15 tuổi thủng dạ dày: Bác sĩ điểm danh 'thủ phạm', chỉ cách phòng ngừa
Viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo bác sĩ chuyên khoa, các sang chấn về tinh thần, sử dụng thuốc, rượu… là tác nhân gây ra viêm loét thủng dạ dày.
Tác nhân gây bệnh cần biết
Một bệnh nhân 15 tuổi tại Hà Nội bị đau bụng dữ dội kèm sốt đã được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân đến trong tình trạng có hội chứng nhiễm trùng, bụng đau co cứng như gỗ.
Sau khi được làm những xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ mổ cấp cứu phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng.
Bệnh nhân được ra viện sau 5 ngày điều trị nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc và theo dõi khám lại.
Phim chụp bệnh nhân 15 tuổi bị thủng dạ dày, ảnh BSCC.
Bác sĩ Nguyễn Hàm Hội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thủng ổ loét có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Nhưng tình trạng thủng hay xảy ra ngay sau bữa ăn hoặc sau ăn vài giờ. Nguyên nhân của bệnh lý viêm loét thủng dạ dày là do các chấn thương tinh thần, sau khi trải qua cuộc phẫu thuật lớn; sang chấn về tâm lý, tình cảm.
Việc sử dụng thuốc bừa bãi không đúng chỉ định cũng có thể gây ra tình trạng loét, thủng dạ dày. Ví dụ như sử dụng một số loại thuốc giảm đau không steroid, dùng thuốc cortison lâu dài để điều trị các bệnh mạn tính.
Theo bác sĩ Hội, việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá cũng có thể làm tăng tiết acid, ức chế quá trình liền sẹo của ổ loét dạ dày - tá tràng. Trong đó, có đến 23% trường hợp loét dạ dày - tá tràng có liên quan đến thuốc lá.
Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) cũng làm gia tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày. Một số thống kê đã chỉ ra rằng có đến 50-80% các trường hợp thủng ổ loét dạ dày tá tràng có dương tính với vi khuẩn H.P. Ở trẻ em, 90% lỗ thủng được xác định là do có nhiễm vi khuẩn H.P.
Gen cũng là một yếu tố liên quan đến vi khuẩn H.P và loét dạ dày- tá tràng. Trong đó, gen alen DQ*0102 thường thấy ở bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng không nhiễm vi khuẩn H.P.
Một số yếu tố liên quan khác đến loét dạ dày - tá tràng đó là tình trạng nghiện rượu hoặc các bệnh lý gây tăng tiết gastrin (gastrinoma, hội chứng Zollinger - Ellison).
Các triệu chứng điển
hình
Theo bác sĩ Đỗ Văn Minh (Bệnh viện Bạch Mai), đa phần các trường
hợp thủng dạ dày thường xuất hiện đột ngột, dữ dội vùng thượng vị,
vùng mũi ức, trên rốn,"đau như dao đâm". Triệu chứng này gặp trên
80% trường hợp.
Khoảng 15% bệnh nhân xuất hiện tình trạng nôn và buồn nôn. Một số trường hợp nôn ra dịch nâu đen nếu có hẹp môn vị, ít khi có nôn ra máu nhưng nếu có thì là trường hợp rất nặng, tiên lượng xấu, cần xử lý kịp thời.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ có bí trung đại tiện xảy ra khi đã có viêm phúc mạc toàn thể làm liệt ruột.
Bác sĩ Đức cho hay, điều trị thủng ổ loét dạ dày - tá tràng thường là mổ cấp cứu để lau rửa sạch ổ bụng và khâu lỗ thủng kết hợp với điều trị nội khoa (sau mổ).
Còn để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng, bác sĩ Minh lưu ý cần phải bỏ các thói quen xấu như: hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, hạn chế ăn các đồ ăn cay, nhiều chất béo và đồ chiên rán…
Ngoài ra, mọi người cũng nên ăn nhiều loại thực phẩm như rau xanh, trái cây và ngũ cốc để tăng cường vitamin, khoáng chất, chất xơ, phytochemical và flavonoid, các chất này có thể giúp tăng cường tính toàn vẹn của niêm mạc đường tiêu hóa và chữa lành các vết loét đã có từ trước. Mọi người cũng nên uống thêm nước và hạn chế lượng caffeine sử dụng.
Bên cạnh đó mọi người cũng nên tăng cường sức khỏe đường ruột bằng các vi khuẩn lành mạnh thông qua bổ sung các thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp và giấm táo. Có thể bổ sung men vi sinh nếu bạn đang được điều trị bằng kháng sinh diệt vi khuẩn H.P.
Mọi người cũng cần chú ý đến sức khỏe tinh thần, tránh căng thẳng, lo lắng và trầm cảm vì các yếu tố này có thể gián tiếp gây ra viêm loét dạ dày - tá tràng. Mọi người cũng nên tránh sử dụng thường xuyên các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như: aspirin, ibuprofen và naproxen.
Khi có các triệu chứng như: Đau bụng đột ngột, dữ dội, kéo dài; Đi ngoài ra máu hoặc phân đen; Nôn ra máu hoặc chất nôn giống như bã cà phê… mọi người cần tới cơ sở y tế chuyên khoa sớm để được thăm khám, điều trị sớm.
Bạn đang xem: 15 tuổi thủng dạ dày: Bác sĩ điểm danh 'thủ phạm', chỉ cách phòng ngừa
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nên tránh xa những loại quả này vào buổi sáng kẻo tự 'phá nát' dạ dày
- Kim băng phong thủy 'ăn ngon ngủ ngon' suýt đâm thủng dạ dày bé gái 6 tháng tuổi
- Bé trai nuốt phải dị vật này gây thủng dạ dày, thứ như vậy không nên để trẻ chơi
- Vì sao 3 bệnh nhi ở Hải Phòng bị thủng dạ dày khi mắc Covid-19?
- Ba bệnh nhi mắc Covid-19 bị thủng dạ dày