví dụ như cho trẻ nhỏ mang khẩu trang để phòng bệnh, hắt hơi thì quay đi chỗ khác, rồi chích ngừa vắc-xin đầy đủ... Chích ngừa cúm có thể chích từ 6 tháng đến lớn, những ai hay bị ốm vặt thì nên chích ngừa.
Ngoài ra, các mẹ cần: Giữ vệ sinh cho các con, giữ ấm cơ thể cho bé, ăn chín uống sôi, ăn đủ chất dinh dưỡng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Theo Trí Thức Trẻ
Bạn đang xem: Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cần hiểu biết đúng và những lưu ý về cúm A
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Bác sĩ kê đơn trị cúm A dù bệnh nhi test âm tính
- Tamiflu không phải thần dược trị cúm A, đây là thuốc có thể gây trầm cảm cực nhanh mà người dân không hề biết
- Không nên tự ý mua Tamiflu
- Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi mắc cúm A
- Chưa hết Covid-19 lại đến cúm A, phải ăn gì để tăng đề kháng tốt nhất?
- Thai phụ bị sốt đi khám phát hiện mắc liền lúc cả sốt xuất huyết và cúm A