Áp dụng khung giá khám chữa bệnh mới: Thực tế tại các bệnh viện thế nào?
Sau khi áp dụng khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mới, hơn 1.500 kỹ thuật khám chữa bệnh ở Bệnh viện Việt Đức được điều chỉnh giảm.
Từ 15/8, thực hiện quy định tại Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế, giá khám bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, trên cả nước, không được thu quá 500.000 đồng/lần khám; giường bệnh không quá 4 triệu đồng/giường/ngày.
Theo khảo sát của VietNamNet, một số bệnh viện đã điều chỉnh giá khám, dịch vụ kỹ thuật và giường bệnh theo yêu cầu.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bảng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu mới được lãnh đạo viện này phê duyệt được áp dụng bắt đầu từ ngày 15/8.
Trao đổi với VietNamNet chiều 15/8, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết hiện bệnh viện điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung của Bộ Y tế.
“Ở thời điểm này, bệnh viện chỉ điều chỉnh giảm giá, không một dịch vụ theo yêu cầu nào điều chỉnh tăng so với trước đây”, ông Hùng nói. Điều này dựa trên quan điểm quyền lợi của người bệnh phải đặt lên hàng đầu.
Cụ thể, bệnh viện này áp giá khám theo yêu cầu, khám chuyên gia chung giảm từ 1 triệu đồng xuống 500.000 đồng, theo mức trần cao nhất Bộ Y tế quy định, không còn chia ra các mức khám như trước đây.
Ngoài giá khám bệnh, gần 1.500 dịch vụ kỹ thuật khác cũng được điều chỉnh giảm như siêu âm tuyến giáp từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết giảm gần 400.000 đồng, về còn hơn 1 triệu.
Một số dịch vụ kỹ thuật có mức giảm nhiều như: Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng giảm từ 16 triệu xuống còn hơn 12,8 triệu (giảm gần 3,2 triệu đồng); phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng giảm từ 13 triệu đồng xuống còn hơn 7,7 triệu đồng, tương đương giảm gần 5,3 triệu đồng;
Một ca phẫu thuật điều trị vỡ tim do chấn thương trước đây giá dịch vụ theo yêu cầu là 54 triệu đồng, nay giảm về hơn 23,8 triệu, tức là giảm gần 20 triệu đồng; kỹ thuật chuyển vạt da có nối hoặc ghép mạch vi phẫu trước đây có giá gần 39,9 triệu đồng nay giảm còn gần 18,7 triệu (giảm hơn 21 triệu).
Phẫu thuật bệnh tim mắc phải có dùng máy tim phổi nhân tạo trước đây có giá 61 triệu đồng, nay giảm còn hơn 38,1 triệu, tức là giảm gần 23 triệu đồng; ghép thận trước ngày 15/8 có giá 50 triệu, hiện giảm còn hơn 16,5 triệu, tương đương giảm gần 33,5 triệu đồng.
"Đây là chi phí dịch vụ theo yêu cầu, bảo hiểm y tế không chi trả. Bác sĩ có trách nhiệm giải thích với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật này", bác sĩ Hùng cho biết.
Tân Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định số lượng số lượng bệnh nhân đến khám sẽ không thay đổi, chất lượng dịch vụ cũng không thay đổi, dù một số dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh giảm giá mạnh.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ ngày 15/8, giá sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) dịch vụ giảm từ 16 triệu còn hơn 6,7 triệu. Còn đẻ thường khu dịch vụ giảm từ 14 triệu xuống còn hơn 4,3 triệu.
Phòng dịch vụ theo yêu cầu 2 giường, vệ sinh khép kín tại khoa
Đẻ tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BVCC
Giá khám thai, khám vú, khám phụ khoa, khám nam khoa đều được thu theo mức giá chung là 500.000 đồng/lần. Trước đây, giá khám này chia ra khu khám tự nguyện là 250.000, khám chuyên gia là 500.000 đồng.
Tuy nhiên, thông tin từ một bác sĩ khoa Đẻ tự nguyện (D3) của bệnh viện này cho biết giá giường bệnh theo yêu cầu được điều chỉnh tăng, cao nhất là 4 triệu đồng (bằng mức trần của Bộ Y tế quy định), trong khi trước đây mức giá giường cao nhất là 3 triệu. Ba mức giá mới của giường bệnh theo yêu cầu sau khi điều chỉnh lần lượt là 3 triệu - 2 triệu và 1,5 triệu.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, độc giả VietNamNet phản ánh giá khám bệnh theo yêu cầu tại khoa Quốc tế cho bệnh nhi khám tiêu hóa là 590.000 đồng, theo báo giá ngày 15/8, cao hơn mức giá tối đa Bộ Y tế quy định 90.000 đồng.
Tiếp nhận phản ánh này qua VietNamNet, lãnh đạo bệnh viện này cho biết "đang yêu cầu điều chỉnh lại". Theo vị lãnh đạo này, so với giá trần của Bộ Y tế trong Thông tư 13, một số dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn, một số giá thấp hơn, sẽ được bệnh viện điều chỉnh, cố gắng trong ngày 15/8 sẽ ban hành.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, khung giá dịch vụ theo yêu cầu vừa được lãnh đạo viện này ký ban hành hôm 7/8, hầu như không thay đổi so với trước đây do giá cũ nằm trong mức giá Bộ Y tế quy định tại Thông tư 13.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, mức khám giáo sư, phó giáo sư là 150.000 đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 là 120.000 đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng. Theo mức điều chỉnh mới, bệnh viện thu giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng.
Bạn đang xem: Áp dụng khung giá khám chữa bệnh mới: Thực tế tại các bệnh viện thế nào?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe